Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Microsoft mã mở hóa hay cô lập mã mở?
Bất chấp việc hãng phần mềm liên tiếp gây ngạc nhiên lớn cho cộng đồng công nghệ thế giới bằng việc dàn hòa với Sun và phát hành Windows Installer XML (WiX), giới phân tích vẫn khẳng định rằng, việc hãng phần mềm ngả theo mã mở là điều hoàn toàn xa vời.
Trên thực tế, WiX, bộ công cụ để xây dựng các gói phần mềm Windows từ mã nguồn XML, đã và đang được sử dụng trong những phiên bản sắp được Microsoft tung ra dưới hai thương hiệu Office và Exchange khi mà hãng phần mềm tiếp tục thực hiện những kế hoạch chống sự bành trướng của mã mở mà họ đã bắt đầu tăng cường từ năm 1998, được gọi bằng cái tên Chính sách Halloween.
Trong một thông điệp có tính chiến lược, các nhà lãnh đạo của Microsoft cho rằng, bằng cách “đi theo và mở rộng” các giao thức mở, họ có thể ngăn chặn được ảnh hưởng của đối thủ mã nguồn mở ngay từ bên ngoài thị trường của mình. Jason Matusow, người phụ trách chương trình chia sẻ mã nguồn của Microsoft, tuyên bố: “Chúng tôi đã và đang học được nhiều điều từ mã nguồn mở, trong đó có tầm quan trọng của việc chia sẻ mã với các nhà phát triển khác”. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện.
Từ rất lâu trước khi Microsoft học được “tầm quan trọng của việc chia sẻ mã”, họ đã hiểu rằng để hạ gục bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, thì điều cần thiết nhất là phải “đi theo và mở rộng” công nghệ của đối thủ. Để chiếm lĩnh Internet, Microsoft khai thác công nghệ trình duyệt bằng Internet Explorer, tích hợp miễn phí vào hệ điều hành đồng thời liên tục nâng cấp công cụ này theo hình thức độc quyền để hạ bệ những trình duyệt khác. Cách này đã đem lại những kết quả rõ ràng. Mặc dù một số người từng say mê nói về sự tuyệt vời của những web browser như Mozilla, Opera và Firefox, Internet Explorer vẫn là ông vua của lĩnh vực này. Tính đến tháng Giêng năm nay, trình duyệt của Microsoft chiếm tới 94,8% thị phần toàn cầu, trong khi Mozilla đứng thứ hai chỉ với 1,8% và tiếp theo là Opera 7, chiếm 0,8%.
Theo đuổi sách lược “bắt chước và mở rộng”, Microsoft, bằng một cách rất “tài tử”, cũng đã tung ra một mã nguồn độc quyền của họ nhưng dưới dạng giấy phép mã mở thực sự. Điều này càng chứng tỏ triết lý kinh doanh của họ. Trong chiến lược năm 1998 nói trên của Microsoft còn có một đề xuất tấn công mã mở bằng cách “công khai những phần mã nguồn nhằm thu hút sự chú ý của hacker”. Điều này có thể góp phần bổ sung những giá trị mới cho cơ sở mã trong “biên giới” của Microsoft.
Việc phát hành WiX đã làm được hơn cả điều này. Nó hỗ trợ các nhà phát triển chuyển đổi các chương trình từ những định dạng Windows Installer Databases (.msi/.msm) sang định dạng XML, dựa trên nền text.
XML vốn là một chuẩn mở, nhưng để hoạt động được với MSI/MSM, những file này có một định dạng rất đặc thù. Liệu đã có công ty nào tìm kiếm sự bảo vệ bản quyền đối với những đặc thù này của mã XML chưa? Câu trả lời là có: chính Microsoft với những định dạng Office XML của họ. Vậy Microsoft có làm như vậy với những định dạng XML của WiX? Nếu những chuyên gia tại trụ sở ở Redmond của họ đã làm với định dạng văn bản Office XML thì họ cũng sẽ làm với WiX. Vì vậy, mã nguồn mở của Microsoft sẽ chỉ hoạt động với XML độc quyền của Microsoft để tạo ra những chương trình cài đặt độc quyền của họ.
Điều này cũng đúng với sách lược Halloween của Microsoft, trong đó họ nhắc đến việc hợp nhất các giao thức mở như Directory Name Services (DNS) với Active Directory như một ví dụ của việc hạ gục mã nguồn mở thông qua việc mở rộng những giao thức có tính thương mại. Microsoft vẫn đang trong quá trình thực hiện điều này với XML và tất nhiên, WiX chỉ là một bước tiếp theo trên con đường này.
Nếu nhiều người có cảm giác rằng Microsoft đang tạo ra một cái gì đó mới hay hữu ích cho cộng đồng mã mở thì không phải. Cái mà họ thực sự đang thực hiện là triển khai sâu hơn sách lược Halloween nói trên, tức là siết chặt hơn vòng vây quanh cộng đồng mã mở.