Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Microsoft chuẩn bị cuộc chiến bản quyền đè bẹp Linux?

Tạm gác qua một bên cuộc chiến pháp lý của SCO Group với cộng đồng nguồn mở. Hãy cân nhắc tới khả năng Microsoft đang nhanh chóng triển khai các vũ khí bản quyền công nghệ để "kìm kẹp" Linux. Những người ủng hộ nguồn mở từ lâu đã cảnh báo rằng sự thiếu sót các bản quyền cuối cùng có thể dẫn tới một vấn đề lớn cho "cộng đồng chim cánh cụt".

Ký ức HP: Microsoft có kế hoạch tấn công...

Hewlett-Packard (HP) mới đưa ra một bản ghi nhớ của một giám đốc điều hành HP viết vào tháng 6/2002, cho biết Microsoft đã lên kế hoạch sử dụng các bản quyền làm cơ sở để thực hiện một cuộc tấn công pháp lý nhằm vào phần mềm nguồn mở.

HP, một hãng ủng hộ phần mềm nguồn mở, cũng đã từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Microsoft.

"Về cơ bản, Microsoft đang chuẩn bị sử dụng hệ thống pháp lý để dập tắt trào lưu phần mềm nguồn mở." - ông Gary Campbell, sau này là phó chủ tịch kiến trúc chiến lược của HP đã mô tả trong một bản báo cáo ghi nhớ gửi đến một số giám đốc điều hành HP vào thời điểm tháng 6/2002 - "Microsoft có thể tấn công phần mềm nguồn mở bằng cách cáo buộc hành động vi phạm bản quyền của các hãng máy tính bán phần mềm Linux, các nhà phát hành Linux, và trong trường hợp hy hữu, sẽ là cả những nhà phát triển nguồn mở".

Bản ghi nhớ được viết ra khi Linux từ một khái niệm khá khó hiểu đã bắt đầu nổi lên thành một lựa chọn thay thế phổ biến cho hệ điều hành độc quyền của Microsoft. Các ưu thế của Linux bao gồm: cung cấp chi phí thiết lập rẻ hơn, và được nắm rõ hơn về quá trình xây dựng nên phần mềm.

Ông Campbell cho biết Microsoft đã "đặc biệt lo lắng" về ba bộ phần mềm nguồn mở được sử dụng rộng rãi: Samba - được sử dụng để chia sẻ file giữa Windows, Linux và các hệ điều hành khác bằng cách mô phỏng hệ thống file và phần mềm máy in của Windows; Apache - phần mềm máy chủ web được sử dụng để vận hành các website; và Sendmail - được sử dụng để chuyển phát e-mail qua Internet và các mạng nội bộ.

Trong bản ghi nhớ, được ghi nhận là xác thực nhưng "không liên hệ tới hiện tại" đối với khách hàng HP và người dùng nguồn mở nói chung, người phát ngôn của HP Elizabeth Phillips cho biết: "Do bản ghi nhớ này đã có từ hai năm trước nên chúng tôi tin rằng tình thế chung hiện nay của ngành công nghiệp đã trở nên khác biệt".

Hãng phát hành Linux hàng đầu Red Hat - vốn bao gồm cả Samba, Apache và Sendmail trong các sản phẩm của mình - đã cam đoan lại một lần nữa trong một phát biểu của người phát ngôn Leigh Day: "Chúng tôi cảm thấy tin tưởng rằng các giải pháp nguồn mở của mình không vi phạm vào các quyền sở hữu trí tuệ của người khác".

Microsoft cho biết đã chuyển đổi sách lược của mình sang hướng thực dụng hơn với chiến dịch "Get the Facts", để chứng tỏ rằng Linux sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn Windows khi triển khai và vận hành. Microsoft đã tài trợ một số nghiên cứu về mức chi phí giữa hai hệ thống theo mục tiêu này.

Linux có thể vi phạm tới... 283 sáng chế công nghệ! 

Linux, về mặt tiềm ẩn, có thể vi phạm tới 283 sáng chế công nghệ, bao gồm cả 27 sáng chế do Microsoft nắm giữ

. Tuy nhiên, chưa có phán quyết nào của toà án công nhận Linux vi phạm vào một trong 283 bản quyền này. Đây là kết quả phân tích của OSRM, tổ chức bán bảo hiểm để bảo vệ cho hoạt động sử dụng hoặc bán Linux trước những vấn đề kiện tụng bản quyền sáng chế.

Dan Ravicher, người sáng lập và giám đốc điều hành của Public Patent Foundation, đã thực hiện phân tích trên cho OSRM (Open Source Risk Management). OSRM giống như một công ty bảo hiểm, chuyên bán các thoả thuận bảo hộ pháp lý trước những tuyên bố cáo buộc Linux vi phạm bản quyền công nghệ. Tổ chức này đang lên kế hoạch mở rộng chương trình để bảo hộ các sáng chế cho cộng đồng nguồn mở.

OSRM cho biết trong số 283 sáng chế trên, 98 bản quyền hiện được các đồng minh Linux sở hữu, bao gồm 60 sáng chế của IBM, 20 của HP và 11 của Intel. Theo ông Ravicher, quá trình xem xét phân tích này đã kéo dài hàng tháng trên các phiên bản nhân Linux 2.4 và 2.6.

Ông Ravicher cho biết: Mặc dù các bảo hộ sáng chế của OSRM sẽ chỉ bắt đầu từ đầu năm 2005, tổ chức này đã bắt đầu đặt giá: 150.000 USD mỗi năm để bao gồm toàn bộ các chi phí bảo hiểm dàn xếp, còn chi phí cho kiện tụng pháp lý lên tới năm triệu USD.

Các kế hoạch bảo hộ sáng chế của OSRM là bước phát triển mới nhất trong quá trình tương tác đôi khi không "thuận chèo mát mái" giữa phong trào lập trình nguồn mở (vốn chia sẻ mã nguồn miễn phí) với thế giới phần mềm độc quyền (vốn coi công nghệ như một tài sản riêng). Vấn đề này đã trở thành một mối lo ngại thực sự gay gắt khi SCO Group kiện IBM, cáo buộc Big Blue (tên sở hữu công nghiệp của IBM) đã lấy các công nghệ Unix độc quyền của mình vào Linux trái với các điều khoản hợp đồng.

Ông Stuart Cohen, giám đốc điều hành của Open Source Development Labs, một cộng đồng Linux lớn hiện đang thuê người sáng lập Linux - Linus Torvalds - làm việc, cho biết: "Các nhà lập trình Linux sẽ né tránh bất kỳ vấn đề vi phạm quyền sáng chế nào xuất hiện".

Theo Ravicher, mặc dù OSRM có quan điểm tìm kiếm lợi nhuận từ mối lo ngại trước những đe doạ kiện tụng pháp lý về bản quyền đối với Linux, công ty mới hình thành này đã có một nỗ lực rất lớn để liên kết bản thân nó với sự nghiệp nguồn mở - một phần vì nhiều người dùng Linux hơn cũng đồng nghĩa thị trường sẽ lớn hơn.

Theo quan điểm của Ravicher, 283 bản quyền sáng chế có thể là một cơ sở cho các vụ kiện Linux vi phạm bản quyền, nhưng câu hỏi liệu một toà án có tìm ra một sự vi phạm thực tế nào, hay liệu sáng chế đó có bị phán quyết là không hợp lệ hay không, vẫn còn đang được để ngỏ. Trong số các bản quyền sáng chế từng được "thử lửa" tại toà án, có khoảng một nửa được xác định là không hợp lệ.

Con số sáng chế tiềm ẩn khả năng vi phạm bản quyền này không phải là mức cao quá bất thường đối với một bộ phần mềm có thể sánh ngang tầm với Linux. Chẳng hạn như Microsoft cũng đã phải dàn xếp không ít vụ kiện vi phạm bản quyền, và đang đối mặt với vài vụ kiện mới tương tự.

Một chiều hướng của luật bản quyền sáng chế hiện nay tại Mỹ là các công ty và cá nhân không được khuyến khích trong việc tìm kiếm xem sản phẩm của mình có bị vi phạm bản quyền hay không.

Bill Gates vẫn chuẩn bị "hoả lực" bản quyền

Bill Gates đang muốn có thêm nhiều bản quyền sáng chế công nghệ của Microsoft . Chủ tịch của Microsoft tuyên bố hãng mình sẽ đệ trình 3.000 đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm nay, tăng đáng kể so với con số nhỉnh hơn 2.000 một chút của năm ngoái và chỉ khoảng 1.000 đơn đăng ký của vài năm trước.

Việc vượt cột mốc 3.000 bản quyền sáng chế trong một năm đã đưa "người khổng lồ phần mềm" này lên một giải đấu mà hầu như chỉ có chính mình. Năm ngoái, IBM đã giành vị trí vô địch trong giải đấu đặc biệt này với 3.415 sáng chế do Cục Sáng chế và Thương hiệu Mỹ cấp, và không có đối thủ nào trong lĩnh vực công nghệ cao theo sát phía sau. HP hiện đứng ở vị trí thứ năm, với 1.759 sáng chế được cấp trong năm ngoái.

Động lực tìm kiếm thêm nhiều bằng sáng chế đã xuất hiện khi Microsoft đang cố gắng đẩy mạnh việc cấp bản quyền sở hữu trí tuệ của mình cho các công ty khác, một nỗ lực được hãng bắt đầu từ năm ngoái.

Không chỉ là mục tiêu giành được những con số lợi nhuận tăng vọt, Bill Gates cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng điều chúng tôi đang làm - việc xin cấp bằng sáng chế hàng loạt - quan trọng hơn những gì mà các công ty khác đang tiến hành tương tự".

Ngoài các sáng chế liên quan tới XML và các công nghệ phần mềm khác, Microsoft đã nhận được một số sáng chế bất thường trong năm qua, bao gồm cả một công nghệ sử dụng da người để truyền năng lượng điện và dữ liệu, và một loại táo mới khác. Tuy nhiên Microsoft cho biết bản quyền về quả táo là sự nhầm lẫn của luật sư và sáng chế này đáng ra thuộc về một người khác.

Bill Gates đã nhấn mạnh vào một số công nghệ mới mà hãng đang tập trung nghiên cứu, bao gồm cả một phương pháp cải tiến để hiển thị và duyệt trong một thư viện ảnh số và các video clip.

Ngày "khai hoả" có đến?

Đối với Microsoft, Linux như một chiếc xương mắc ngang họng. Hệ điều hành nguồn mở này trong thời gian gần đây đã nẫng tay trên của Microsoft không ít hợp đồng trang bị hệ thống phần mềm lớn, chẳng hạn như với thành phố Munich của Đức, hay Paris của Pháp... Việc tìm cách đè bẹp đối thủ từ xưa tới nay vẫn luôn là chiến lược được ưu tiên của Microsoft, nên chẳng có gì quá ngạc nhiên khi "người khổng lồ phần mềm" đang đưa "chú chim cánh cụt" vào kính ngắm, và chỉ chờ thời cơ để bóp cò.

Ngay cả trong vụ SCO Group, Microsoft cũng được đánh giá là kẻ đứng sau giật dây, từ việc là một trong những hãng đầu tiên mua bản quyền sử dụng Linux của SCO, cho tới những khoản tiền đầu tư nặng tay vào công ty đang làm ăn thua lỗ này.

Kẻ có trong tay nhiều bằng sáng chế hơn sẽ chiếm ưu thế trong cuộc tranh giành pháp lý, nhưng ai sẽ là người cầm những sản phẩm nguồn mở miễn phí đi đệ đơn xin đăng ký bản quyền? Câu hỏi này, cộng đồng nguồn mở vẫn đang tìm lời giải đáp. 

Bình Minh (Tổng hợp từ CNET) - Theo VNN

Các tin tức khác:

Vi phạm bản quyền, hai doanh nghiệp máy tính bị phạt

Hacker tấn công website TTVN, mạo danh BTC

ICQ cung cấp hộp thư 2 GB

Tân giám đốc điều hành của HP

Virus Bagle có thể sẽ "tàn phá" đến 28-1

Khai báo hải quan điện tử:''Biết rồi, khổ lắm...''

Photoworks Digital Partner 1.0 (PDP) - 'Bạn đường' của những người yêu ảnh kỹ thuật số

Virus Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện qua máy tính

Quảng cáo online sẽ đạt 18,9 tỉ USD vào 2010

Thiết Kế Web Bán Hàng Chuyên Nghiệp, Hiệu quả

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone