Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
MEGA VNN: Thấp hơn “cam kết” đến hơn... 30 lần!
Một khách hàng bức xúc: “Có lúc kết nối Internet bằng ADSL với chất lượng không khác mấy so với kết nối bằng quay số điện thoại thông qua modem bình thường (56 Kbps)”.
Theo lời khách hàng này, chất lượng dịch vụ ADSL có lúc thấp hơn “cam kết” đến hơn 30 lần!
Vì sao như thế? Hiện nhà cung cấp dịch vụ ADSL MegaVNN thường đầu tư loại tổng đài ADSL (DSLAM) 120 cổng, tức có thể cung cấp dịch vụ cho 120 thuê bao. Về nguyên tắc, khi tải dữ liệu mỗi thuê bao phải đảm bảo tốc độ 2 Mbps đúng như cam kết của nhà cung cấp dịch vụ. Nếu có khoảng 100 thuê bao cùng lên mạng tại cùng một thời điểm thì tổng lượng băng thông bị chiếm khoảng 200 Mbps.
Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số khu vực ở TP.HCM đường truyền nối từ DSLAM - tổng đài ADSL - đến Bras (tạm hiểu là bộ chuyển mạch trung tâm) chỉ có 8Mbps. Và đương nhiên số người dùng ADSL tại một thời điểm càng nhiều thì tốc độ càng chậm vì băng thông càng nhỏ hẹp.
Trong khi đó, đường truyền nối từ Bras đến mạng trục Internet chỉ có ba đường 155 Mbps nhưng chia sẻ cho hơn 4.000 thuê bao (tất nhiên tại một thời điểm chỉ một tỉ lệ nào đó trong tổng số thuê bao ADSL truy cập mạng).
Hiện dịch vụ ADSL - Mega VNN tại TP.HCM có hơn 4.300 thuê bao, chưa kể còn hơn 4.400 hồ sơ xin lắp đặt chưa được đáp ứng. Thế nhưng, số lượng thuê bao càng phát triển thì chất lượng dịch vụ lại ngày càng đi xuống... |
Đặc biệt vào giờ cao điểm việc tắc nghẽn, tốc độ truy cập chậm chạp lại càng rõ ràng hơn. Đó là chưa kể đến các điểm “thắt cổ chai” kéo dài tại điểm kết nối đến mạng trục Internet và kết nối Internet quốc tế.
Ngoài ra, cổng ra Internet quốc tế tại TP.HCM chỉ có khoảng 300 Mbps nhưng chia sẻ cho hàng chục nghìn thuê bao Internet. Nghĩa là con đường ra Internet hiện còn quá hẹp, trong khi lượng người đi trên con đường này lại quá đông.
Chưa hết, trong số thuê bao dịch vụ ADSL MegaVNN thì các đại lý Internet chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Và chính những đại lý Internet mới là những thuê bao hút băng thông của đường truyền khủng khiếp nhất, với thời gian gần như suốt ngày đêm.
“Ông bưu điện” vẫn “một mình một chợ”?
Đến nay Công ty Truyền thông FPT dốc hết lực nhưng chiếm thị phần ở thị trường ADSL chỉ khoảng 20%. Để chiếm được thị phần như thế FPT phải bỏ ra một chi phí đầu tư khoảng 1,5 triệu USD để đầu tư hạ tầng mạng.
Thật sự FPT chật vật để hạch toán bài toán kinh tế “dịch vụ ADSL” của mình. Và cũng rất khó khăn để tìm kiếm khách hàng vì hạ tầng mạng còn hạn chế, chưa phủ khắp thành phố. Trong khi đó, cho đến thời điểm này Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) vẫn chưa có chủ trương phát triển nhanh dịch vụ ADSL, dù biết thị trường dịch vụ này rất tiềm năng. SPT lợi thế hơn cả FPT vì có sẵn hạ tầng mạnh.
“Nhưng vì giá thành dịch vụ cao hơn gấp mấy lần giá trần (cước không quá 1 triệu đồng/tháng/thuê bao) mà Bộ Bưu chính viễn thông đưa ra để áp dụng cho các thuê bao ADSL nên chúng tôi rất khó cung cấp dịch vụ rộng rãi” - một lãnh đạo SPT cho biết.
Xem ra thị trường dịch vụ ADSL rất cạnh tranh nhưng thực chất gần như doanh nghiệp của ngành bưu chính viễn thông đang “một mình một chợ” trong việc khai thác thị trường dịch vụ này.
Nhìn vào các văn bản qui định về giá cước ADSL của Bộ Bưu chính viễn thông (MPT) có thể thấy ngay một hiện tượng không bình thường. Tất cả dịch vụ khác như VolP Phone to phone, PC to phone, điện thoại di động... MPT đều đưa ra giá sàn thì tại sao với ADSL lại đưa ra giá trần? MPT đưa ra giá trần hay giá sàn có phải là tùy theo khả năng chiếm lĩnh thị trường của Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) để “đứa con đẻ” này của MPT thủ lợi nhiều nhất?
MPT cần có giải pháp nào để vừa có lợi cho người tiêu dùng vừa có lợi cho ngân sách quốc gia? Đó là việc MPT hãy sớm có chính sách và ban hành qui định cụ thể, chi tiết việc cho thuê đường dây điện thoại nội hạt.
Trong qui định này nhất thiết phải đưa ra cho được giá thuê đường dây điện thoại nội hạt để khai thác ADSL. Các doanh nghiệp sẽ phát triển ADSL trên mạng của VNPT; đồng thời được thuê chỗ đặt DSLAM (tổng đài ADSL) ngay tại vị trí tổng đài điện thoại nội hạt của VNPT và được bảo đảm để không bị cạnh tranh không lành mạnh từ phía VNPT.