Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Máy tính nhiễm sâu: Đừng "chết" vì thiếu hiểu biết

Một cuộc thăm dò do AOL tiến hành mới đây đã cho kết quả như sau: 20% số máy tính gia đình dính virus hoặc sâu. 80% số máy tính "dính chưởng" của đủ loại chương trình do thám, từ spyware đến adware. Vậy mà bất chấp thực tế đó, có tới hơn 2/3 số người sử dụng cho rằng họ... an toàn trước các hiểm hoạ trực tuyến.

Cuộc thăm dò trên đây, một lần nữa, lại chiếu rọi khoảng cách giữa ngộ nhận của người sử dụng với mức độ nguy hiểm thực sự của các đại nạn từ Internet. Chính vì ngộ nhận nên nhiều người sử dụng máy tính gia đình đã chủ quan tới mức gạt bỏ hệ thống phòng hộ bảo mật của mình, từ phần mềm tường lửa cho đến phần mềm chống virus. Trong khi đó, số lượng thông tin cá nhân nhạy cảm và dữ liệu tài chính mà máy tính nhà họ quản lý ngày một gia tăng. Tất cả trở thành miếng mồi quá ngon trước mũi các hacker và spammer.

Các chuyên gia kỹ thuật của AOL và Liên minh Bảo mật Mạng Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo mật mạng, đã kiểm tra 329 máy tính gia đình có kết nối Internet theo cả hai đường băng thông rộng hoặc quay số trong hai tháng vừa qua. Những người tham gia cũng được phỏng vấn về nhận thức của họ đối với các hiểm hoạ Internet. Sau phần phỏng vấn, các kỹ sư của AOL kiểm tra cài đặt tường lửa và chống virus bên trong máy tính, tìm kiếm những file đã bị lây nhiễm virus và sự hiện diện của phần mềm do thám hoặc adware.

Quan niệm sai lầm về bảo mật 

Có tới hơn 70% số người được hỏi tin tưởng một cách sai lầm rằng mình đứng ngoài cuộc chiến chống virus, dù cho gần 20% trong số đó đang bị nhiễm virus và 63% thừa nhận trong quá khứ đã từng bị virus tấn công. 

Virus còn bị thờ ơ như vậy thì việc phần mềm do thám bị bỏ qua lại càng dễ hiểu. Chúng được tìm thấy đang sống đời ký sinh trong 80% số máy tính được phân tích, với trung bình 93 chương trình spyware hoặc adware mỗi máy. (Phần mềm do thám là một thuật ngữ rộng dùng để chỉ những chương trình theo dõi trái phép hoạt động của người sử dụng máy tính, nắm bắt thông tin rồi truyền về trung tâm tiếp nhận. Còn Adware là phần mềm được cài đặt hợp pháp, bao gồm cả Cookies, theo dõi hành vi của người sử dụng như lướt Web nhằm làm lợi cho các nhà quảng cáo trực tuyến). Thế nhưng 90% số người có máy tính bị dính spyware hoàn toàn không hay biết gì và thậm chí còn ngơ ngác không hiểu luôn spyware là cái gì nữa. 

Xuất phát từ ngộ nhận sai lầm đó, hệ thống bảo mật trong các máy tính được phân tích tỏ ra vô cùng lỏng lẻo. Tuy 85% số máy có cài đặt phần mềm chống virus nhưng tới 65% trong số đó thiếu cập nhật và hoàn toàn sơ hở trước những kẻ tấn công mới nhất, tinh vi hơn. 

Đừng để "dính" vì... thiếu hiểu biết

Sự lẫn lộn về mục đích cũng như tính cần thiết của các chương trình bảo mật có lẽ là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên. Đa số người sử dụng nói rằng họ không hiểu tường lửa là gì cũng như cơ chế hoạt động của nó, còn 58% số người tham gia phỏng vấn không thể lý giải được sự khác nhau giữa tường lửa và phần mềm chống virus. 

Người sử dụng cũng tỏ ra nhầm lẫn lung tung hoặc thiếu kiến thức về các triệu chứng máy tính bị nhiễm virus hoặc spyware. Lấy thí dụ, 63% những người sử dụng phần mềm chống pop-up cho biết họ vẫn nhận được tin nhắn pop-up. Khoảng 40% nói rằng trang chủ trình duyệt hoặc kết quả tìm kiếm của họ bị thay đổi mà không có bất cứ sự cho phép nào từ phía họ - toàn những dấu hiệu truyền thống, cổ điển của lây nhiễm spyware và virus cả. 

Mặc dù không thể phủ nhận các hãng phần mềm bảo mật đã làm không tốt công tác tiếp cận những khách hàng không rành lắm về công nghệ, song đại diện của NCSA cho rằng sự chủ quan, tự thoả mãn của người dùng mới chính là căn nguyên lớn nhất. "Rất nhiều người nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị tấn công, cũng giống như khi họ tin rằng sẽ chẳng bao giờ bị ốm hoặc đụng xe vậy, vì mình khoẻ mạnh và lái xe cẩn thận thế kia mà! Với bảo mật máy tính họ cũng nghĩ hệt như vậy "Tôi có làm gì đâu? Nó tấn công máy của tôi làm gì cho phí thời gian cơ chứ?" Nên nhớ rằng bảo mật máy tính là một trách nhiệm cần được chia sẻ." - Ken Watson, chủ tịch NCSA cho biết.

Các hãng phần mềm máy tính đã thể hiện rõ thiện chí "chia sẻ trách nhiệm" của mình bằng cách không ngừng cải tiến độ bảo mật, an toàn cho các sản phẩm phần mềm, chẳng hạn như SP2 của Microsoft mới đây. Nhưng họ không thể nào làm thay được phần việc của chính khách hàng. 

NCSA là tổ chức được hậu thuẫn bởi Bộ An ninh Nội địa của Mỹ và một loạt hãng phần mềm hàng đầu như Microsoft, RSA Security, Symantec cùng McAfee. Tổ chức này đã công bố danh sách mười thủ thuật bảo mật mạng trên website của mình và hy vọng thông tin về cuộc thăm dò sẽ thôi thúc nhiều người sử dụng truy cập vào hơn, cũng như tuân theo các chỉ dẫn để bảo vệ máy tính.

Các tin tức khác:

Microsoft khoá bản nâng cấp Windows Server 2003 SP1

Chế độ an toàn trong Windows XP

Internet đang bị tấn công bởi số lượng virus lớn chưa từng thấy

Tây Ban Nha phá ổ sao lậu phần mềm

Mẹo dùng các sản phẩm của Microsoft

Công nghiệp điện tử Việt Nam: Yếu... toàn thân!

F-Secure ban hành phần mềm diệt virus cho Linux

Microsft ra mắt bản beta Windows XP 64 bit

SỬ DỤNG GRUB

Ẩn và những trang web xấu

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone