Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Mạng thông tin toàn cầu: Thực trạng và xu hướng
Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi thời kỳ bùng nổ dotcom chấm dứt một cách đột ngột cùng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2000. Tuy nhiên, Internet vẫn tiếp tục mở rộng cho dù đã có hàng triệu website “ra đi”.
Năm tới, tên miền mới “.eu” dành cho châu Âu sẽ được đưa vào kinh doanh trong khi những địa chỉ Internet viết bằng tiếng Trung, Nhật, Hàn, gần đây cũng đã đi vào hoạt động sau nhiều năm nằm ở giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật. Chuẩn bị xuất hiện còn có một nhóm địa chỉ mới kết thúc bằng đuôi “.jobs” và “.asia”. Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất có lẽ sẽ là ý tưởng sáp nhập địa chỉ Internet với số điện thoại.
Mức độ hoạt động Internet không ngừng gia tăng:
Một trong những cách đánh giá cường độ hoạt động của mạng thông tin tòa cầu hiện nay là đếm số yêu cầu (request) tìm kiếm địa chỉ web trong “sổ địa chỉ” chính của Internet hay nói cách khác tức là hồ sơ lưu của các đơn vị điều hành tên miền. VeriSign, công ty quản lý tất cả các địa chỉ có đuôi “.com” và “.net”, cho biết hiện nay họ xử lý số lượng yêu cầu cao gần gấp 7 lần so với vài năm trước, trung bình 11 tỷ request mỗi ngày so với 1,7 tỷ năm 2000. Ở Mỹ, quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, số yêu cầu truy tìm địa chỉ trực tuyến có tần suất cao gấp 3 lần so với lượng cuộc gọi điện thoại hàng ngày.
Không chỉ có mật độ hoạt động trực tuyến gia tăng mà việc kinh doanh các địa chỉ Internet mới cũng rất phát đạt. Theo thông báo mới công bố của VeriSign, gần 4,7 triệu tên miền mới đã được bán ra trong quý I năm nay, tăng 21% so với năm ngoái và là số lượng trong một quý lớn nhất từ trước đến nay. Tổng số địa chỉ Internet có đăng ký hiện nay đã lên đến 63 triệu, cũng là một mức kỷ lục từ trước đến giờ.
Nếu ai đó muốn có thêm bằng chứng cho thấy Internet đã ăn sâu vào đời sống xã hội như thế nào thì VeriSign cũng cho biết luôn rằng ngày càng có nhiều tên miền gắn liền với những website đang hoạt động hoặc tài khoản e-mail, chiếm 72% trong tổng số tên miền đăng ký so với 55% của tháng 12/2002 khi mà nhiều người mua tên miền chỉ vì mục đích đầu cơ.
Xu hướng đặt tên theo đối tượng:
Sự hữu ích mà các địa chỉ Internet đem lại có thể mở rộng nhiều hơn nữa nếu hàng loạt thử nghiệm hiện nay thành công. Chẳng hạn như trong lĩnh vực hàng không, người ta đang tìm cách làm thế nào để cho phép mọi người gõ những chuỗi ký tự như “1876.aero” vào trình duyệt web và có được thông tin báo cáo về một chuyến bay cụ thể nào đó. Đang được nghiên cứu phát triển còn có một hệ thống đặt tên theo đối tượng có khả năng kết hợp Internet với thiết bị nhận dạng mã số qua sóng radio (RFID) mà các nhà sản xuất và cửa hàng bán lẻ đang áp dụng. Một hệ thống xác định địa chỉ các đối tượng vật chất như vậy có thể mở rộng thêm rất nhiều khả năng khai thác hệ thống tên miền.
Ngoài ra còn là một xu hướng đang có tác động rất mạnh tới Internet hiện nay: đó là sự gia tăng số địa chỉ bên ngoài biên giới Mỹ và bên ngoài cộng đồng “.com” vốn thuộc về nước này. Vào những ngày đầu tiên khi World Wide Web mới ra đời, người Mỹ và niềm say mê cái tên “.com” của họ đã thống trị mạng liên lạc toàn cầu còn non trẻ. Rất nhiều nước tham gia kết nối về sau đã trải qua một gia đoạn khá khó khăn mới có được cái đuôi “.com” này. Một phần nguyên nhân của điều này có thể được phản ánh qua ví dụ sau: 90% tổng số tên miền được đăng ký ở Đức hiện nay có đuôi “.de”, mã riêng cho quốc gia này trong khi domain “.us” dành riêng cho Mỹ giống như những mã nước khác lại rất ít được sử dụng. Hệ thống tên miền toàn cầu hiện hành có trên 200 mã nước như vậy.
Trong khi đó, đuôi “.com” vẫn tiếp tục chiếm một tỷ lệ sử dụng rất lớn: 45% tổng số các địa chỉ Internet. Đuôi “.de” của Đức hiện đã vươn lên trở thành domain lớn thứ hai về số địa chỉ đăng ký, chiếm 12%. Tên miền “.uk” của Anh xếp thứ ba với 8%. Hiện nay, chỉ còn có 31% tổng số tên miền toàn cầu được đăng ký ở Mỹ.
Thoát khỏi ảnh hưởng Mỹ:
Giờ đây, không mấy ai còn ngạc nhiên khi hệ thống địa chỉ Internet đang bắt đầu thoát dần khỏi những ảnh hưởng của cường quốc công nghệ số 1 thế giới. Khu vực Bắc Mỹ giàu có và công nghiệp hóa cao không còn là nơi có “dân số Internet” cao nhất thế giới. Theo VeriSign, châu Á-Thái Bình Dương, với 223 triệu người sử dụng mạng thông tin toàn cầu, đã vượt qua 175 triệu người ở Mỹ và 173 triệu của châu Âu.
Trong khi đó, Tổ chức tên miền quốc tế (ICANN), trong vai trò giám sát hệ thống địa chỉ Internet toàn cầu, đang cân nhắc một số đề xuất về việc tạo thêm 10 đuôi tên miền mới, trong đó có “.tel”, “.mail”, “.xxx”, “.jobs” và “.asia”. Đây là một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi bởi vì một số người nghĩ rằng lưu thông Internet thực ra đã quá tải và điều mà nó cần là sự tinh xảo hơn chứ không phải số đông hơn.
Thực tế còn rất nhiều việc phải làm để thực sự quốc tế hóa Internet. Như trên đã nói, trong khi tên miền bằng tiếng Nhật và Trung Quốc đã được đem bán thì rất nhiều phần mềm vẫn không thể nhận dạng được những ngôn ngữ này. Và thế là tiếng Anh vẫn tiếp tục thống lĩnh một cách mất cân đối trong các nội dung web: khoảng 68% tất cả các nội dung trực tuyến được viết bằng một thứ ngôn ngữ mà là tiếng cơ sở của chỉ có 36% người dùng Internet. Những trang web nổi tiếng nhất trên thế giới đang cố gắng chuyển đổi website của mình thành những địa chỉ đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức lớn về kỹ thuật và là một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian.
ICANN dưới áp lực:
Tổ chức tên miền quốc tế đang chịu sức ép của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Internet ở nhiều nước. Những đối tượng này coi ICANN là một pháp nhân “quá Mỹ” và quá chậm trễ trong việc tiến hành những thay đổi cần thiết. Đặt trụ sở ở Marina del Ray, California (Mỹ), ICANN đã tạo lập một khoảng cách pháp lý nhất định giữa họ với chính phủ nước sở tại vào năm ngoái và đến nay tổ chức này vẫn tiếp tục quá trình toàn cầu hóa bằng cách bổ nhiệm các ủy ban trực thuộc và mở thêm văn phòng khu vực ở khắp nơi trên thế giới.
Một nguy cơ lớn mà quá trình toàn cầu hóa đặt ra cho Internet là khả năng nó có thể làm rạn nứt những gì từng là một kiến trúc mở và được chuẩn hóa. Internet có thể biến thành những hệ thống nhỏ hơn, ngày càng khép kín và ít nhiều khác nhau do địa lý và văn hóa. Tuy nhiên, dù có thế nào, rất nhiều tổ chức quản lý web ở cấp khu vực và chính phủ các nước sẽ phải làm tất cả để tránh không đi vào con đường đầy nguy cơ ấy. Họ nhất định phải tìm cách cộng tác với nhau xoay quanh một thứ mà giờ đây đã trở thành một trong những nguồn lực quý nhất mà thế giới cùng chia sẻ: Internet.