Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Lộ trình 10 bước để các dự án CNTT thành công
Xác định điều kiện cần thiết trước khi xây dựng các dự án ứng dụng CNTT là vấn đề hết sức quan trọng. Dưới đây là tham luận khá thú vị của Asheesh Khaneja, Giám đốc bộ phận chiến lược của hãng Oracle, tại Hội thảo quốc gia lần thứ II về ứng dụng ICT cho doanh nghiệp vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.
Trên thế giới đã có nhiều ví dụ tiêu biểu về việc công nghệ thông tin (CNTT) đã có vai trò như thế nào trong việc tăng cường tính hiệu quả và ảnh hưởng của chính phủ, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ nhà nước, tạo điều kiện cho công dân tương tác với chính phủ một cách hiệu quả và thuận tiện hơn thông qua Internet, điện thoại, thiết bị không dây…
Tuy nhiên, thúc đẩy CNTT không phải là con đường tắt cho phát triển kinh tế, tiết kiệm ngân sách hay tạo dựng một chính phủ hiệu quả và minh bạch. Trên thực tế, thúc đẩy CNTT trong khu vực quốc doanh là một thách thức cả về tài chính cũng như chính trị. Nếu không được nhận thức và thực hiện một cách rõ ràng, các dự án CNTT của chính phủ có thể là một sự lãng phí nguồn lực. Nhà nước sẽ không thể giữ được cam kết cung cấp những dịch vụ công hữu ích và gây mất lòng tin đối với nhân dân. Trong khi đó, các nước đang phát triển thường gặp phải những khó khăn như cơ sở hạ tầng yếu kém, tham nhũng, hệ thống giáo dục - đào tạo thiếu thốn và khả năng tiếp cận công nghệ của người dân không đồng đều.
Bằng kinh nghiệm phối hợp với trên 2.000 cơ quan chính phủ thuộc mọi cấp trong quá trình hiện đại hóa hoạt động nội bộ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc tuân thủ những quy định khác nhau để đáp ứng được từng nhu cầu cụ thể, Oracle đề xuất 10 nguyên tắc mà lãnh đạo các chính phủ nên lưu ý trước khi bắt tay vào các dự án CNTT ở cả cấp chính phủ cũng như doanh nghiệp quốc doanh.
1. Thúc đẩy CNTT cần đi kèm với cải cách chính phủ:
Mỗi dự án CNTT phải là một phần trong một chương trình cải cách nhà nước, bao gồm cả về phương thức hoạt động, quản lý thông tin, quản lý các chức năng nội bộ và phục vụ công dân cũng như các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước. Chỉ khi đó yếu tố công nghệ mới thực sự có tác dụng. Chỉ đơn giản bổ sung phần cứng và phần mềm máy tính sẽ không cải thiện được hiệu quả của chính phủ. Thúc đẩy CNTT là quá trình cải tổ, chuyển đổi và công nghệ chỉ là một công cụ để giúp điều đó diễn ra thuận lợi. Các nhà lãnh đạo phải tìm cách khai thác công nghệ để đạt được những mục tiêu định sẵn trong việc cải cách và phải có sự thống nhất rõ ràng ở cấp cao nhất đối với các mục tiêu của chính phủ và của các doanh nghiệp nhà nước trong một dự án CNTT.
2. Có ưu tiên rõ ràng cho việc thúc đẩy CNTT:
Chính sách và ưu tiên rõ ràng cho một dự án CNTT sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn. Có rất nhiều dạng mục tiêu mà chính phủ các nước theo đuổi, trong đó có:
- Cải thiện các dịch vụ cho nhân dân.
- Cải thiện năng suất và hiệu quả của các cơ quan nhà nước.
- Tăng cường hệ thống pháp lý và việc thực thi pháp luật.
- Thúc đẩy các khu vực kinh tế ưu tiên.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống cho những cộng đồng dân cư còn bị thiệt thòi.
- Tăng cường quản lý cũng như mở rộng sự tham gia của nhân dân.
3. Lựa chọn dự án CNTT tương ứng với mức độ sẵn sàng của chính phủ:
Mọi xã hội có những nhu cầu, ưu tiên khác nhau và không có một mô hình chung cho việc xúc tiến CNTT. Đối với các chính phủ, mức độ sẵn sàng bắt đầu bằng quyết tâm chính trị của họ. Điều này có nghĩa là liệu họ đã có đủ sự sẵn sàng để thúc đẩy những thay đổi nhanh chóng, tìm kiếm sự hỗ trợ, nắm quyền sở hữu và đảm bảo thời gian cần thiết cũng như các nguồn lực. Một số yếu tố “sẵn sàng” quan trọng khác cần được xem xét là cơ sở hạ tầng viễn thông, khả năng kết nối, việc sử dụng CNTT cũng như kinh nghiệm, nhân lực, ngân sách của chính phủ trong lĩnh vực này và sự sẵn sàng của các quan chức cho việc thay đổi.
4. Phải có đủ quyết tâm về mặt chính trị để theo đuổi nỗ lực lâu dài:
Giống như bất kỳ cuộc cải cách chính phủ nào, thiện ý chính trị là yếu tố cần có khi thực hiện bất cứ dự án nhà nước nào. Nếu không có sự lãnh đạo chính trị năng động, tích cực, cộng với nguồn tài chính và sự phối hợp liên ngành, các dự án CNTT sẽ không duy trì được lâu. Các dự án CNTT rất phức tạp và thường gặp phải nhiều vấn đề, sự trì hoãn, khiếm khuyết kỹ thuật và thậm chí công nghệ có thể thay đổi trong khi dự án chưa hoàn tất. Bên trong chính phủ, sự quan liêu nhiều khi chối bỏ sự thay đổi về những thủ tục mà có thể ảnh hưởng đến chương trình cải cách. Sự quyết tâm về chính trị chỉ thực sự hiện rõ khi các nhà lãnh đạo thực hiện tốt vai trò của mình, vượt qua được những cản trở và hạn chế đó, đưa dự án đến với các doanh nghiệp quốc doanh bằng một phương thức hấp dẫn về mặt chính trị. Quyết tâm ấy là yếu tố then chốt cho sự thành công.
5. Lựa chọn các dự án CNTT theo cách tốt nhất:
Lựa chọn các dự án phù hợp, đặc biệt là những dự án đầu tiên là rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là phải xác định một số vấn đề nổi cộm và xử lý chúng nhanh chóng bằng một số giải pháp thí điểm, tham khảo ý tưởng và kinh nghiệm của các vùng khác và những dự án có thể triển khai. Sự thành công của một số dự án thí điểm sẽ cung cấp kinh nghiệm và phản ánh rõ ràng hơn tiềm năng cũng như những thách thức của chính phủ điện tử và tạo ra một động lực chính trị, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tất cả các dự án CNTT của chính phủ trong tương lai.
6. Biết cách lập kế hoạch và quản lý các dự án CNTT:
Sự quản lý hiệu quả cũng là yếu tố then chốt đối với sự thành công của các dự án CNTT, cụ thể là phải có khả năng triển khai dự án kịp thời, đúng tiến độ và đảm bảo trong phạm vi ngân sách, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ và giám sát được các đối tác trong khối tư nhân. Bộ phận quản lý dự án phải có sự tự chủ và quyền lực đầy đủ để ra quyết định. Thiết lập cơ chế quản lý ở cả cấp nhà nước và cấp dự án, ví dụ mở một Bộ độc lập chuyên về CNTT, một ủy ban chuyên trách về CNTT của chính phủ, hoặc một đơn vị CNTT độc lập chuyên thúc đẩy khu vực tư nhân. Đây cũng là những biện pháp từng được sử dụng và kiểm nghiệm ở nhiều nước khác nhau.
7. Khắc phục những cản trở ngay trong nội bộ chính phủ:
Cản trở đối với các dự án CNTT có thể bắt nguồn từ các quan chức chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Xác định nguyên nhân của sự cản trở này có thể giải quyết được vấn đề. Có thể có rất nhiều lý do, trong đó có tâm lý lo sợ công nghệ sẽ hạ thấp vai trò của họ, khiến họ mất việc hoặc lo sợ những quy trình tự động mới sẽ giảm bớt đi những cơ hội kiếm thêm “lậu” ngoài lương. Lãnh đạo chính phủ phải xác định nguồn cản trở tiềm tàng nhất và lên một kế hoạch để khắc phục chúng. Giải thích và thuyết minh rõ ràng mục đích của dự án, tác động và những ích lợi của nó, đồng thời đầu tư đào tạo sâu rộng là những phương thức logic để khắc phục một số tâm lý nói trên. Khen thưởng, biểu dương là những cách cụ thể để đảm bảo các cá nhân quan chức bị ảnh hưởng nhiều nhất nhận thức tích cực về sự thay đổi mà dự án đem lại.
8. Giám sát hiệu quả các dự án CNTT:
Các dự án CNTT thường liên quan đến những khoản tiền, nguồn lực lớn và sự quyết tâm về chính trị. Trách nhiệm giải trình cũng như việc chi tiêu của dự án do đó trở nên rất quan trọng. Đó không chỉ đơn giản là thiết lập một website. Tiêu chí quan trọng cho việc giám sát hoạt động của một dự án bao gồm khối lượng giao dịch qua con đường điện tử, thời gian phản hồi các yêu cầu thắc mắc, tỷ lệ dịch vụ công được cung cấp qua con đường điện tử, tỷ lệ cử tri truy cập vào các dịch vụ công điện tử.
9. Phối hợp tốt với khu vực tư nhân:
Các dự án CNTT không phải là việc mà chính phủ có thể làm một mình. Khu vực tư nhân đóng một vai trò then chốt ngay từ khi lên kế hoạch, lập lộ trình cho tới khi thực hiện, giám sát và đánh giá. Coi trọng vai trò đối tác của khu vực này là điều rất cần thiết để đảm bảo sự thành công. Chính phủ cần nhớ rằng các đối tác thuộc khối tư nhân phải thu về lợi nhuận từ các khoản đầu tư của họ và do đó chính phủ cần sẵn sàng thương lượng những hợp đồng thích hợp, cho phép khối tư nhân tự do tiến hành dự án CNTT. Trong một quan hệ đối tác như vậy, các hợp đồng thực hiện dự án CNTT phải đảm bảo rằng quyền sở hữu dữ liệu nằm về phía chính phủ chứ không bao giờ ở phía tư nhân.
10. Huy động sự tham gia của nhân dân vào các vấn đề công cộng
Các dự án CNTT của chính phủ đòi hỏi phải thoát ra khỏi quan niệm lấy nhà nước làm trung tâm. Các dự án CNTT là để phục vụ nhân dân và sự tham gia không phải là gánh nặng gì đối với họ. Công nghệ là một chất bôi trơn cực mạnh, cho phép các kênh liên lạc nhanh và rẻ tiền, khuyến khích, tổ chức và quản lý sự tham gia của nhân dân. Công chúng - bao gồm cả khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội, phi chính phủ và cá nhân - có thể tham gia vào các dự án CNTT theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể đóng góp ý kiến về dự án, bổ sung hoặc cung cấp thông tin, tham gia vào các cuộc đàm thoại điện tử (e-dialogue) với quan chức chính phủ và những công dân khác.
Kết luận, 10 nguyên tắc trên đây không chỉ giúp định hướng cho sự phát triển một hệ thống chính phủ có khả năng thực hiện các chức năng hiện tại của mình hiệu quả hơn mà còn cải thiện mối quan hệ giữa nhân dân, các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ, đưa CNTT thành một công cụ mạnh trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đất nước. |