Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Linux đồng nghĩa với sự phung phí tiền
Nằm trong chiến dịch tấn công phần mềm mã mở trên toàn cầu, tuyên bố của Chris Sharp, Giám đốc chiến lược Microsoft tại châu Á-Thái Bình Dương, nhằm mục đích thuyết phục chính phủ các nước khu vực này rằng: chấp nhận Linux sẽ phương hại nền kinh tế và thực sự là một sự lãng phí tài chính.
Theo ông này, nếu các chính phủ châu Á triển khai chương trình mã mở sẽ gây tổn hại cho nhiều nhà cung cấp phần mềm trong nước vì những công ty này không thể kiếm đủ lời để đầu tư vào sản phẩm của mình.
Sharp, từng là lãnh đạo của Red Hat trước khi gia nhập Microsoft, cho rằng việc xây dựng phần mềm mã mở là “đốt tiền” và những công ty tham gia phát triển sản phẩm này đang vứt đi những tài sản trí tuệ có thể đem về lợi ích hiện tại và tương lai. “Nếu bạn buộc phải ‘nhả’ lại một cái gì đó cho cộng đồng, thì tức là bạn không có cơ hội để kiếm lời từ chính kiến thức của mình”, quan chức của Microsoft nói.
Sharp còn nói thêm rằng hiện nay có rất nhiều cách hiểu không rõ ràng về mã nguồn mở. Người ta thường có xu hướng tin rằng đó là phần mềm miễn phí, nhưng ngay cả các công ty ủng hộ mã mở thực ra cũng lấy động lực kiếm lời làm đầu, giống như mọi nhà cung cấp phần mềm thương mại khác.
Củng cố thêm cho quan điểm mã mở có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành phần mềm các nước, Sharp chỉ ra rằng những người khổng lồ open source như Red Hat và IBM vẫn đang kinh doanh trên những món đầu tư vào mã mở của họ. “Các công ty này không đem lại mấy đóng góp lớn cho cộng đồng mã mở vì thực ra là họ đang theo đuổi mục tiêu lợi nhuận”, Sharp bình luận. Ông này cho rằng nếu không thu về những món lời, một công ty phần mềm sẽ rất khó tái đầu tư để phát triển sản phẩm mới. Nhấn mạnh đến vai trò của bản quyền trong việc kích thích sáng tạo, Sharp nói: “Với mã nguồn mở, không có động lực nào để tạo thêm phần mềm”.
Cách đây hai tháng, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Microsoft, Paul Moore, cũng tuyên bố rằng chưa có chính phủ châu Á nào đi theo Linux với một chính sách bao quát, mà đó chỉ là một vài cơ quan trực thuộc nhà nước triển khai phần mềm này.
Tháng 9 năm ngoái, Tom Robertson, Giám đốc Microsoft châu Á phụ trách khối khách hàng chính phủ, nói rằng việc 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc xây dựng một nền phần mềm mã mở riêng là một hành động phi cạnh tranh. Giới quan sát cho rằng những phát biểu như vậy có vẻ hơi nực cười khi mà chính Microosft là kẻ thường xuyên bị kiện cáo vì độc quyền.
Gần đây, công ty có trụ sở tại Redmond, Washington (Mỹ) liên tục tăng cường các chiến dịch hạ bệ Linux, trong đó có việc tung ra 2 phiên bản Windows XP hạ giá, sử dụng tiếng địa phương. Họ còn đang tính đến chuyện sẽ áp dụng chính sách 1 giá trên toàn cầu đối với các sản phẩm của mình. Giới quan chức của Microsoft cũng liên tục công du châu Á để thuyết phục chính phủ các nước về việc tại sao lại nên mua phần mềm mang thương hiệu Microsoft.