Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Linh kiện máy tính Hà Nội đồng loạt giảm giá
So với các tháng 8-10, sức tiêu thụ trên thị trường PC thủ đô giảm khoảng 20% tháng này. Các nhà cung cấp buộc phải hạ giá linh kiện để tránh tồn hàng. Nhóm G6 lại "xuất chiêu" với việc giảm giá mạnh và khuyến mãi lớn.
Thời điểm hiện tại, mức giá của G6 (bao gồm các công ty Mai Hoàng, Phúc Anh, Trần Anh, Máy tính Hà Nội, Ben và Vĩnh Trinh) thấp hơn so với thị trường chung khoảng 3%. Đi kèm với đó là việc khách hàng mua trọn bộ PC của G6 sẽ được tặng một thùng bia. Hiệu quả là lượng tiêu thụ sản phẩm của các thành viên G6 đã tăng vọt trong khi tình trạng "đóng băng" đang diễn tiến tại hầu hết các cửa hàng máy tính.
"Giai đoạn này, chúng tôi chấp nhận kinh doanh không có lãi. Với mục đích đẩy mạnh thương hiệu, cái mà chúng tôi muốn là trong tương lai không xa, khi có bất kỳ nhu cầu gì về máy tính, mọi người đều nghĩ ngay đến 6 nhà bán lẻ chúng tôi", ông Trần Xuân Kiên, Giám đốc Công ty Trần Anh, bày tỏ với VnExpress. "Tôi tin rằng thời gian để chúng tôi đạt được mục đích của mình là từ 3 đến 6 tháng. Vì thế, sau chương trình khuyến mãi này, G6 sẽ tiếp tục có những hoạt động khác nhằm thu hút khách hàng".
Vậy là kể từ khi tuyên bố ra mắt liên minh cùng với cú sốc "máy tính giá rẻ hơn PC Thánh Gióng", 6 công ty bán lẻ máy tính tại Hà Nội đã liên tục thực hiện những kế hoạch táo bạo của mình để tăng thị phần. Không giấu giếm mục đích cộng tác để cùng có lợi, không bàn đến những tranh cãi về hiệu quả của các chương trình máy tính giả rẻ, G6 vẫn tiếp tục toan tính và hành động. Trong khi đó, đối với nhiều nhà cung cấp lẻ, đây là thời điểm khó khăn khi mà giá các loại linh kiện đã được giảm xuống mức rất thấp.
CPU của Intel vẫn "độc diễn" trên thị trường Hà Nội. Giá của sản phẩm này giảm 2-5 USD tùy tốc độ. Bán chạy nhất hiện nay là Celeron 1,8 GHz giá 48 USD và Pentium IV 2,26 GHz giá 103 USD.
Bo mạch chủ xuống giá từ 3 đến 10 USD tùy loại. Đắt hàng nhất là mainboard có giá xấp xỉ 50 USD. Cụ thể: Asrock P41845PE giá 48 USD; Gigabyte 81845GVMRZAC giá 52 USD; MSI 7058-010 Intel 915 (Socket 775) giá 116 USD. Có mặt trên thị trường VN khoảng hai tháng trở lại đây là loại chipset 915 và linh kiện này cũng giảm từ 20 đến 30 USD/chipset.
HDD
HDD dung lượng 40 GB vẫn được tiêu thụ mạnh nhất. Cụ thể: Maxtor 40 GB (7200 rpm) ATA 133 giá 50 USD; Seagate Barracuda 40 GB (7200rpm) Ultra ATA giá 50 USD; Samsung 40 GB (7200 rpm) ATA 100 giá 52 USD.
giảm khoảng từ 2 đến 4 USD. Từ tháng 6, các hãng ổ cứng nước ngoài đã có chính sách tăng thời hạn bảo hành, ví dụ sản phẩm Maxtor là 3 năm và Seagate là 5 năm. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn thắc mắc tại sao các công ty máy tính VN vẫn giữ chế độ 1 năm như cũ. "Hãng sản xuất đưa ra chính sách bảo hành mới nhưng kèm theo những mức giá cao tương ứng. Các công ty của VN khi nhập hàng đã lựa chọn theo mức giá của chế độ bảo hành 1 năm nên không có gì thay đổi trong vấn đề này", Giám đốc một công ty bán lẻ máy tính giải thích. Trong khi đó, với chế độ bảo hành được tăng lên 2 năm từ vài tháng trở lại đây, ổ cứng Samsung đã bắt đầu có thị phần.Bộ nhớ trong giảm khoảng 10% so với các tháng trước. Được chuộng nhất vẫn là RAM dung lượng 128 MB. DD RAM 128 MB V-Data BUS 333 xấp xỉ 19 USD; 1 thanh DDRAM của Kingston cùng dung lượng như vậy có giá cao hơn một chút, khoảng 23 USD.
Ổ lưu trữ di động USB ngày càng được tích hợp thêm nhiều chức năng (như đọc thẻ nhớ hay digital camera) và kiểu dáng đa dạng. USB dung lượng 128 MB giảm 2-4 USD, loại 256 MB giảm khoảng 8-10 USD và loại 512 MB giảm 15-20 USD. Các loại USB đa chức năng xuống giá từ 20 đến 40 USD. Nhãn hiệu thông dụng nhất là Kingston, Transcend có cùng dung lượng 128 MB giá 20 USD, nếu có thêm MP3, ghi âm, màn hiển thị tinh thể lỏng (LCD) thì giá khoảng 83 USD.
Trong khi các loại màn hình thường vẫn giữ giá ổn định thì monitor tinh thể lỏng lại giảm giá mạnh (từ 20 đến 40 USD). Sức tiêu thụ của LCD monitor tăng mạnh trong thời gian qua. Giám đốc một công ty máy tính tại Hà Nội cho biết có khoảng 800 chiếc được bán ra trong 1 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của ViewSonic, màn hình siêu phẳng 17" (được ưa chuộng nhất ở Mỹ), cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng với giá của linh kiện này khoảng 127 USD. ViewSonic 15" tinh thể lỏng giá 325 USD.
Theo đánh giá của nhiều công ty tin học, từ quý III, nhu cầu lắp đặt dịch vụ Internet và cửa hàng game tại Hà Nội và các tỉnh tăng mạnh. Một số cửa hàng tiết lộ, cứ vài ngày lại nhận hợp đồng 15-20 bộ PC. Thông thường, những đơn hàng kiểu như vậy chỉ có nhiều vào thời điểm chuẩn bị nghỉ hè hoặc bắt đầu năm học mới. Giai đoạn cuối năm mà vẫn bán được như vậy là khá hiếm. So với thời điểm học sinh, sinh viên nhập học (vào các tháng 8, 9 và 10), giá một bộ máy tính lắp ráp giảm khoảng 6-8 USD. Người tiêu dùng cũng đã có ấn tượng tốt với máy tính thương hiệu Việt như Elead, CMS, Mekong Xanh, Robo, Sing PC... và gần đây là Thánh Gióng và G6.
Trong khi đó, tại TP HCM, chủ các cửa hàng máy tính cho biết hiện giá máy tính và linh kiện không có biến động đáng kể. Giai đoạn này hằng năm, lượng hàng bán lẻ tiêu thụ rất chậm. Năm nay, thị trường PC còn bị ảnh hưởng bởi vàng và các mặt hàng khác lên giá. Ngoài ra, do hạn hán nhiều tỉnh, nguồn thu của các gia đình hạn chế nên số gia đình, sinh viên, học sinh mua máy cũng giảm nhiều. Các nhà phân phối và cung cấp máy nhận định, từ tháng 12 trở đi, giá linh kiện máy vi tính có thể tăng nhẹ cùng với xu hướng của các mặt hàng khác vì đó là thời điểm các công ty, dự án được rải ngân để đầu tư cơ sở vật chất.