Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Lập nghiệp từ "chơi mà học"
Làm thế nào để "tiêu hóa" các môn "khó nhằn" như Lịch sử chính trị, Triết học..., đâu là những địa chỉ vàng cho cái túi tiền lúc nào cũng "hẻo" của sinh viên, cách nào để nhìn biển số xe là biết người mà mình đang bám đuôi là dân ở đâu...
Năm 2001, khi còn là sinh viên ngành CNTT trường Cao Đẳng bán công Hoa Sen, cậu sinh viên Trần Quý Thịnh hay thắc mắc với các câu hỏi "thập cẩm" đó. Tình cờ được tham gia một lớp học về lập trình, Thịnh rủ thêm vài người bạn trong lớp cùng thử làm một phần mềm tìm hiểu các kiến thức phổ thông về kinh tế, xã hội dưới góc độ cung cấp và giải đáp các thắc mắc của sinh viên.
Làm phần mềm: Học mà chơi
Khi bắt tay vào cùng thực hiện, do chưa bao giờ làm phần mềm, nên nhóm bạn: Thịnh, Xuân Phùng, Quang Trung, Tuấn Quy gặp rất nhiều khó khăn. Vừa tìm hiểu kiến thức, vừa mày mò làm, thế nhưng phải mất đến nửa năm nhóm bạn mới cho ra đời phần mềm Student Soft (kinh nghiệm học các môn ở ĐH, kinh nghiệm học Anh Văn, quán xá cho sinh viên...). Khi phần mềm đầu tiên chạy được trên máy tính và nội dung khá ổn, Student Soft được tặng lại cho những người bạn thân của nhóm để xem. Tuấn Quy cho biết: "lúc đó chúng tôi rất vui, bạn bè xem và cũng tỏ ra thích thú với phần mềm". Tuy nhiên không dừng ở đó, các ý kiến đóng góp của bạn bè cũng được các thành viên ghi nhận và bổ sung, Student Soft phiên bản 2.0, rồi Student Soft phiên bản 3.0 ra đời. Trần Quý Thịnh cho biết: khi làm phần mềm, chúng tôi học hỏi và trưởng thành lên rất nhiều về kiến thức và kỹ thuật làm phần mềm.
Sau phần mềm đầu tiên, Thịnh nghĩ đến một sân chơi về phần mềm giành cho bản thân và bạn bè. Thịnh cho biết: thời điểm đó, hầu như rất ít sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) có điều kiện tham gia để làm một phần mềm thật sự. Những người bạn cùng trường biết nhóm làm phần mềm đã tỏ ra rất quan tâm và muốn tham gia vào. Được sự giúp sức của gia đình, Thịnh lập ra nhóm phát triển phần mềm Học sinh sinh viên (Student Software Development Group - SSDG) vào tháng 9/2002. "Cơ sở vật chất" của nhóm SSDG là 3 chiếc máy tính, Thịnh cũng giành một căn phòng lớn trong nhà để làm nơi sinh hoạt của nhóm. Mục tiêu mà nhóm đặt ra là để cùng giúp nhau học tập, tạo một sân chơi cho những học sinh, sinh viên yêu thích làm phần mềm và CNTT.
Từ ngày ra đời nhóm SSDG, căn nhà của Thịnh ở CMT8 lúc nào cũng đông người, từ 4 thành viên ban đầu, số thành viên tăng dần lên, có lúc cao điểm, nhóm lên đến 25 bạn. Đa phần là sinh viên học về CNTT của trường Cao Đẳng Bán Công Hoa Sen, ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Kinh tế...Vừa học vừa chơi, những người đi trước hoặc am hiểu về một lĩnh vực CNTT sẽ giúp đỡ và chỉ vẽ cho những người còn lại. Thời gian không ràng buộc, từ sáng đến chiều, lúc nào rảnh đều có thể ghé "CLB". Tuy nhiên khi cùng làm một phần mềm, nhóm trưởng Quý Thịnh đều có sự phân công cụ thể cho từng cá nhân. Sau Student Soft , danh sách các phần mềm do nhóm làm ra đã dài lên đến vài chục cái.
Không chỉ làm quen với các kỹ thuật lập trình phần mềm, các thành viên nhóm SSDG cũng còn được "phân công" đi tìm các quán xá "ngon, rẻ, bổ" phù hợp với giới sinh viên, đi dã ngoại, lên rừng biển xuống biển để thu thập các hình ảnh để làm dữ liệu cho phần mềm, thậm chí có thành viên chở nhau bằng xe máy đi xuyên Việt để thám hiểm và ghi nhận các hình ảnh. Với sản phẩm phần mềm "Bước chân sinh viên" nhóm đã tự thiết kế và giới thiệu hơn 4000 bức ảnh của 12 tỉnh thành trong nước do chính các thành viên trong nhóm tự chụp.
Hơn 30 phần mềm có mặt trên thị trường
Khi đã có các sản phẩm phần mềm khá dày và được nhiều bạn trẻ quan tâm, SSDG đã nghĩ đến phương án kinh doanh để có chi phí nâng cấp và mua mới máy tính, trang trải các khoản điện, nước.... Quý Thịnh cho biết: mặc dù mục đích chính của nhóm vẫn là tạo sân chơi để cùng học tập, song các chi phí phát sinh cũng khá nhiều nên nhóm cũng cần đến một số quỹ.
Nhóm trưởng Quý Thịnh tiếp cận với thị trường bằng cách mang các đĩa phần mềm đến ký gởi ở các cửa hàng bán CD. Gía bán một đĩa CD của SSDG chỉ từ 16.000 -24.000 đồng. Thế nhưng làm phần mềm đã khó, bán cho được cũng không dễ tí nào. Để các cửa hàng không sao chép, tiền hoa hồng cho một CD bán ra đã lên đến 50% giá thành sản phẩm. CD. Vừa tặng vừa bán, khoảng 1000 đĩa CD đầu tiên của Student Soft cũng đã bán hết. "Lần đó nhóm lời được gần 2 triệu, chi phí này trang trải cho việc tổ chức sinh nhật các thành viên, nâng cấp máy tính.." Quý Thịnh kể lại.
Thời gian ngắn sau CD Rom Student Soft 2.0 tiếp tục “ra lò” với hơn 150 khối kiến thức (văn hóa, văn học, lịch sử, nghệ thuật, góc học tập…), lần này sản phẩm bán chạy như tôm tươi. SSDG đến nay đã có hơn 30 sản phẩm chỉ phục vụ SVHS Cẩm nang Đoàn Đội, Bước chân SV, Đố vui để học, IT trong tầm tay...
Sau đó nhóm SSDG bắt đầu tìm kiếm những thông tin liên quan đến thị trường. Khi biết hội chợ triển lãm CNTT Expo 2001 sắp được tổ chức, nhóm đã gửi thư đến ban tổ chức xin được cấp một chỗ để giới thiệu sản phẩm với phí giành cho sinh viên. Thư yêu cầu đã được chấp nhận, SSDG đã có mặt tại Expo bên cạnh các công ty lớn để giới thiệu sản phẩm của mình. Ngọc Hạnh, một thành viên trong nhóm kể: lần đầu tiên tham dự hội chợ, có đông người đến xem mình cảm thấy rất ngại và không tự tin, thế nhưng những lần sau đó thì mạnh dạn và hoạt bát hơn. Đến nay, SSDG không chỉ có mặt hàng năm tại hội chợ triển lãm CNTT Expo hàng năm mà còn có mặt khá thường xuyên các hội chợ Soflmark, Techmark...Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, nhóm đã tham gia hơn 20 hội chợ triển lãm tại nhiều tỉnh thành. Cơ ngơi" của nhóm kha khá với 12 máy tính, máy scanner, laptop, đầu ghi CD...căn phòng của gia đình cho mượn cũng được sơn sửa và trang trí lại như một văn phòng nhỏ.
Cẩm nang Đoàn Đội: giải thưởng Vifotec Việt Nam
Sau hai phần mềm Student Soft 1.0 và Student Soft 2.0, khi nhóm khá "cứng cáp" hơn một chút và hình dung được thế nào là viết một sản phẩm phần mềm. CD Room "Cẩm nang Đoàn Đội" được nhóm tiếp tục thực hiện, hơn 200 hình ảnh dạy các kỹ năng về Đoàn Đội, Morse, mật thư, nút dây, lều trại, cột cờ, dấu hiệu câm, seamaphore, sơ cấp cứu...được xử lý và trình bày khá đẹp mắt. Các trò chơi tập thể, ca khúc về mái trường, về Đoàn Đội, truyền thống...cũng được sưu tầm và đưa vào phần mềm. CD Room này đã được Trung ương Đoàn trao tặng giải 3 giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc năm 2003.
Song phần mềm gắn với rất nhiều kỷ niệm khó quên của nhóm và được hầu hết các thành viên nhớ nhất đó là phần mềm "Dấu ấn mùa hè xanh". Để làm ra phần mềm, SSDG cử 5 thành viên của nhóm đi thực tế mùa hè xanh ở Long Khánh. Cùng say sưa làm việc, tham gia văn nghệ một cách hăng hái, thế nhưng do ngủ không để mùng kỹ, 2 thành viên trong nhóm đã bị sốt xuất huyết và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhóm trưởng Quý Thịnh phải hơn 2 tháng sau mới hồi phục. Thế nhưng "dấu ấn mùa hè xanh" vẫn ra đời với khá nhiều thông tin và hình ảnh đẹp, các bài hát cũng rất hào hùng.
Tích cực làm phần mềm, những nỗ lực của nhóm cũng được ghi nhận. SSDG được tặng 3 suất học bổng của các Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế CSC-TATA Infotech (mỗi suất trị giá 1650 USD), học bổng của Trung tâm tin học Ứng dụng Kent-Cbam...Tuỳ vào khả năng và sự yêu thích học hỏi, các thành viên sẽ được lựa chọn và cử đi học. Đa phần các suất học bổng đều được trao cho các thành viên mới của nhóm để các bạn có điều kiện học hỏi.
Trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen cũng gửi SSDG các sinh viên năm nhất và năm hai đến nhóm để học tập. Trao đổi với VietNamNet, thầy Trần Phước Huy, giảng viên khoa CNTT cho biết: nhóm SSDG có sản phẩm bán được, khả năng quản lý và hướng dẫn sinh viên của nhóm trưởng Quý Thịnh cũng rất tốt, những sinh viên được gửi đến thực tập có sự tiến bộ và được đánh giá khá tốt sau thời gian thực tập và báo cáo kết quả đề tài.
Các thành viên nòng cốt của SSDG sau khi ra trường cũng có nhiều cơ hội làm việc ở các công ty lớn. Hiện Quý Thịnh và Tuấn Huy đang là giảng viên của Trung tâm tin học thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á. Trả lời câu hỏi về việc liệu Quý có ý định phát triển SSDG thành một sân chơi lớn hơn cho các bạn trẻ yêu thích CNTT, Quý cho biết: bạn chỉ đủ sức duy trì một sân chơi nhỏ với số lượng tối đa là 25 người, không thể đông hơn nữa vì mặt bằng căn phòng không đủ sức chứa và thiếu các phương tiện về máy móc, việc quản lý nhóm cũng là một vấn đề rất khó khăn. Nếu được sự giúp sức của xã hội, có lẽ tôi sẽ làm được, Quý nói.