Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Kinh nghiệm chống tội phạm mạng của APEC
Sớm hoạch định khung pháp lý, liên tục nâng cấp công nghệ, nâng cao nhận thức của công chúng và tăng cường hợp tác là những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao được đại diện các nước APEC trình bày trong hội thảo chiều 25/8 tại Hà Nội.
Tại Singapore, Đơn vị chống tội phạm công nghệ (TCD) được hình thành từ tháng 1/1997. Cơ quan này có trách nhiệm phản ứng trước những vi phạm đối với Luật về lạm dụng máy tính, hỗ trợ điều tra các vụ án liên quan tới công nghệ thông tin và huấn luyện nghiệp vụ máy tính. Luật về lạm dụng máy tính cũng được ra đời từ rất sớm, năm 1993, qua 2 lần điều chỉnh với 15 chương quy định cụ thể hình phạt cho các tội danh liên quan tới việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin bất hợp pháp như lừa đảo đấu giá qua mạng, gửi tin hoang báo, đe dọa, làm nhục người khác bằng e-mail hay giả mạo thẻ tín dụng...
Phân tích tình hình tội phạm mạng, đại diện Trung Quốc Chen Fei Yan cho biết, hầu hết các vụ phạm tội được thực hiện từ các quán cafe Internet (61% năm 2003). Rất nhiều hoạt động mạng bất hợp pháp nhằm vào máy tính cá nhân diễn ra mà không bị phát hiện. Tội phạm sử dụng thiết bị thông tin di động như PDA, laptop không ngừng gia tăng. Các vụ tấn công từ chối dịch vụ gây ra những tổn thất tài chính to lớn. Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đã đề ra một số chính sách đối phó, bao gồm ngăn chặn nguy cơ từ lúc còn tiềm tàng thông qua chương trình giáo dục nhận thức cho người dùng về tội phạm mạng trên quy mô cả nước, đánh giá các sản phẩm về bảo mật thông tin và công bố kết quả rộng rãi, xây dựng cơ cấu phản ứng hiệu quả cho phép người dùng cũng như các công ty công nghệ cao, các nhà cung cấp dịch vụ có thể gửi phản hồi và hợp tác với cơ quan chống tội phạm mạng bất cứ lúc nào.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng công nghệ cao vào đối phó với tội phạm điện tử, với việc tổ chức các khóa huấn luyện thường xuyên, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nghiên cứu về tội phạm mạng bằng cách tăng cường thu mua những sản phẩm thuộc lĩnh vực này, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các học viện, doanh nghiệp công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ... Ông Chen đề nghị, APEC cần thiết lập một cơ cấu hợp tác để điều tra tội phạm kinh doanh hình ảnh khiêu dâm trẻ em, xây dựng cơ sở dữ liệu tình báo về tin tặc để chia sẻ những thông tin như khuynh hướng tội phạm, công nghệ pháp lý kỹ thuật số và bằng chứng điện tử.
Đại biểu Mỹ Joel Schwaz phân tích kỹ về khái niệm bằng chứng điện tử, ứng dụng và những khó khăn khi triển khai. Trong thời đại công nghệ thông tin, hầu như mọi hoạt động trên Internet của các cá nhân đều được ghi lại trong không gian điều khiển. Vấn đề đặt ra là các chứng cứ này có thể ngụy tạo hoặc thay đổi được, đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi mới có thể lần ra manh mối. Hơn nữa, việc sử dụng bằng chứng điện tử cũng đòi hỏi phải có nhân chứng để xác nhận trong từng trường hợp. Ví dụ, những bằng chứng do con người tạo ra phải có người chứng nhận: "Đây là một tên người trong PDA của tôi", hay bằng chứng do máy tính tạo ra cũng cần được xác thực: "Là quản trị hệ thống, tôi nhận ra đây là một bản ghi khi người dùng đăng nhập"... Để giải quyết những vấn đề này, Mỹ đã phát triển một hệ thống có tên gọi Phần mềm pháp lý (Forensic Software), cho phép giúp xác thực tính đáng tin cậy của chứng cứ điện tử. Ông Joel đánh giá, cuộc cách mạng về bằng chứng điện tử của Mỹ có thể là kinh nghiệm tốt để các quốc gia khác học tập. Ông khẳng định: "Luật pháp phải vận động tương ứng với nhịp độ phát triển của xã hội". Vì thế, việc bằng chứng điện tử được tòa án chấp nhận là bước phát triển tất yếu.
Các đại biểu khác đến từ Nhật Bản, Peru, Philippines... cũng đóng góp những kinh nghiệm trong công cuộc chống tội phạm mạng với đặc thù của mỗi nước.