Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
"Không cơ quan nào quản lý hết thông tin trên web được!"
Đây là quan điểm của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn về việc quản lý các thông tin trên mạng. Hôm nay (1/3), Bộ Văn hoá Thông tin (VH-TT) bắt đầu thực hiện việc xử lý đối với các báo điện tử và website tin tức hoạt động trái với quy định của Bộ.
Dù chưa thể xác định cụ thể những website nào bị xem là hoạt động trái quy định, VietnamNet cũng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ngay trong tối qua, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quan điểm của Bộ VH-TT về vấn đề này.
- Xin ông cho biết số lượng các Website Bộ VHTT đang quản lý hiện nay?
- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Trên cả nước hiện có khoảng 70 báo điện tử và nhà cung cấp thông tin trên Internet ICP và 2.500 Website đã được cấp phép.
- Sau khi được cấp phép hoạt động của Bộ VHTT, các báo điện tử hoạt động theo quy chế nào, thưa ông?
- Hoạt động của các báo điện tử này phải tuân thủ theo quy định của luật báo chí về trách nhiệm, nghĩa vụ việc cung cấp thông tin. Cụ thể, các trang tin điện tử phải tuân thủ các điều Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT ngày 10/10/2002 ban hành Quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet.
- Ông có nhận xét gì về việc một số Website trong nước nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài?
- Tên miền không thuộc quản lý của Bộ VHTT, mà do Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý. Vì sao người ta đặt máy chủ ở nước ngoài? Lý do là các máy này có đường truyền chất lượng tốt tốc độ cao. Nếu Việt Nam nâng cao chất lượng của đường truyền sẽ kéo người ta về đặt máy chủ ở trong nước. Ngay từ năm 1997, ICP của Trung tâm Tin học thuộc Tổng cục du lịch đã đặt máy chủ ở nước ngoài.
- Vậy Bộ VHTT quản lý những Website này như thế nào?
- Chúng tôi mong Bộ BCVT sẽ có quy chế về vấn đề quản lý các Website này.
- Trước đây, khi Internet xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1997, chúng ta từng xác định nguyên tắc "mở rộng đến đâu, quản lý tới đó', đến năm 2001, nguyên tắc này đã đổi thành 'phát triển đi đôi với quản lý'. Nhận xét của ông về việc quản lý Internet hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng hiện nay, các quy định pháp lý cho việc quản lý, cung cấp thông tin trên Internet đang rất thiếu. Ví dụ, việc phân định rạch ròi các khái niệm báo điện tử, các nhà cung cấp ICP và các trang tin điện tử như thế nào chưa có quy định rõ ràng. Thứ hai là thiếu các chế tài xử lý. Trong khi chúng tôi đang tập xử lý các vi phạm tại đại lý Internet công cộng, thì trên thực tế đã phát sinh ra hàng loạt tệ nạn mới như chat sex, tung hình khiêu dâm trên mạng, xem sex trên di động...
Rõ ràng, văn bản quản lý chưa theo kịp được tốc độ phát triển dịch vụ này. Đây là vấn đề đáng quan tâm, khiến chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tạo nên được sự phân cấp trong quản lý trong thời gian tới. Hiện tại, Bộ VHTT mới chỉ quản lý được ở một mức độ nhất định: ví như báo chí, bản tin, Bộ mới chỉ quản lý được từng khía cạnh cụ thể.
- Vậy còn việc quản lý nội dung của các trang Web, thưa ông?
|
- Theo tôi, không thể có cơ quan nào có thể quản lý được hết thông tin trên mạng. Thậm chí, ngay cả báo viết, chúng tôi cũng chưa thể quản lý triệt để, huống hồ đây lại là một xã hội ảo. Chúng ta nên phối hợp quản lý bằng ba cách sau: Quản lý bằng pháp luật; bằng kỹ thuật và bằng giáo dục. Biện pháp quan trọng nhất là huy động cả xã hội giáo dục để thanh thiếu niên truy cập thông tin tốt, loại bớt thông tin xấu. Đồng thời, nhà cung cấp tích cực đưa nhiều thông tin tốt trên Internet, tạo sân chơi cho thanh niên, như vậy sẽ đẩy lùi được những nội dung xấu.
- Về tình hình phát triển Internet hiện nay, ông có đánh giá gì?
- Không ai có thể phủ nhận vai trò của Internet trong đời sống xã hội, với vai trò cung cấp lượng thông tin khổng lồ, nhanh nhất, hiệu quả nhất, và có tác động lớn nhất. Nhờ Internet, cả thế giới nắm bắt được thông tin của nhau. Tất cả lợi thế của các phương tiện truyền thông khác đều tập trung trên mạng Internet.
Tuy vậy, bên cạnh lợi thế, Internet cũng có mặt trái của nó. Nhiều kẻ lợi dụng lợi thế này để truyền bá thông tin xấu, hình ảnh đồi truỵ, thông tin chống phá quốc gia... Internet có tính hai mặt, như con dao hai lưỡi. Nếu không quản lý tốt thông tin trên mạng, sẽ gây tác động xấu. Ngược lại, nếu sử dụng tốt thông tin sẽ giúp ích cho việc thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển...
- Dự đoán của ông về sự phát triển của báo điện tử tại Việt Nam?
- Nếu gọi là báo điện tử, theo đúng nghĩa, Việt Nam mới chỉ có các tờ VietNamNet, VNExpress, VDC Media.., vì các báo điện tử khác đều chuyển thể từ báo in sang. Tôi cho rằng Báo điện tử VietNamNet có đặc điểm thông tin nhanh, nhạy, đóng góp nhiều trong việc cung cấp thông tin, có vị trí trong lòng bạn đọc.
Trong tương lai, các báo điện tử sẽ có phương thức thông tin riêng biệt, không giống phương thức như đài phát thanh, hay truyền hình. Chúng ta hiện đang làm báo điện tử một cách cảm tính, làm sao thời gian tới sẽ phải mang tính chuyên nghiệp cao. Và với báo điện tử, quan trọng nhất là yếu tố tương tác trực tuyến, là một trong những lợi thế mà không phương tiện truyền thông nào có được. Việc khai thác, sử dụng lợi thế này như thế nào cần được tập trung khai thác làm tốt, để có tác dụng và ảnh hưởng tích cực đến dư luận xã hội.
- Xin cảm ơn ông!