Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Khó xin phép hoạt động mới trong ngành CNTT
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) TP HCM đang phát triển mạnh với hơn 4.000 doanh nghiệp phần mềm. Nhiều công ty muốn mở mang hoạt động nhưng theo đại diện những đơn vị này, việc xin giấy phép kinh doanh rất khó.
Theo bà Lương Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty V.E.C, để xin giấy phép kinh doanh một số hoạt động mới thuộc lĩnh vực CNTT, bà đã phải mất nhiều tháng với hàng chục lần vào ra Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố. Bà Kim Anh cho biết: "Tôi xin chức năng kinh doanh là truyền tệp dữ liệu, cung cấp thông tin lên mạng và dịch vụ cung cấp lưu trữ dữ liệu. Nhưng cơ quan chức năng trả lời không hiểu ngành tôi hoạt động là gì nên đến nay vẫn không đồng ý cấp phép". Bà Kim Anh cho biết thêm, đây đều là những hoạt động kinh doanh nằm trong danh mục ngành nghề được cho phép. Tuy nhiên, V.E.C đã giải trình rất nhiều lần những công việc cụ thể, theo đề nghị của các nhân viên Sở Kế hoạch Đầu tư nhưng cuối cùng họ vẫn không "thông hiểu".
Bà Dương Tú Dung, Giám đốc Công ty giải pháp thương mại điện tử, cũng cho rằng, việc xin giấy phép hoạt động cho một website là cực kỳ nhiêu khê và phức tạp. "Thực tế, các cơ quan cấp phép và quản lý không thông cảm và hay làm khó cho doanh nghiệp", bà Dung nói.
Theo nhiều doanh nghiệp phần mềm, dường như cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Phòng đăng ký giấy phép kinh doanh, thiếu sự am hiểu về những hoạt động trong ngành CNTT, không đủ thông tin về những chính sách ưu đãi của thành phố đối với hoạt động mới của ngành này. "Lĩnh vực CNTT quá mới mẻ nên có những loại hình hoạt động kinh doanh mà cơ quan quản lý không thể hình dung cụ thể", Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận. Cũng theo ông Tuấn, khi xin giấy phép, các doanh nghiệp CNTT nên chủ động cung cấp rõ những thông tin hoạt động ngành, để đơn vị chức năng có thể xác định đúng thể loại kinh doanh mà doanh nghiệp dự kiến hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp CNTT cho rằng người bán (doanh nghiệp ngành CNTT) - người mua (người có nhu cầu sử dụng các tiện ích CNTT) - người quản lý (cơ quan Nhà nước) hiện vẫn chưa kết nối được với nhau. Doanh nghiệp các ngành chưa có thói quen tiếp cận CNTT hoặc muốn tiếp cận nhưng thiếu thông tin. Cơ quan quản lý Nhà nước không đủ những dữ liệu cần thiết về ngành nghề này nên có nhiều hạn chế trong công tác quản lý và cấp phép, làm khó doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh CNTT lại thiếu những biện pháp để mang các tiện ích cụ thể của ngành mình đến cho đại đa số doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng, đồng thời gặp những khó khăn nhất định trong kinh doanh vì sự thiếu thông tin ngành của cơ quan quản lý Nhà nước...
"Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động CNTT của cấp thừa hành cũng như đa số doanh nghiệp ngành nghề khác", ông Nguyễn Bách Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công viên phần mềm Quang Trung, nói. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM, thì cho rằng, giới kinh doanh CNTT phải năng động hơn nữa trong việc giới thiệu, cung cấp dịch vụ đến doanh nghiệp các ngành khác ngay khi họ chưa có nhu cầu sử dụng.
Lãnh đạo Sở Bưu chính Viễn thông, Giám đốc Lê Mạnh Hà, cũng thừa nhận sự yếu kém và non trẻ trong quản lý ngành của thành phố. Ông Hà nói: "Đây là ngành kinh doanh mới mẻ nên còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lúng túng trong hoạt động nhưng cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng hơn". Ông Hà cho rằng, thành phố đang đặt những bước đầu tiên cho ngành thương mại điện tử, mở cổng CNTT để mời chào doanh nghiệp tham gia giới thiệu, tìm kiếm cơ hội giao thương. Thông tin cũng sẽ đến với doanh nghiệp nhiều hơn qua công cụ thương mại điện tử.
Theo ông Hà, không riêng doanh nghiệp các ngành nghề mà Nhà nước cũng là một khách hàng lớn của ngành CNTT nhằm tiến tới thành lập Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử. "Quản lý Nhà nước về CNTT nhưng cũng trên tinh thần phải vừa làm vừa học", ông Hà nói. Và theo ông, trong tình hình hiện nay doanh nghiệp cần thông cảm cho cơ quan quản lý Nhà nước về những chậm chạp trong việc thẩm định thông tin trước khi cấp phép kinh doanh một loại hình hoạt động CNTT mới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết, thành phố luôn hỗ trợ doanh nghiệp ngành CNTT, cụ thể là áp dụng miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Lương Thị Kim Anh, chính cách ưu đãi như thế này lại khiến giới kinh doanh CNTT "bung" ra hoạt động nhiều và đua nhau giảm giá thành sản phẩm khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ phần mềm ngày càng gay gắt.