Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Khi quan và dân gặp nhau qua mạng
Li Xueju, bộ trưởng các vấn đề dân sự, thường "đảo qua" các diễn đàn của dân |
Từ việc chặn lại các ý kiến của người dân trên mạng Internet, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chuyển sang cách làm khác là đón nhận và tương tác.
Internet đã trở thành một chốn công cộng để công dân Trung Quốc (TQ) bước vào bàn bạc chuyện công, thậm chí giám sát công việc của quan chức chính phủ. Ngược lại, nhiều quan chức cao cấp và thậm chí một số chính quyền địa phương đã bắt đầu tận dụng lợi thế của Internet để xin ý kiến của dân về nhiều vấn đề.
Khảo sát mới nhất cho biết hầu hết công dân mạng ở TQ trong độ tuổi 18-45, "có nghĩa họ là một nhóm người năng động dám bày tỏ chính kiến" (Tạp chí Bắc Kinh). Vài chuyên gia TQ tin Internet đã trở thành một dòng phương tiện truyền thông chính vì nó có thể ảnh hưởng lên xã hội và phản hồi những sự kiện quan trọng.
Theo Tạp chí Bắc Kinh, "Hiện nay, mỗi khi có một sự kiện quan trọng lại có vô số công dân mạng lao vào các diễn đàn thảo luận. Họ không thích "chat" nữa, họ thích lên diễn đàn hơn. Internet cũng đã trở thành một công cụ giám hộ giúp thường dân bảo vệ các quyền của mình.
Chẳng hạn, hầu hết các cộng đồng dân cư mới ở những thành phố trung và lớn đều có diễn đàn trên mạng riêng. Ban đầu các ý kiến có vẻ như để giúp chủ nhân của chúng "xả stress" là chủ yếu, nhưng càng ngày chúng càng lý trí và chín chắn hơn".
Thủ tướng vào mạng
"Hôm qua tôi đã đảo một vòng trên mạng Tân Hoa xã. Các công dân mạng biết hôm nay tôi họp báo nên họ đã đặt cho tôi một số câu hỏi. Sự quan tâm của họ đối với các vấn đề đất nước khiến tôi xúc động sâu sắc. Rất nhiều ý kiến và đề nghị có giá trị" - Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết như vậy tại cuộc họp báo sau khóa họp thường niên của Quốc hội ngày 14-3.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Thông tin mạng lưới Internet Trung Quốc, nước này có 103 triệu công dân mạng (netizen) tính đến thời điểm 30-6, chỉ xếp sau Mỹ (cách đây năm năm con số này chưa tới 20 triệu). Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay đã có khoảng 9 triệu netizen mới, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Khi các công dân mạng biết ý kiến của mình đã được thủ tướng đọc, họ lại tiếp tục lên mạng: "Việc thủ tướng làm đã khích lệ hàng triệu công dân mạng và động viên nhiều người tham gia bàn chuyện nước nhà hơn nữa".
Một công dân lấy nick Red Zolo nhận xét bình luận của thủ tướng TQ ngay tại cuộc họp báo cho thấy chính phủ xem các ý kiến trên mạng của dân có tầm quan trọng của một lực lượng giám sát. Quá xúc động, một số người còn nghĩ cho thủ tướng TQ một vài nickname như "Ôn huynh", "Gia Bảo huynh"...
Thật ra, đây không phải lần đầu tiên các nhà lãnh đạo TQ "đảo một vòng trên mạng". Năm 2003, khi dịch SARS đang trầm trọng ở nước này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã trả lời một bác sĩ: "Đề nghị của anh rất tốt. Tôi vừa mới đọc nó trên mạng".
Cùng năm đó, khi đi thăm Đại học Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói với các sinh viên là ông xúc động khi đọc những bài họ "cắt, dán" lên mạng.
Năm ngoái, Hội đồng Nhà nước TQ đã bắt đầu chỉ định nhiều tổ chức làm công việc thu thập và hệ thống những ý kiến trên mạng. Những tổ chức này cứ định kỳ lại in bản tin tổng hợp ý kiến để gửi cho các nhà lãnh đạo cao cấp.
Từ đó, Hội đồng Nhà nước TQ có thể biết và giải quyết kịp các vấn đề liên quan đến nền kinh tế quốc gia và cuộc sống của người dân. Ví dụ, năm 2003, nhờ đọc bản tin đó mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo biết có nhiều vụ việc lùm xùm vì những người lao động nhập cư bị trả lương chậm.
Ông đã chỉ đạo các ban ngành liên quan giải quyết ngay chuyện đó, sau đó lại còn đích thân giúp đỡ một gia đình ở nông thôn truy lãnh tiền lương của mình.
Công dân net ở Trung Quốc tăng mỗi ngày |
Sức mạnh diễn đàn quần chúng
Ngày 5-8-2004, huyện Tiantai, tỉnh Triết Giang, lập ra trang web www.ttxn.gov.cn và cấp cho mỗi phòng ban một tài khoản cá nhân trên mạng.
Các quản trị mạng của những phòng ban này có trách nhiệm in ra tất cả ý kiến nào liên quan đến hoạt động của phòng ban mình để gửi lên những người lãnh đạo. Những người này lại có nhiệm vụ phải đọc và trả lời trên mạng cho dân trong vòng bảy ngày.
Huyện Tiantai còn yêu cầu tất cả phòng ban phải ký một chữ ký kỹ thuật số sau khi đã xem qua trang web, để cho thấy họ xem ý kiến của dân là quan trọng nhường nào. Thị trưởng thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy Shen Weiguo vào năm 2003 đã cho lập ra một trang web mang tên "Tiếng nói từ người dân".
Cựu thị trưởng thành phố Hán Trung của Triết Giang lại có một cách khác để thu thập ý kiến dân. Đầu năm 2004, ông đã tặng mỗi công dân Hán Trung một hộp thư điện tử 5MB miễn phí...
Tháng 10-2004, một số "diễn đàn quần chúng " như Cat898.com và Ebobo.net đã công bố lá thư của phụ huynh một em học sinh trung học ở Thẩm Trấn, tố cáo nhiều trường trong thành phố đã buộc phụ huynh trả 20 nhân dân tệ (2,45 USD) cho một chiếc vé xem một phim ngợi ca một nhân vật 25 tuổi tên Niu Niu (tên ngoài đời là Li Qianni), con gái của một nhà lãnh đạo địa phương.
Từ lá thư này, nhiều tờ báo đã đi điều tra và phát hiện bố Niu Niu là phó bí thư đảng Thẩm Trấn, mẹ là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty về du học. Bản thân Niu Niu sở hữu ba công ty trị giá 948.200 USD.
Dưới áp lực công luận, bố của Niu Niu phải lên tiếng thừa nhận mình đã vi phạm lệnh chính phủ cấm không cho gia đình của những người lãnh đạo tham gia kinh doanh trong khu vực mà họ công tác.
Ngày 16-11-2002, một công dân lấy nick là woweiyikuang ở thành phố Thẩm Trấn đã viết trên mạng một bài lấy tựa "Thẩm Trấn, ai bỏ rơi anh?".
Bài rất dài, nói về "tương lai khó đoán" của Thẩm Trấn, một trong những đặc khu kinh tế áp dụng cải cách và các chính sách cởi mở đầu tiên của TQ, hiện nay đang dẫn đầu đất nước này về chỉ số tăng trưởng kinh tế.
Theo tác giả, tương lai Thẩm Trấn là đáng bi quan vì chính quyền thiếu các chính sách khích lệ và trong hoạch định kinh tế có những bất cập khiến Thẩm Trấn khó mà trở thành một trung tâm kinh doanh trong khu vực được.
Bài báo đã được "sinh sản vô tính" khắp các địa chỉ mạng khác và lôi cuốn sự chú ý của thị trưởng Yu Youjun. Ông đã lên mạng trả lời và mời tác giả dự "một cuộc đàm đạo bàn tròn" với ông. Tác giả đã nhận lời và xuất đầu lộ diện.
Cả hai đã gặp nhau trong hơn hai giờ đồng hồ và Guo Zhongziao, người viết bài, đã được động viên tiếp tục giám sát và đề nghị về tương lai phát triển của Thẩm Trấn. "Tôi không bao giờ tưởng tượng chính quyền lại phản hồi nhanh như vậy! Việc này cho tôi niềm tin hoàn toàn vào tương lai Thẩm Trấn", Guo nói.
TH.TÙNG (Tổng hợp từ Tạp chí Bắc Kinh)