Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
IPv6 là xu thế tất yếu
Việc thúc đẩy và nghiên cứu thử nghiệm IPv6 tại Việt Nam đang tiến những bước đầu tiên. Bên lề hội thảo Phát triển tài nguyên Internet VN vừa được tổ chức tại Hà Nội, VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Cường, Phó giám đốc VNNIC, xung quanh vấn đề này.
- Ông có thể nói vắn tắt lý do tại sao lại cần phải chuyển sang mạng IPv6?
- Đặc điểm của mạng IPv4 mà hiện chúng ta đang sử dụng là chỉ có 32 bit nên số địa chỉ có thể đánh ra chỉ có khoảng 4 tỷ. Trong khi đó, IPv6 có 128 bit, lớn hơn rất nhiều nên số địa chỉ sẽ không bị giới hạn. Đó là điểm mấu chốt cho thấy tại sao IPv6 lại cần thiết. Thời điểm này, IPv4 đã được sử dụng gần 50% vùng địa chỉ. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của Internet ngày càng lớn và số lượng người tham gia các hoạt động trên mạng ngày càng đông. Người ta dự kiến trong thời gian ngắn nữa thì địa chỉ IPv4 sẽ cạn kiệt.
- Cụ thể là bao lâu nữa thì IPv4 sẽ hết chỗ?
- Điều này rất khó nói. Hiện tại có rất nhiều tranh cãi. Những chuyên gia hàng đầu về Internet thì dự đoán là 5 -10 năm tới, trong khi đó vẫn có những lời phản bác khác như Trung tâm thông tin mạng châu Á -Thái Bình Dương (APNIC) lại cho rằng phải 20 năm nữa hoặc lâu hơn. Nhưng chắc chắn rằng trong tương lai, nguồn tài nguyên này sẽ bị cạn kiệt nên các tiêu chí để cấp phát địa chỉ ngày càng thắt chặt lại. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ không nhanh chóng tiếp cận chuyển sang IPv6 thì đến một lúc nào đó họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn.
- Nói như vậy là việc chuyển sang IPv6 chỉ còn là vấn đề thời gian. Vậy ở Việt Nam thì thế nào?
- Tại thời điểm này, VN chưa sử dụng nhiều tài nguyên Internet. VNNIC nhận thấy rằng IPv4 của chúng ta chưa có nguy cơ quá tải. Và với nhu cầu của hiện tại hay một tương lai gần 1- 2 năm tới VNNIC hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu địa chỉ IPv4 cho người sử dụng. Tuy nhiên, đây là xu thế chung của toàn cầu, nếu không tiếp cận với nó, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Chẳng hạn như các thiết bị hỗ trợ IPv4 có thể sẽ trở nên đắt hơn sản phẩm đời mới. Hoặc nhìn xa hơn sang các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ... đang có chiến lược chuyển sang IPv6 và hành động của họ có định hướng rất rõ ràng. Trung Quốc muốn trở thành nước có mạng IPv6 lớn nhất. Như vậy, khi các nước xung quanh đều sử dụng mạng IPv6 mà chúng ta không theo kịp thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn cả về mặt kỹ thuật và kết nối Internet nói chung.
- Nhưng ngay cả ở Trung Quốc cũng đang có nhiều tranh cãi về vấn đề này?
- Tranh cãi xảy ra là điều tất nhiên vì việc chuyển dịch công nghệ như vậy không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều mà có thể sẽ phải chọn những phương pháp như duy trì cả hai mạng và điều đó gây ảnh hưởng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc là sử dụng IPv6 như là phương pháp để tiếp cận nhanh đến những công nghệ hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng tại VN, kỹ thuật và công nghệ đã sẵn sàng. Vấn đề phụ thuộc vào quan điểm, chiến lược cũng như nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết chuyển sang IPv6. Có thể chúng ta chưa nhìn thấy ngay việc cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng đến VN như thế nào. Nhưng sử dụng IPv6 là xu thế tất yếu. Nếu chúng ta tham gia ngay từ bây giờ thì sẽ có nhiều cơ hội và thuận lợi hơn.
- Theo ông, tại VN phương pháp nào là phù hợp để chuyển sang IPv6?
- Nên chọn phương cách 1 hệ thống dùng song song cả IPv4 và IPv6 thì hợp lý hơn là phải đầu tư cho hai hệ thống một lúc. Về mặt kỹ thuật, việc chuyển sang IPv6 tại VN không phải là điều khó khăn. Internet ở nước ta mới phát triển và các hệ thống máy móc hầu hết đều được đầu tư mới, mà đa phần những hệ thống thiết bị mới đều có thể hỗ trợ IPv6. Tất cả thiết bị mạng nói chung của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại VN đều có khả năng hỗ trợ IPv6. Ngay cả các hệ thống đầu cuối như Windows XP của Microsoft cũng có khả năng này.
Về môi trường thì hiện tại VNNIC đã có thể cung cấp địa chỉ IPv6 rồi. Chúng tôi đã cấp cho Tổng công ty Bưu chính viễn thông VN vùng địa chỉ IPv6 đầu tiên.