Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Internet Việt Nam: Bước chuyển ngoạn mục
Kể từ khi Nghị định 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và khai thác sử dụng Internet ra đời (ngày 24/8/2001) cho đến nay đã tròn 4 năm.
Internet đã lan dần về các vùng nông thôn Việt Nam. (Ảnh: BBC) |
Bốn năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn, nhưng những gì mà Nghị định này mang lại cho Internet Việt Nam được coi là “bước chuyển ngoạn mục”, làm Internet tại Việt Nam thay đổi mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tuy được chính thức pháp lý hóa từ năm 1997, nhưng phải đến năm 2002, khi các nhà cung cấp dịch vụ xuất hiện, chấm dứt tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ hạ tầng kết nối Internet thì thị trường Internet Việt Nam mới thực sự sôi động và mức độ cạnh tranh ngày càng cao.
Nếu như tháng 11/1997, trên thị trường mới có 1 doanh nghiệp cung cấp hệ thống đường trục kết nối trong nước và quốc tế (IXP) là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng 4 nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) là VNPT, FPT, SPT và Netnam được cấp phép và bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet ra thị trường thì đến nay, trên thị trường có 4 IXP, 8 ISP, ba tờ báo điện tử (VietNamNet, VnMedia và VnExpress) và 15 OSP cùng hàng nghìn trang tin điện tử khác đang hoạt động.
Cùng với các quyết định giảm giá truy cập chất lượng băng truyền được cải thiện, nhất là với sự ra đời của dịch vụ đòn bẩy ADSL, Internet ngày càng trở nên phổ biến trong cả nước.
Từ lúc bắt đầu có không quá 4 dịch vụ Internet (gồm thư điện tử, truy cập cơ sở dữ liệu, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa), Internet Việt Nam năm 2005 trở nên đa dạng hình thức và số lượng với hàng loạt các dịch vụ ADSL, VoIP, Wi-Fi, Internet công cộng và các dịch vụ gia tăng trên mạng khác như video, forum, chat, game online.
Theo các số liệu thống kê, cả Việt Nam hiện đã có hơn 7,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 9,1% dân số, thuộc hàng cao so với tỷ lệ người dùng Internet ở châu Á.
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá từng nói: “Phát triển Internet Việt Nam gắn với 4 chữ N: Nhận thức: Nhận thức đóng vai trò vô cùng quan trọng để phát huy được sức mạnh và hiệu quả của Internet, để người dân, đặc biệt là giới trẻ, tiếp thu được những tri thức của nhân loại; Nhân lực: Nhân lực ở đây không phải chỉ là những người làm tin học mà là làm thế nào đào tạo nhân lực để xã hội ứng dụng công nghệ thông tin, để người dân ai cũng có thể sử dụng máy tính như sử dụng điện thoại; Nội dung: là nguồn nuôi sống mạng lưới; và Nối mạng. Trong 4 chữ “N” này, nhân lực là quan trọng nhất”. Điều này cho thấy đối với Internet Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội cùng thách thức đang ở phía trước. |
Khi mới kết nối Internet, Việt Nam mới chỉ có kết nối đi Mỹ và Australia với băng thông nhỏ và mức dự phòng thấp. Đến tháng 5/2005, hạ tầng kết nối Internet Việt Nam với quốc tế đã phát triển đa hướng với tổng băng thông quốc tế đạt 2.574 Mbps, tỷ lệ trung bình 0,95 Kbps/thuê bao.
Tính đến nay, Bộ Bưu chính Viễn thông đã cấp phép cho 16 ISP, trong đó tuy có 8 ISP thực sự cung cấp dịch vụ nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào thị trường, đó là: VNPT, SPT, FPT, Netnam và mới đây là Viettel.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì tuy Internet Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển nhanh nhưng chưa thực sự mạnh. Điều này thể hiện trước hết ở hạ tầng vật lý Internet còn chưa mạnh, chưa rộng khắp và kém phong phú về chủng loại. Các dịch vụ truy nhập thông dụng hiện nay được các ISP cung cấp là: truy nhập gián tiếp qua đường điện thoại (dial-up), ISdoanh nghiệp, thuê bao băng rộng như ADSL, truyền hình cáp CaTV, Wi-Fi, thuê bao trực tiếp.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp khách hàng muốn đăng ký dịch vụ nhưng nhà cung cấp lại từ chối vì không thể triển khai do hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Trên thực tế, trừ VNPT, Viettel là 2 doanh nghiệp có thế mạnh trong việc triển khai hạ tầng vật lý và FPT năng động, còn các doanh nghiệp khác đang rất lúng túng trong vấn đề này.
Theo các chuyên gia, điều này lý giải tại sao dịch vụ ADSL hiện nay chỉ có 3 nhà cung cấp là có thể triển khai mạnh. Các chuyên gia nhận định: chỉ có các dịch vụ dựa vào hệ thống mạng điện thoại công cộng sẵn có là phát triển tương đối mạnh, còn các loại hình khác đều chưa thực sự phát triển.
Mặc dù vậy, nhưng các ý kiến đều thống nhất rằng tiềm năng phát triển của Internet Việt Nam còn rất lớn.
Theo ông Nguyễn Lê Thúy - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, (Bộ Bưu chính Viễn thông), mặc dù đạt tỷ lệ tăng trưởng cao về số người sử dụng Internet trong khu vực nhưng so với thế giới, chỉ số sử dụng Internet của Việt Nam còn thấp (thế giới: 13,9%, còn Việt Nam: 9,1%).
Theo dự báo, dân số Internet Việt Nam đang và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Dự kiến đến hết năm 2005, sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu người sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng để Internet Việt Nam thực sự phổ biến như cơm bình dân cho người sử dụng và kinh doanh, điều cần thiết trước mắt là phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, nhất là Luật về thương mại điện tử, chữ ký điện tử, gia tăng mặt bằng nhận thức công nghệ thông tin của người dân, trong đó vai trò của giáo dục đào tạo là đặc biệt quan trọng.
Quỳnh Anh - (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)