Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Internet Phone sẽ chỉ còn 250-300 đồng/phút?
Sáng nay, một vị lãnh đạo của FPT truyền thông cho VnExpress biết, công ty đang gấp rút hoàn tất các phương án giảm mạnh giá cước truy cập Internet và Internet Phone trình Bộ Bưu chính viễn thông để triển khai thực hiện trong một vài ngày tới. Theo các chuyên gia, việc tự do hoá giá cước sẽ đem lại rất nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp vì họ không phải tuân theo một quy định cứng nhắc như trước đây. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, đây lại là một thử thách khá lớn. Ông Trần Bá Thái, Giám đốc Công ty Netnam, phân tích, đơn vị này hiện chỉ chiếm khoảng 5% thị phần Internet tại VN (đứng thứ 3 sau FPT và VNPT). "Nhưng mặt bằng cước Internet hiện đã quá thấp, chỉ 40 đồng/phút. Nếu giảm thêm nữa thì việc kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông nói và cho biết tạm thời sẽ "nghe ngóng" xem các đại gia như FPT làm gì để thích ứng. Còn trong lĩnh vực điện thoại, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cũng đã hoàn tất phương án tính cước điện thoại di động CDMA (S-fone) theo block 10 giây kể từ phút đầu tiên (thay vì trước đây block 10 giây phải tính từ phút thứ 2 trở đi như hiện nay) và dự kiến áp dụng từ ngày 20/1. Hiện nay, S-fone đang gặp một khó khăn trong việc thu hút khách hàng là chưa khai thông được dịch vụ nhắn tin với các mạng VinaPhone và MobiFone nên đang nỗ lực tìm cách hạ thấp cước cuộc gọi để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (ETC) cũng đang rục rịch lên kế hoạch giảm cước với một số dịch vụ điện thoại. Ông Hoàng Văn Nhuần, Phó giám đốc công ty cho biết, dự kiến trong quý I, phương án điều chỉnh cách tính mới cho 1 số dịch vụ như Internet, VoIP, dịch vụ thuê kênh viễn thông trong nước... sẽ được áp dụng. "Chi tiết ra sao vẫn đang được chúng tôi tính toán trên cơ sở nghe ngóng thị trường và đặc biệt là người anh cả VNPT. Nhưng chắc chắn, cước một loạt dịch vụ sẽ giảm", ông Nhuần nhấn mạnh. Theo nội dung của văn bản số 16, VNPT hiện chiếm thị phần khống chế trong hầu hết các lĩnh vực như điện thoại đường dài, điện thoại quốc tế, dịch vụ Internet... và không được tự quyết định giá cước như các doanh nghiệp khác. Đối với các doanh nghiệp như FPT, SPT, ETC, khi muốn giảm giá cước, họ có thể trình văn bản lên Bộ Bưu chính viễn thông để được cấp phép trong vòng 10 ngày sau đó (trong trường hợp không chấp thuận, bộ phải thông báo cho doanh nghiệp trong vòng 7 ngày). Cước không được thấp hơn giá thành hoặc giá thông thường trên thị trường. Một chuyên gia ngành bưu chính cho biết, việc các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế tự quyết định giá cước sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng được hưởng một số dịch vụ với giá ưu đãi. Bởi lẽ, để cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán. Đây là một cố gắng mới của ngành bưu chính viễn thông trong quá trình hạ dần giá cước xuống ngang bằng các nước trong khu vực.