Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Hôm nay, người dùng sẽ được hưởng cước ADSL mới?
Theo quyết định 2406/QĐ/GCTT Ban hành cước dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao ADSL của Tổng giám đốc VNPT, từ hôm nay (1/7/2005) người sử dụng dịch vụ Internet băng rộng (ADSL) do VNPT cung cấp sẽ được áp dụng mức cước mới với 4 gói cước linh hoạt dao động từ 28.000đồng cước thuê bao/tháng đến 172.000 đồng cước thuê bao/tháng.
Tuy nhiên mức cước mới này của VNPT đang bị một số doanh nghiệp “kêu ca” với Bộ Bưu chính Viễn thông (MPT) rằng, mức cước đó là bán phá giá, thấp hơn giá thành. Vậy hôm nay người tiêu dùng có được hưởng mức cước mới?
Mức cước mới vẫn được áp dụng
Theo thông tin VietNamNet nhận được, đến thời điểm này VNPT vẫn đang tiến hành giải trình với MPT về cách tính cước mới của họ. Tuy nhiên trong thời gian này, khi chưa có chỉ đạo của MPT người dùng vẫn được đăng ký sử dụng các gói cước mới do VNPT cung cấp. Nghĩa là từ hôm nay người dùng sẽ được lựa chọn đăng ký sử dụng 4 gói cước mới gồm: MegaVNN –Easy; MegaVNN –Family; MegaVNN – Extra và MegaVNN-Maxi. Trong đó, Gói MegaVNN – Easy có tốc độ tối đa 384Kbps/128Kbps, cước tối đa chỉ hết 400.000 đồng/tháng gồm cả cước thuê bao 28.000 đồng/tháng; Gói MegaVNN – Family, tốc độ tối đa 512Kbps/256Kbps, cước không vượt quá 600.000 đồng/tháng, gồm cả cước thuê bao 45.000 đồng/tháng. Gói MegaVNN – Extra, tốc độ tối đa 1Mbps/512Kbps, với mức cước tối đa 730.000 đồng/tháng, bao gồm cước thuê bao tháng 82.000 đồng/tháng. Gói MegaVNN-Maxi, tốc độ tối đa 2Mbps/640Kbps, với mức cước tối đa 908.000 đồng/tháng, bao gồm cước thuê bao tháng 172.000 đồng/tháng.
Có thể nói việc đồng loạt tung ra nhiều lựa chọn gói cước mới của VNPT thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ của doanh nghiệp này, bởi trước đó, FPT, Viettel dù có liên tục tung ra các gói cước ADSL mới thấp hơn nhiều so với mức giá trần Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành (1 triệu đồng/tháng), thì VNPT vẫn chỉ có một gói cước tối đa hết 1 triệu/tháng sử dụng. Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, việc tung ra gói cước mới của VNPT lần này thực chất là một hình thức phân đoạn thị trường và đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng từ thấp đến cao, từ chi phí ít đến chi phí nhiều. Đây được coi là một hình thức giảm cước cho người sử dụng, mở rộng đối tượng sử dụng, thúc đẩy nhu cầu sử dụng ADSL không chỉ tại các tỉnh thành có nhiều lợi nhuận như Hà Nội và TP.HCM mà còn mở rộng ra cả các tỉnh thành xa xôi của cả nước. Đồng thời, việc giảm cước này còn kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung.
Vì sao kẻ muốn giảm, người đòi không?
Thông thường, sau khi VNPT tung ra gói cước mới, các doanh nghiệp khác cũng sẽ có những động thái điều chỉnh cước để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như: Viettel trước đó cũng dự tính sẽ tung ra các gói cước theo hướng nhắm tới 3 đối tượng: Hộ gia đình; Văn phòng và Công cộng. Dự kiến gói cước thấp nhất của Viettel sẽ tương đương với gói cước MegaVNN –Easy. Tuy nhiên, đến thời điểm này Viettel còn chưa vội tung ra các gói cước mới đó. Một quan chức của Viettel cho rằng hiện dịch vụ ADSL cung chưa đủ cầu, nên không việc gì phải giảm cước. Còn ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Communication thì cho biết: “Nghe nói các nhà cung cấp khác đang khiếu nại với MPT về chuyện VNPT dùng lợi thế của việc kinh doanh dịch vụ cố định để đưa ra mức cước thấp hơn giá thành. Theo luật bán phá giá, không được bán thấp hơn giá thành, mức cước VNPT đưa ra là dưới hơn giá thành”.
Theo lý luận mà các doanh nghiệp này lập luận, thì VNPT được lợi thế về hạ tầng, VNPT chỉ phải đầu tư khoảng 15% chi phí để triển khai dịch vụ, so với mức 100% của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Chính vì thế, các doanh nghiệp này đang kiến nghị với MPT, chờ MPT đưa ra phán xử với VNPT rồi mới tính đến chuyện ban hành cước dịch vụ. Có doanh nghiệp còn tuyên bố, nếu từ 1/7 cước của VNPT được áp dụng thì doanh nghiệp này sẽ đành bỏ không cung cấp dịch vụ nữa, bởi không có lãi.
“FPT cũng như một số doanh nghiệp khác, đang trông chờ bước đi của VNPT”, ông Đình Anh nói.
Về phía VNPT thì cho rằng, việc giảm giá dịch vụ của VNPT là do, cước thuê kênh đã giảm, tức là giảm đầu vào đối với doanh nghiệp thì cũng phải giảm đầu ra cho người tiêu dùng. Việc giảm giá của VNPT chỉ nhằm mở rộng đối tượng sử dụng, giúp họ có cơ hội để tiếp cận với Internet tốc độ cao. Việc giảm cước ADSL cũng sẽ tạo cơ hội cho các dịch vụ ứng dụng trên Net phát triển, tạo tiền đề cho sự bùng nổ Internet băng rộng không chỉ ở các thành phố lớn có nhiều lợi nhuận. VNPT khẳng định mức cước doanh nghiệp này vẫn nằm trong mức giá trần mà MPT ban hành.
Như vậy, trước mắt từ hôm nay người dùng vẫn được hưởng mức cước mới dịch vụ ADSL của VNPT. Tuy nhiên, trong thời gian tới liệu người dùng có tiếp tục hưởng mức cước mới của VNPT hay không? điều này còn phụ thuộc sự cân nhắc của MPT, giữa lợi ích của cộng đồng người sử dụng và lợi ích của một số doanh nghiệp.
- Ngọc Lý