Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
"Hội chứng" thừa thời gian trong giới trẻ
Trong khi nhiều người thuộc thế hệ 8x, 9x đang mải mê với công việc, với học hành thì cũng có không ít những người trẻ cảm thấy 24h là thừa thãi. Họ... chẳng biết làm gì.
Hội chứng: “Ôi, sao buồn thế”
Những kiểu kêu ca: “Ôi, sao buồn thế”, “Chán quá đi thôi”… đã trở thành “câu cửa miệng” của không ít người trẻ tuổi.
Họ buồn vì công việc, học tập gặp trục trặc, bị người yêu “đá”… còn một lý do khác nữa: rảnh rỗi quá. Ra trường đã hơn hai năm nhưng bố mẹ vẫn “tài trợ” nên Thu Hoài cứ ung dung ăn, ngủ và chơi.
Nhưng chơi mãi cũng chán vì bạn bè của Hoài đang “vắt chân lên cổ” với những lo toan thường nhật. Ở nhà suốt ngày, quanh ra quẩn vào, hết nằm lại ngồi khiến Hoài từ một cô gái vốn tươi vui, năng động trở nên suy tư hay cáu bẳn. Nhưng khi ai đó khuyên: “Kiếm việc mà làm” thì Hoài lại lắc đầu.
Người ta thường nghĩ sinh viên rất thiết tha với sự học. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Một ngày bạn học mấy tiếng?”, Hoa Hiên (ĐHKHXH&NV) trả lời bình thản: “Không tiếng nào” và “bật mí” thêm: “Lũ bạn cùng phòng ký túc với em cũng thế”.
Sinh viên không đến thư viện, không ôn lại bài hàng ngày, chỉ đến khi gần thi mới quáng quàng xem lại sách vở… không còn là hiện tượng hiếm thấy.
Thừa thãi thời gian, chân tay ngại hoạt động là cơ hội cho sự mệt mỏi, chán nản tấn công. Mai Xoa (ĐHVH) rơi vào tình trạng như thế. Đôi khi thầy cô lơ là, nàng trốn học, chuồn về ký túc đánh một giấc no say.
Nhưng ngoài ngủ, Xoa cũng chẳng biết làm gì, vì các bạn cùng phòng còn mải học không thể “buôn dưa lê” cùng nàng cả ngày. Nhiều lúc Xoa kêu lên: “Chẳng biết làm gì cho hết ngày”. Nhưng kêu cho sướng mồm thôi, còn tính đến chuyện sống có ý nghĩa bằng cách chăm chỉ học hành thì Xoa… xin kiếu!
Tiêu khiển “đốt thời gian”
Dịch vụ Internet đua nhau mọc lên, đặc biệt là những nơi gần giảng đường đại học, gần KTX. Người trẻ tuổi tự hào rằng họ nhanh nhạy nắm bắt công nghệ thông tin. Điều đó cũng đúng. Nhưng thực tế có bao nhiêu bạn trẻ sử dụng Internet phục vụ cho học tập, công việc? Hay chỉ biến nó thành công cụ giải trí, nhằm tiêu tan thì giờ.
Số tiền bố mẹ trợ cấp có hạn nhưng Hải Duy là “thượng đế" được cưng chiều của một cửa hàng Internet gần nơi ở trọ, vì ngày nào chàng cũng lượn qua đó vài tiếng.
Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi Duy nhưng khi hỏi đến dự định tương lai chàng lại mở to mắt như ngạc nhiên lắm: “Công việc ấy à? Tôi chưa nghĩ đến đâu, hơn năm nữa tôi mới ra trường mà”. Nói xong Hải Duy lại cắm cúi chát.
Yêu thời di động cũng là hình thức đốt thời gian của nhiều bạn trẻ.“Di động của mình chỉ để nhắn tin cho người yêu”, Ngọc Vân thú nhận. Hầu như nàng để máy cả đêm để 1, 2 giờ sáng tỉnh dậy thấy nhớ nhau lại “tít tít’. “Đến bây giờ mình nhắm mắt cũng có thể nhắn tin nhoay nhoáy” - Vân nói.
Không thuộc phím chữ sao được khi trong lớp học, giờ ra chơi, cả khi đi ngủ ... nàng đều chơi trò gửi tình qua tin nhắn cho anh chàng người yêu cùng tuổi, khác trường. Còn nhiều kiểu yêu khác cũng rất hợp với người thừa thãi thời gian: ôm eo nhau rong ruổi phố xá cả ngày, “ngồi thiền” hàng giờ trong quán...
Người trẻ muốn về “hưu non”
Một trong những thứ mang lại niềm vui, vinh quang, tiền bạc… cho con người là lao động. Nhưng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang mắc “bệnh” lười.
Một thầy giáo già kể lại rằng: “Mỗi khi lên giảng đường tôi rất ít khi sử dụng thang máy bởi tôi thích đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Nhưng ngược lại, tôi để ý thấy nhiều sinh viên sức sống tràn trề chỉ bước một tầng cũng phải nhờ thang máy. Còn trẻ mà lười vận động quá”.
Không chỉ lười đi lại, tệ hại hơn nhiều người còn lười suy nghĩ, lười làm việc. Huyền My, một nhân viên văn phòng trẻ tuổi, có mong ước thật lạ kỳ: “Muốn được về hưu non”, bởi đơn giản My rất ngại làm việc ngày 8 tiếng.
Cổ nhân có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”, nếu ngày nào bạn cũng không làm gì, ngoài chuyện luôn miệng phải than phiền, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh.
Hồng Diệu