Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Hiệu ứng “Ký tên vì công lý”
Sáng 21-8, một người bạn nhắn tin cho anh Phạm Quang Hưng, nhân viên Công ty trà Cozy, đề nghị ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại trang web http://petitiononline.com/AOVN.
Chữ ký của anh lúc 12g trưa cùng ngày đã nâng tổng số chữ ký tại đây lên tới 233.568. Năm phút sau, con số đó đã là 233.598...
Đây là một tốc độ rất đáng kể nếu chúng ta nhớ lại, cho tới 3g15 ngày 6-8-2004, tức là sau hơn 120 ngày kể từ khi phát động, trang web mới chỉ thu thập được 33.114 chữ ký.
Sự tăng tốc chóng mặt này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng dân mạng, những người đã nỗ lực tuyên truyền cho chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ những đồng bào thiếu may mắn một cách đầy vô tư và hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài phương pháp thông dụng nhất là nhắn đường link ký tên cho nhau qua mạng Yahoo, họ đã chuyền nhau, đưa lên các diễn đàn lớn nhỏ những bài báo cảm động về thảm cảnh của các nạn nhân chất độc da cam từng được báo chí đăng tải. Đồng thời rất nhiều trang đặt liên kết tới địa chỉ kêu gọi ký tên vì những nạn nhân chất độc da cam.
Việc ký tên vì công lý không chỉ diễn ra ở VN mà còn lan sang các nước khác. Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt Len Aldis cho biết những người bạn của ông tại Pháp cũng đã dịch lời kêu gọi này sang bốn thứ tiếng và đưa lên website www.aafv.org, để kêu gọi sự ủng hộ đối với các nạn nhân chất độc da cam VN.
Chị Thúy Nga, một Việt kiều ở Cộng hòa Czech, cho biết: “Khi được cậu cháu nhắn đường link, tôi đã vào ký tên ngay và kêu gọi thành viên trong nhà, gia đình các bạn ở Czech tiếp tục ủng hộ. Tôi thấy rất vui vì đã góp phần nhỏ trong việc đem lại công lý cho người dân VN”.
Chủ đề “Nỗi đau da cam” cũng trở thành tâm điểm thảo luận trên rất nhiều forum. Trên diễn đàn ttvnol.com, bạn Tranhainz kêu gọi: “Vì mục tiêu 300.000 chữ ký như ngài Len Aldis hi vọng, hãy thực hiện công thức 1x20 hoặc 30 chứ không chỉ là 1x10 các bạn ơi! Vì dòng máu VN đang chảy trong huyết quản chúng ta, vì những nạn nhân chất độc da cam mà làm đi bạn ơi! Hãy thực hiện và tuyên truyền đến bạn bè của bạn. Rất mong các admin làm thế nào để dấy lên phong trào Ký tên vì công lý”.
Một thành viên của Diễn đàn Thanh niên sinh viên VN tại Đức (www.avys.de) có nickname Mõ Làng phân tích cụ thể hơn: “Theo như những người đi kiện đánh giá, hơn 200.000 chữ ký là một thành công tốt đẹp và họ sẽ đem những chữ ký đó để trình lên tòa án. Những nạn nhân bị mắc căn bệnh hiểm nghèo này không phải vì những mong muốn được đền bù hay lợi ích gì đó. Họ lên tiếng đòi những tổ chức quốc tế phải xem lại và nhìn nhận rằng tội ác chiến tranh người Mỹ gây ra ở VN phải được nhìn nhận...”.
Không chỉ kêu gọi đơn thuần, nhiều thành viên của các diễn đàn còn có ý nghĩ và hành động rất cụ thể: thu thập bằng chứng giúp các nạn nhân trong vụ kiện các công ty sản xuất dioxin.
Bạn sweetwich kể lại những tình tiết xúc động trong cuộc tìm kiếm đầy tự phát và hơi đơn giản của mình trên diễn đàn ttvnol.com: “Có lẽ điều duy nhất mà mọi người có thể làm bây giờ là thu thập tài liệu giúp vụ kiện. Chụp ảnh, tìm thông tin về gia đình những em bé - nạn nhân chất độc da cam. Tôi có máy ảnh, có thể chụp ảnh (...).
Nhưng tôi nghĩ chuyện thu thập thông tin của tôi chỉ có thể giới hạn trong những làng trẻ mà mọi người dẫn tôi đến, ngoài ra tôi không biết chỗ nào khác. Liệu có ai có thể cùng làm với tôi không? Vì chị Hoamoclan nói rằng ở Hà Nội này cũng có rất nhiều trung tâm bảo trợ. Những gì mỗi người có thể làm được là rất ít, nhưng nếu nhiều người cùng làm thì chắc không đến nỗi tệ (...).
Hôm trước ở làng Canh tôi có biết một em bé chỉ khoảng 4-5 tuổi, không thể nhìn, không thể nghe, không thể nói, nhưng rất trắng trẻo dễ thương. Tôi cảm thấy cuộc sống của em bé ấy giống như một quả trứng tối đen, không có một khe hở, không có một chút ánh sáng nào, hoàn toàn tối tăm. Giá như người ta có thể tạo ra một khe nhỏ để ánh sáng chiếu vào... Giá như em bé ấy có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy sẽ đỡ hơn rất nhiều...”.
Cuộc vận động online tuy không rầm rộ nhưng hiệu ứng vết dầu loang do nó tạo ra thì thật mạnh mẽ và có sức lan tỏa rất lớn. Tiếp chuyện phóng viên Tuổi Trẻ tại phòng chat, anh Hưng cho biết: “Tôi là dân kỹ thuật nên nắm ít thông tin xã hội. Vì thế, dù cũng có nghe nói về chương trình thu thập chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tôi cũng chưa tham gia vì chưa hiểu tầm quan trọng của việc làm này.
Phải tới tận sáng nay, khi một người bạn chat đề nghị tôi tham gia, đồng thời gửi những đường link nối tới các bài báo kể về thảm cảnh của các đồng bào bất hạnh, tôi mới lấy làm tiếc vì mình đã không đóng góp chữ ký sớm hơn. Từ nay tôi sẽ tích cực kêu gọi bạn bè cùng tham gia ký tên ủng hộ”.
Với tốc độ này, chắc chắn mục tiêu thu thập 300.000 chữ ký mà ông Len Aldis, tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, người sáng lập bản kiến nghị ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, mong muốn chắc chắn sẽ đạt được chỉ trong một thời gian ngắn nữa.