Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Google sẽ nhòm ngó Inbox của chúng ta
Câu ngạn ngữ cổ nói “Trên đời chẳng có thứ gì cho không”. Với kế hoạch cung cấp miễn phí dịch vụ e-mail, Google dường như đang định chứng minh điều này.
Thoạt nhìn, dịch vụ Gmail của Google thật tuyệt. 1 Gb lưu trữ, tìm kiếm e-mail dựa trên từ khóa, chống virus và lọc spam… tất cả đều vượt trội các dịch vụ hiện có. Trái với xu thế thương mại hóa từng phần của Yahoo và Microsoft, Rosing, Phó chủ tịch Google, khẳng định họ “không có ý định bắt khách hàng trả tiền khi dùng Gmail, bởi nó có thể tự kiếm tiền nuôi sống mình”. Vấn đề ở chỗ tiền đâu để Gmail tự nuôi sống nó?
Cái bẫy giăng ra ở đây là e-mail gửi đến Gmail sẽ gói kèm với một mẩu quảng cáo. Tệ hại hơn, công nghệ gián điệp của Google sẽ dò tìm nội dung của bức thư để lựa chọn quảng cáo thích hợp nhất. Với khả năng này, hàng triệu trang web sẽ sẵn lòng trả tiền cho Google để thương hiệu của họ chui vào từng hòm thư cá nhân. Đây chính là lý do Google đảm bảo việc dùng mail sẽ “miễn phí”, song cũng là gót chân Achilles của dịch vụ này.
Hãng hiện cố thoát khỏi cáo buộc này bằng chính sách an ninh thông tin cá nhân (privacy policy), trong đó khẳng định chỉ máy móc, chứ hoàn toàn không có yếu tố con người, sẽ “đọc” e-mail. Bản thỏa thuận viết: “Chúng tôi cung cấp các quảng cáo thực sự phù hợp như một phần dịch vụ sử dụng công nghệ xác định nội dung độc đáo. Sẽ không có người nào đọc e-mail của các bạn mà không được sự đồng ý trước”.
Vậy thì, như Google ngụ ý, việc để một cỗ máy “chõ mũi” vào thư từ, trước cả khi người nhận đọc nó, liệu có ổn không? Câu trả lời đồng thanh vang lên: "Không”.
Sự bất tiện là lý do đầu tiên đề cập tới. Trong một bài viết trên tờ Los Angeles Times, nhà phân tích Chris Hoofnagle, thuộc Trung tâm thông tin cá nhân điện tử, khẳng định: “Viễn cảnh một mẩu quảng cáo thuốc đau dạ dày, đi kèm bức thư người thân phàn nàn rằng mình đang mắc chứng bệnh này, khiến chúng ta phát khiếp”. Ngoài ra, với đà này, “một ngày nào đó, khi đang “buôn chuyện” với bạn bè về kỳ nghỉ sắp tới trên điện thoại, một giọng nói số hóa sẽ tự xen vào, quảng cáo cho một tour du dịch nào đó”, bài viết mỉa mai.
Bên cạnh lý do cá nhân, ý tưởng của Google sẽ gián tiếp giúp một tay cho vấn nạn spam. Báo The Guardian (Anh) phác họa viễn cảnh của công nghệ thông minh này. “Bức e-mail tả buổi hòa nhạc từ nay sẽ kèm theo đường dẫn tới quầy vé của nhà hát”. Ôn hòa hơn, Yinka Adegoke, Phó tổng biên tập tờ New Media Age, cho rằng: “Không phải mọi người đều chấp thuận ý tưởng rằng sau khi gửi bức thư có nhắc tới bóng đá, họ sẽ nhận được những quảng cáo bán vé túc cầu”.
Ngoài ra, dù Google đã cẩn thận soạn sẵn chính sách an ninh thông tin cá nhân, luật sư Kevin Bankston, hãng Electronic Frontier Foundation, lo ngại thông tin Google dùng để quảng cáo cuối cùng sẽ dẫn tới một kẽ hở luật pháp chưa định rõ. Khi đó, Google vô can vì không đọc trộm mail, song máy móc của họ thì có. “Đó là một cổng hậu để xác định nội dung e-mail, dù không cần xem nó”, ông khẳng định. “Google hoàn toàn lảng tránh điều này trong chính sách của họ”, Bankston nói thêm.
Về phía mình, Larry Page, đồng sáng lập Google, khẳng định họ sẽ nghiên cứu kỹ mọi tình huống có thể xảy ra. “Chúng tôi sẽ xử lý bất cứ thông tin nào xuất phát từ e-mail cẩn thận như chính bức e-mail đó”, ông quả quyết. Ngoài ra, Google cũng cố làm giảm mối lo ngại bằng cách nhấn mạnh quảng cáo sẽ chỉ nhằm vào những e-mail gửi đến, còn hộp thư gửi đi vẫn giữ được sự độc lập.
Hiện giờ, Google, vốn vẫn được tiếng là lịch sự và sáng tạo, chưa chính thức tung ra Gmail. Mọi chuyện vẫn có thể thay đổi. Từ nay đến lúc đó, có lẽ người ta sẽ rất tò mò, xem lần này hãng làm thế nào để có thể kiếm tiền từ việc bán thông tin của người dùng.
Dù sao chăng nữa, việc hãng tìm kiếm chen chân vào lĩnh vực thư điện tử sẽ làm thị trường này nổi sóng. Hai ngày sau khi tin về Gmail lộ ra, Yahoo thừa nhận đã gửi e-mail ngẫu nhiên tới một số khách hàng, với nội dung thử nghiệm khuyến mại, tăng hộp thư miễn phí lên 100 Mb, đồng thời chấp nhận file gửi kèm lớn hơn.