Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Giao dịch điện tử: Thị trường cần, luật... túc tắc làm

Trong khi dịch vụ chứng thực điện tử ở Việt Nam cần hội nhập với thế giới thì Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa ra đời, khiến cho ngành ngân hàng phải hoạt động... lưỡng tính: vừa thực hiện một số hoạt động giao dịch điện tử, lại vừa in ra giấy chứng từ giao dịch!

Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học Ngân hàng Tạ Quang Tiến đã than phiền như vậy tại hội thảo chuyên đề về Luật Giao dịch điện tử trong khuôn khổ Vietnam ComputerWorld Expo 2004 vào ngày 5/7. Theo ông Tạ Quang Tiến, đó là hoạt động... lưỡng tính, nghĩa là vừa hoạt động theo kiểu hiện đại trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT), vừa hoạt động... thủ công!

Cho đến thời điểm này, ngành ngân hàng đã hội đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật để cung cấp cho khách hàng các giao dịch điện tử nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý hoặc chưa đầy đủ. Các dịch vụ tiện ích như Internet Banking, Home Banking, Telephone Banking,... chưa thể triển khai đến khách hàng như một dịch vụ hoàn chỉnh do Việt Nam vẫn chưa có Luật Giao dịch điện tử.

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký văn bản chấp thuận sử dụng văn bản điện tử trong nội bộ ngành ngân hàng, nhưng theo đúng Luật Kế toán Thống kê, ngân hàng vẫn buộc phải in ra giấy, đóng dấu và ký tên vào các loại chứng từ giao dịch để đảm bảo tính pháp lý của chứng từ. Việc này đã làm tăng đáng kể khối lượng công việc của ngành ngân hàng. Với hàng chục ngàn chi nhánh của tất cả các ngân hàng trong cả nước, mỗi giám đốc chi nhánh ngân hàng buộc phải ký tên, đóng dấu đến hàng ngàn giao dịch mỗi ngày.

Trong khi đó, các hoạt động giao dịch điện tử của ngành ngân hàng đang tăng nhanh. Chỉ từ năm 2003 đến nay, số lượng thẻ thanh toán điện tử đã lên đến 356.250 thẻ (256.250 thẻ thanh toán trong nước, 100.000 thẻ thanh toán quốc tế), gấp đôi so với số lượng thẻ của bảy - tám năm về trước và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Vẫn theo ông Tiến, hiện có trên 80% nghiệp vụ ngân hàng đã tin học hoá. Ngành ngân hàng đã thực hiện giao dịch trực tuyến (online), chứng từ điện tử và chữ ký điện tử nhưng do cơ sở pháp lý về luật chưa có nên, nếu có vướng mắc gì trong hoạt động, phải đưa ra pháp luật thì rắc rối to... Nhưng may là chưa có gì xảy ra! - ông nói.

Theo ông Vũ Minh Mão, phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, phó trưởng ban thường trực Ban Soạn thảo Dự án Luật Giao dịch điện tử, Quốc hội đã giao Uỷ ban KHCN&MT chủ trì soạn thảo dự án Luật Giao dịch điện tử để trình Quốc Hội xem xét và thông qua vào cuối năm 2005. Ban Soạn thảo gồm 22 thành viên, với đại diện nhiều Bộ ngành, Hội và Hiệp hội... Một tổ biên tập gồm 24 thành viên cũng đã được thành lập và do TS Mai Anh, uỷ viên Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch công tác theo lộ trình hoàn thành bản thảo dự luật vào cuối năm 2004.

Ngoài ra, một khía cạnh kỹ thuật đóng vai trò không thể thiếu được trong các loại giao dịch điện tử là chứng thực điện tử (hiểu nôm na, kỹ thuật nhằm chứng thực danh tính của những người tham gia gửi và nhận thông tin qua mạng, chứng thực nguồn gốc và nội dung thông tin giao dịch) cũng đang được chú ý xây dựng cơ sở pháp lý thông qua các văn bản pháp lý khác cũng đang được soạn thảo. Đó là Pháp lệnh Thương mại điện tử (do Bộ Thương mại chủ trì), Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử (Bộ Bưu chính - Viễn thông chủ trì), Nghị định của Chính phủ quy định việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng mật mã không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì).

So với các nước và lãnh thổ trong khu vực, Việt Nam đi khá chậm trong xây dựng dựng cơ sở pháp lý về giao dịch điện tử. Malaysia đã ban hành Luật Chữ ký Số vào năm 1997, Singapore ban hành Luật Giao dịch điện tử vào năm 1998, Hong Kong có Sắc lệnh về Giao dịch điện tử vào năm 2000. Hàn Quốc có Luật Chữ ký điện tử vào năm 1999 và sửa đổi vào năm 2001. Thái Lan và Nhật Bản cũng đã có các văn bản luật liên quan đến giao dịch điện tử vào năm 2001. 

Bích Vân - Chí Thịnh

 

Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Minh Dân, vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Bưu chính - Viễn thông) về định hướng phát triển Luật Giao dịch điện tử.

Hệ thống chứng thực điện tử (Certification Authority) sẽ được triển khai ra sao khi có Luật Giao dịch điện tử?

Việt Nam: Dịch vụ chứng thực điện tử cần... hội nhập

- Ông Nguyễn Minh Dân: Dựa trên Luật Giao dịch điện tử, một hệ thống quản lý và cung cấp các chứng thực điện tử sẽ được hình thành: Thứ nhất là cơ quan cấp chứng thực gốc (root CA) với nhiệm vụ cấp chứng chỉ số cho các cơ quan chứng thực. Thứ hai, các cơ quan chứng thực (CA) chuyên cung cấp chứng chỉ số cho người sử dụng. Thứ ba, cơ quan đăng ký (Registration Authority) là những đơn vị được CA uỷ quyền việc cấp chứng chỉ số cho người sử dụng.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số đơn vị đang thực hiện việc cấp CA như VASC, VDC, Trung tâm Tin học thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ,... Ngoài ra, có một số đơn vị cũng thử nghiệm xây dựng các CA nội bộ. Đồng thời, chỉ có hai Công ty VASC và VDC cung cấp dịch vụ chứng thực cho cộng đồng. Công ty VASC đã triển khai dịch vụ chứng thực điện tử từ năm 2002 và đã thực hiện dịch vụ cấp chữ ký điện tử cho các giao dịch ngân hàng.

Với dịch vụ chứng thực điện tử tại Việt Nam, liệu việc xây dựng các tiêu chuẩn có phải cũng là một... vấn đề khó?

- Tạm thời, chúng ta đã sưu tập được một số tiêu chuẩn quốc tế về chứng thực điện tử áp dụng ở một số nước. Tuy vậy, Việt Nam chưa quyết định chọn phương thức nào vì đang cân nhắc giữa việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tự xây dựng tiêu chuẩn riêng. Các cơ quan nhà nước có liên quan đang bàn thảo về việc đưa ra chứng chỉ số hoặc chương trình mã hoá trước; hoặc tiến hành việc đưa ra đồng thời cả hai yếu tố này. Hiện nay, do Luật Giao dịch điện tử và Pháp lệnh Thương mại điện tử chưa ban hành nên chưa thể thực hiện hoàn chỉnh hệ thống chứng thực điện tử. Chính phủ đang giao cho Bộ BC-VT soạn thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử. Có khả năng trong năm nay sẽ ban hành Nghị định này.

Ông có thể dự báo số lượng các đơn vị cấp CA, trong mối tương quan với các công ty cấp CA quốc tế và các nước?

- Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, số lượng đơn vị cấp chứng thực điện tử thường nằm trong khoảng ba-sáu đơn vị. Như Hàn Quốc đã cấp phép cho sáu công ty làm CA và Malaysia có ba công ty cấp CA cho người sử dụng. Việc tính toán số lượng các đơn vị cấp CA có liên quan đến sự đồng bộ trong việc chứng thực chéo giữa các công ty cấp CA. Đây cũng là vấn đề Việt Nam đang tìm hiểu về chương trình hợp tác quốc tế về chứng thực điện tử, vì chứng thực chéo là điều bắt buộc khi chúng ta hội nhập với thế giới. Chứng thực điện tử hoàn toàn có thể thực hiện giữa các quốc gia, các công ty cấp CA quốc tế hoặc giữa các công ty cấp CA trong nước.

Chí Thịnh

 

Các tin tức khác:

Thiết kế website Du lịch: Giải pháp website du lịch cho ngành du lịchThiet ke website du lich

10 lỗi hay gặp của website Việt Nam

Xuất hiện 2 virus máy tính mới trên mạng

Intel giúp đỡ các đối tác châu Á phát triển Linux

Cisco tung ra sản phẩm router mới có thể nâng cấp

Nguồn gốc website? Website đầu tiên trên Thế giới là của ai

Đã tóm được nữ quái Gigabyte

Chữ ký điện tử: Đảm bảo an toàn dữ liệu truyền trên mạng

Bức tranh sáng của ngành CNTT Việt Nam

Phòng chống “điệp viên” Keylogger

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone