Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Giao dịch điện tử: Luật và nghị định sẽ song hành?
Thực tế xã hội đang đòi hỏi luật giao dịch điện tử (GDĐT) phải được ban hành sớm. Nhiều bộ, ngành đã tỏ ra sốt ruột vì có hàng loạt việc đang chờ luật. TGVT - PCW B đã trao đổi vấn đề này với TS. Mai Anh, uỷ viên UB Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường Quốc Hội, thành viên ban soạn thảo, tổ trưởng tổ biên tập luật GDĐT.
Ông có thể cho biết bao giờ luật GDĐT sẽ được thông qua?
Luật GDĐT được soạn thảo trong năm 2004, nay đã có phiên bản 6.b. Theo quy định, dự thảo luật sẽ được trình Quốc Hội (QH) tại hai kỳ họp: Kỳ họp lần 7, khoá XI (đầu 2005) để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu; sau đó ban soạn thảo tiếp thu, hiệu chỉnh để trình lấy ý kiến đóng góp và thông qua tại kỳ họp lần 8 (cuối 2005).
Thưa ông, thời gian soạn thảo luật như thế có quá nhanh?
Đúng là có nhanh. Cho đến nay, thông thường luật được ban hành cần thời gian 2-3 năm. Nhưng hiện nay, nhu cầu cần có luật GDĐT đang rất cấp thiết. Khi thảo luận để bổ sung dự án luật GDĐT vào chương trình xây dựng luật 2002-2007, nhiều đại biểu QH còn muốn xây dựng và thông qua luật này chỉ trong một năm. Nhiều bộ ngành cũng muốn rút ngắn thời gian ban hành luật GDĐT vì nó là chỗ tựa để triển khai một số dịch vụ công như hải quan điện tử, thuế điện tử, hay ngân hàng điện tử.
Liệu với thời gian ngắn như vậy, dự luật có bảo đảm đủ tiêu chuẩn để QH thông qua?
Thời gian ngắn nhưng vẫn thuận lợi. Thứ nhất, tuy luật có phạm vi áp dụng cho mọi lĩnh vực kinh tế xã hội nhưng đối tượng điều chỉnh thu hẹp trong việc quy định yếu tố điện tử cho các giao dịch, nhằm mục tiêu công nhận giá trị pháp lý của GDĐT; như vậy đây không phải là một luật lớn.
Thứ hai, thế giới đã có khoảng 50 nước có những luật tương tự như luật GDĐT, luật chữ ký điện tử (CKĐT), luật thương mại điện tử (TMĐT), luật về chữa bệnh từ xa v.v... Liên Hợp Quốc cũng có luật mẫu về TMĐT. Do đó chúng ta có điều kiện tham khảo, học tập không chỉ phần xây dựng luật mà cả kinh nghiệm triển khai thực hiện sau khi ban hành.
Thứ ba, ban soạn thảo luật GDĐT gồm đại diện của 9-10 bộ ngành lớn và chuyên gia của các hội, hiệp hội liên quan đến điện tử, CNTT. Do vậy từ khâu xây dựng ý tưởng đến khâu soạn thảo nội dung luật đã có sự tham gia đóng góp của ngành liên quan. Ban soạn thảo cũng nhận được ý kiến đóng góp quý báu, trí tuệ của nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước. Đây là những hỗ trợ lớn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đảm bảo chất lượng của luật.
Luật ra đời sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngành và các luật khác?
Theo tôi, luật GDĐT được ban hành sẽ đẩy mạnh ứng dụng GDĐT trong các ngành. Ví dụ, ngành ngân hàng (NH) đã có Quyết Định 44 cho phép thực hiện thanh toán điện tử (e-payment) trong nội bộ các NH. Luật GDĐT sẽ là cơ sở pháp lý để NH triển khai mạnh hơn, vững chắc hơn hệ thống thanh toán điện tử không chỉ trong nội bộ các NH mà là giữa NH và đối tác. Vừa qua QH có thông qua luật kế toán, trong đó chương kế toán điện tử (KTĐT) quy định các vấn đề có liên quan đến dữ liệu điện tử, chứng từ KTĐT, sổ KTĐT... nhưng vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào công nhận giá trị pháp lý của các nội dung trên nên việc triển khai KTĐT khá khó khăn. Ngoài ra, sau khi luật GDĐT được ban hành, các nội dung liên quan đến tội phạm máy tính cũng cần được bổ sung vào Bộ Luật Hình Sự.
Vấn đề CKĐT được đề cập trong luật như thế nào, thưa ông?
CKĐT và chứng thực CKĐT (E. Signature and CA) là một trong những nội dung quan trọng của luật GDĐT. Tinh thần chính của chương này là công nhận giá trị pháp lý của CKĐT, các vấn đề có liên quan đến dịch vụ chứng thực điện tử và quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ này. Ngoài ra, tuân theo nguyên tắc “trung lập về công nghệ” khi xây dựng luật GDĐT, dự thảo luật không đề cập đến công nghệ cụ thể nào và khẳng định không công nghệ nào là duy nhất trong GDĐT. Nhiều quốc gia hiện nay đang sử dụng công nghệ chữ ký số (digital signature), Việt Nam trong tương lai gần cũng như vậy. Chữ ký số và chứng thực chữ ký số sẽ được quy định trong một nghị định chuyên về nội dung này.
Luật GDĐT có quy định cơ quan nhà nước (CQNN) phải bồi thường, hoặc bị xử phạt khi vi phạm luật?
Dự thảo luật có một chương về GDĐT của CQNN quy định trách nhiệm của CQNN về đảm bảo an toàn trong giao dịch, trách nhiệm khi hệ thống bị lỗi. Các cá nhân và tổ chức tham gia GDĐT đều bình đẳng trước pháp luật về nghĩa vụ và quyền lợi, dù cá nhân tổ chức đó là CQNN, doanh nghiệp hay người dân. Về xử lý khi có vi phạm, dự thảo luật có ghi: “ Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”
Theo ông, luật GDĐT có dễ đi vào cuộc sống?
Đây là luật mới, lại liên quan đến ngành công nghệ cao trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của ta trong lĩnh vực này còn yếu, do vậy còn nhiều việc phải làm để luật đi vào cuộc sống, trong đó vai trò của chính phủ rất quan trọng. Chúng ta có thể tham khảo cách làm của Hồng Kông trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này sau khi họ ban hành luật.
Ở góc độ hưởng ứng của các bộ, ngành, tôi rất lạc quan. Nhiều luật sau khi ban hành phải đợi nhiều năm mới có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Trong khi đó quán triệt quy định của luật “Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, ban soạn thảo đã chuẩn bị cùng một số bộ, ngành soạn thảo 5 nghị định hướng dẫn thi hành để trình Quốc Hội cùng với dự thảo luật. Một vài bộ, ngành còn mong muốn nghị định do bộ, ngành mình chuẩn bị được ban hành sớm, thậm chí trước luật, như nghị định về chữ ký số và xác thực chữ ký số do Bộ BCVT soạn thảo. Bộ Tài Chính, NH Nhà Nước cũng đang rất khẩn trương soạn thảo nghị định hướng dẫn triển khai GDĐT để có cơ sở pháp lý cho các dự án đã được triển khai vài năm nay mà báo chí đã nêu là đang đợi khung pháp lý như: Thanh toán điện tử, hải quan trực tuyến, thuế trực tuyến v.v... Gần đây bộ trưởng Bộ Thương Mại cũng có ý kiến cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành luật GDĐT tạo cơ sở pháp lý cho TMĐT và đáp ứng một số yêu cầu pháp lý khi gia nhập WTO.
Để luật nhanh chóng đi vào đời sống, cá nhân tôi nghĩ ta có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc: việc ban hành luật và nghị định có thể lệch thời gian đôi chút nhưng có cùng thời điểm có hiệu lực.