Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

FPT đền bù sự cố sập mạng: Có như không?

Sau sự cố sập mạng, hàng nghìn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của FPT lại một lần nữa đang ca thán về kiểu đền bù 'có mà như không' của công ty này.

Theo những mức đền bù được FPT công bố trên báo chí: Đối với các khách hàng sử dụng kênh thuê riêng leased line, khách hàng ADSL, dial-up trả sau (truy cập Internet qua mạng điện thoại) được đền bù khoản tiền tương đương tiền cước thuê bao ba ngày và khoản đền bù này được nhân lên 1,5 lần (ví dụ cước thuê bao 5đ/ngày x 3 ngày x 150%); và không tính cước lưu lượng trong ba ngày gián đoạn dịch vụ. Đối với các khách hàng Internet trả trước được cộng thêm 15 ngày sử dụng vào tài khoản cho các tài khoản đã kích hoạt và có giá trị sử dụng trong thời gian bị gián đoạn dịch vụ. Các khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trữ web (web hosting và server hosting), được đền bù khoản cước thuê bao ba ngày gián đoạn và được nhân lên 1,5 lần. Các khoản đền bù nói trên sẽ được khấu trừ trực tiếp trên hóa đơn cước tháng 5/2004 của khách hàng. Cũng theo số liệu Công ty truyền thông FPT công bố, với số lượng khách hàng sử dụng Internet hiện nay, tổng chi phí FPT phải đền bù khách hàng là 3,5 tỷ đồng.                   

'Vậy mà không phải vậy'

Anh Huy Hoàng, một khách hàng dùng FPT card bức xúc: 'Tôi thấy cách đền bù của FPT không hề thoả đáng. Nghe tổng số tiền đền bù thì to nhưng nếu phân tích kỹ thì chẳng khác nào một hình thức khuyến mại nhỏ giọt cho khách hàng. Có nhiều thiệt hại thậm chí không thể tính được bằng tiền hoặc tính ngay vào thời điểm này. Tôi dùng FPT card và được cộng thêm 15 ngày sử dụng, nhưng ai mà không biết rất ít người dùng hết số ngày gia hạn trên thẻ. Thẻ mệnh giá 300 nghìn được dùng trong vòng 1 năm mà tôi dùng khoảng 3-4 tháng đã hết tiền, lấy thêm 15 ngày mà để làm gì...'.

Chia sẻ bức xúc với VietNamNet, tất cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của FPT đều cho rằng, mức đền bù công ty này đưa ra nghe thì to tát nhưng rất không thoả đáng. Chẳng hạn như những ngày đường truyền chết, có sử dụng được đâu mà FPT đền theo kiểu 'không tính cước lưu lượng trong ba ngày gián đoạn dịch vụ'.

Ông Hoàng Văn Đạt - Quản trị hệ thống của Công ty Giải pháp Phần mềm Việt (VSS) ở 23 Điện Biên Phủ, Hà Nội cho biết: 'Công ty tôi thuê đường ADSL của FPT với mức thuê bao 250.000 đồng/tháng, ngoài ra dùng lưu lượng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Nếu tính theo cách đền bù của FPT thì tôi được đền bù 36.000 đồng. Quá nhỏ so với mức thiệt hại của chúng tôi. Trong 3 ngày toàn bộ công việc bị đình trệ, các e-mail giao dịch không đến được với khách hàng, nhân viên hầu như được nghỉ ngơi... Thậm chí, chúng tôi phải dùng điện thoại gọi đi điều đình với khách hàng và ra dịch vụ Internet để làm việc và gửi thông tin đến khách hàng hết tới vài trăm nghìn đồng... Đó là chưa kể đến những thiệt hại không đếm được cho uy tín của công ty với khách hàng nước ngoài'.

Công ty Vietsoftware hiện thuê đường leased line của FPT thì cho rằng: 'Hợp đồng đã thoả thuận FPT phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hàng tháng chúng tôi trả tiền thuê bao hơn 1 triệu đồng, nếu tính theo cách đền bù của FPT thì không nhiều. Công ty chúng tôi làm về phần mềm, sử dụng Internet rất nhiều trong công việc cũng như e-mail, e-comerce, mạng chết hầu như tất cả ngừng lại, lương vẫn phải trả cho nhân viên, công việc ngừng trệ mà các chi phí khác vẫn phải trả như tiền điện thoại, điện nước... Tiền đền bù không đủ để trả một phần chi phí của chúng tôi', anh Trương Mạnh Cường - Quản trị hệ thống của Vietsoftware nói.

Anh Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Quảng cáo Thời đại (2A Trần Hưng Đạo, Hà Nội): 'Tôi dùng ADSL của FPT, thuê bao 1 triệu/tháng. Trong công việc công ty tôi dùng Internet, nhất là thư điện tử rất nhiều, ngoài ra còn dùng Internet phone trong giao dịch với đối tác nước ngoài. Số tiền đền bù nếu tính theo cách của FPT thấp hơn rất nhiều so với tiền thiệt hại. Công ty tôi còn có chi nhánh ở miền Nam, trước trao đổi công việc qua mail nay phải buộc dùng điện thoại nên chi phí bị đẩy cao lên. Tôi chưa thấy FPT xin lỗi cũng như nói lại. Đền bù thế là không thoả đáng so với thiệt hại mà doanh nghiệp gặp phải'.

Ngay cả một chủ kinh doanh nhỏ như anh Bùi Minh Phương - chủ cửa hàng Internet, games online tại 105 D2, Đặng Văn Ngữ, Hà Nội - cũng gặp thiệt hại không nhỏ. Anh Phương đang dùng MegaNet của FPT, thuê bao một tháng là 1,1 triệu. Nếu tính theo cách đền bù của FPT, Anh Phương được đền khoảng gần 150.000 đồng trong khi 1 ngày doanh thu của cửa hàng anh khoảng 2 triệu. Ba ngày đó anh Phương ngồi chơi xơi nước vì không có khách.

Không có cam kết trong hợp đồng thì phải chịu

Ông Thái Quang Vàng - Giám đốc truyền thông của Công ty VMC (TP.HCM) lại 'thương thay' cho người tiêu dùng Việt Nam vì bao giờ cũng ở thế yếu. 'Doanh nghiệp chúng tôi như cá nằm trên thớt, buộc phải chấp nhận thiệt hại thôi bởi tôi cũng chưa thấy quy định nào của pháp luật nói về mức đền bù cụ thể cho khách hàng trong trường hợp này nên đành chịu. Nếu tính ra có những hợp đồng bị đình trệ mấy trăm triệu thì ông FPT đền bù thế nào đây? Nhìn chung các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hiện nay rất tệ. Nhiều khi người dùng không có cơ hội lựa chọn, dịch vụ của chúng tôi chỉ có thế, đồng ý thì xài nếu không thì thôi'.

'FPT và khách hàng đã không có cam kết gì cụ thể nên bây giờ dựa vào cái gì mà bắt 'ổng' đền. Hợp đồng của chúng tôi với FPT không ghi câu nào rằng nếu đường truyền chết thì đền bù như thế nào. Người tiêu dùng hiện nay đang ở tình thế bị động. Tôi cũng chẳng biết số tiền 3,5 tỷ đền bù họ đưa ra đúng hay không, đó là con số FPT tung ra thôi chứ lấy gì kiểm chứng', ông Vàng nói. 

Ông Vàng cho rằng, Công ty VMC là công ty dịch vụ. Chúng tôi thuê dịch vụ của họ là để làm ăn, chuyện thiệt hại đâu phải mấy trăm nghìn mà mất cả tỷ. Đến giờ phút này chưa thấy ai ở FPT đến nói với tôi chuyện đền bù gì hết ngoài việc nhận được một mail của Trương Đình Anh nói mạng trục trặc và sẽ sửa trong thời gian sớm nhất. Tôi lại xài ADSL, xài theo dung lượng, trong 3 ngày đó mạng chết không xài gì hết làm sao tôi nhận được tiền đền? Những giao dịch của tôi bị ngừng trệ. Công ty ông Vàng đang tính chuyện sau vụ này chuyển sang sử dụng VNN.


Cuối giờ chiều 26/5, ông Trương Đình Anh thông báo: 'Tôi xin khẳng định là mức đền bù sẽ thỏa đáng'.

Theo thông tin từ Công ty FPT, công ty này có hai hệ thống truyền dẫn là TVH (Thái Lan - Việt Nam - Hồng Kông) và SMW3. Hiện nay, tuyến TVH đã hết dung lượng nên khi SMW3 bị tê liệt hoạt động mạng Internet của FPT mới bị 'sập' bởi không có đường ứng cứu. FPT đã không có đường dự trữ dẫn tới hàng trăm nghìn khách hàng của FPT bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI thì cho biết: 'Chúng tôi đã đề nghị FPT thuê một đường 45 Mbps có phục hồi không tính chi phí cho FPT mà chỉ cần đàm phán để trả phí cho phía đối tác Hồng Kông nhưng FPT đã không đồng ý nên việc khắc phục sự cố có thể sẽ bị kéo dài. Hàng chục nghìn thuê bao e-mail của FPT đã ngưng hoạt động và không ít website quan trọng như của báo Thanh Niên, Người Lao Động, Ngân hàng Vietcombank đã tê liệt. 
 

'Không đền còn hơn'

Anh Trần Sĩ Nam Hồng - kiểm soát chất lượng của Công ty PVH (www.pvh .com) tại Việt Nam (Sài Đồng - Gia Lâm, Hà Nội) cho biết công ty anh đang dùng dial up của FPT, khoảng hơn 500.000đ/tháng. Mấy ngày sập mạng FPT, công việc của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng rất nhiều. 'Các thông tin trao đổi liên lạc từ bên mình đến công ty mẹ ở Hồng Kông bị gián đoạn từ thứ 3 đến cuối tuần. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể truy cập vào sever của mình được bởi công ty mẹ ở Hồng Kông. Bây giờ dùng FPT không thể check mail từ bên công ty mà chúng tôi phải dùng VNN 1269, mỗi ngày PVH phải dùng ít nhất 4-5 tiếng truy cập liên tục qua 1269. Các khoản cước phí hẳn không nhỏ'.

'Tại sao trong thời gian xảy ra sự cố FPT không thường xuyên thông báo tới khách hàng những diễn biến sự cố được khắc phục tới đâu rồi. Đến bây giờ chúng tôi vẫn chỉ vào Internet được bằng dịch vụ của FPT chứ chưa thể check mail được, hàng tuần nay không thể biết FPT đã khắc phục sự cố được chưa, đã dùng được đường truyền chính chưa, bao giờ dịch vụ được sử dụng bình thường. Chúng tôi cũng rất cần những thông tin này để thông báo lại với bộ phận IT của công ty mẹ bên Hồng Kông. Ngay cả những thông tin đền bù cho khách hàng cũng chỉ đọc được trên báo.

Mình làm bên lĩnh vực sản xuất, nếu không nhận được những thông tin sửa đổi mẫu thiết kế ngay thì dẫn tới tình trạng sản xuất ra hàng triệu sản phẩm bị lỗi, thiệt hại không thể kể hết. Hiện những thông báo đánh giá sản phẩm của tôi về công ty người ta vẫn đang giục vì chưa nhận được. Tôi nghĩ nhiều công ty khác ảnh hưởng kinh tế còn nặng hơn. Nếu FPT công bố mức đền bù như thế thà không đền bù còn tử tế hơn vì khách đã ấm ức thiệt hại rồi lại thêm một sự gọi là đền mà chẳng giải quyết được gì. Mức đền bù FPT đưa ra chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng mang tiếng là đền. Thuê bao của tôi 30.000 đồng/tháng. Tính đền bù là 4.500 đồng ( bằng một cốc cà phê), quá ít so với mức thiệt hại của chúng tôi', anh Hồng nói.

Anh Hồng cũng cho biết anh đã gặp trục trặc với FPT không phải một lần: '

Tôi dùng Dial up của FPT mỗi tháng tầm hơn 1 triệu. Tết vừa rồi nhận được mail từ anh Trương Đình Anh thông báo là tặng cho tôi  thẻ Internet phone 300.000 VND. Lần thu tiền tháng 1, nhân viên thu tiền Internet quên không mang thẻ Internet phone cho tôi. Tôi gọi lên FPT thì được thông báo là lần thu tiền của tháng 2 sẽ mang thẻ đến. Đến lần thu tiền tháng 2 thì... lại quên. Gọi cho FPT thì được trả lời anh cứ lên 75 Trần Hưng Đạo sẽ được nhận thẻ. Hôm trước lên 75 Trần Hưng Đạo hỏi thì được 1 cô bé khá xinh trả lời... Xin lỗi anh vì FPT quy định là những khách hàng chưa nhận thẻ vào đợt 1 sẽ được đưa đến vào đợt 2... và vì đợt 2 người của chúng em quên không đưa cho anh nên giờ chúng em đã khoá sổ, mong anh thông cảm'.

Còn một khách hàng khác thì phàn nàn: 'Có lần người của FPT quên đến thu tiền Internet, thế là đến hết ngày 15 tháng tiếp theo đó account của tôi bị khoá luôn. Gọi điện hỏi thì Anh không đóng tiền, chúng tôi cắt, nếu anh muốn mở account thì lên 75 Trần Hưng Đạo mà đóng tiền. Phải lọ mọ lên còn suýt bị tính lãi do trả quá hạn...'.

Các tin tức khác:

Mất bao lâu để khống chế một PC kém bảo vệ?

Văn phòng Quốc hội khai trương thư viện điện tử

Google sẽ tiết lộ một số mã nguồn

Quỹ Đầu Tư Mạo Hiểm: Xa Mà Gần

Hai thách thức lớn nhất của Microsoft

Olympic tin học sinh viên 2005 sẽ không dùng đĩa mềm

Có điên không, Internet cho cư dân nghèo?

Spammer thích nghi nhanh với 'bẫy spam'

Bưu điện Hà Nội: Miễn phí tư vấn các dịch vụ BCVT

Dịch vụ GPRS: tính cước theo lượng dữ liệu truy cập

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone