Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Dùng tia laser thiết lập kết nối mạng
Một công ty viễn thông Ấn Độ đang áp dụng kỹ thuật này để khắc phục khó khăn trong việc xây dựng các mạng dữ liệu và điện thoại. Những "cây cầu ánh sáng" có thể hoạt động trong khoảng cách 4 km với thời gian thiết lập nhanh hơn nhiều so với kết nối cáp.
Hãng Tata Teleservices sử dụng laser để thiết lập kết nối ở đoạn km mạng cuối cùng giữa mạng chính của họ với địa điểm của khách hàng. Trong một năm qua, công nghệ này đã giúp công ty mở thêm rất nhiều mạng mới tại hơn 700 địa điểm.
“Với địa hình đô thị như ở Ấn Độ, việc xin phép đào đường đặt cáp hay đường ống là một việc khá khó khăn do giao thông đông đúc và hạ tầng hiện có dưới đất”, R. Sridharan, Phó chủ tịch phụ trách mạng của Tata, cho biết. Theo ông này, ở một số địa điểm thậm chí chính quyền không cho phép thi công. Do đó, nhiều khi việc xin triển khai dây mạng trên các mái nhà lại dễ dàng hơn.
Thực tế này đã dẫn đến việc Tata chuyển sang các thiết bị sử dụng tia laser để kết nối. Hệ thống này xử lý cả dịch vụ điện thoại và dữ liệu từ các doanh nghiệp qua mạng chính của Tata. Dữ liệu được “bắn” qua không gian dưới dạng các xung nhịp laser. Tốc độ truyền dữ liệu có thể đạt 1,25 Gb/giây, tức là nhanh hơn 2.000 lần so với mức 512 Kb/giây của kết nối băng thông rộng. Tuy nhiên, Tata đang áp dụng cơ cấu phần cứng ở một tốc độ khiêm tốn hơn: 1-2 Mb/giây.
Việc sử dụng tia laser là một biện pháp lý tưởng trong điều kiện thời tiết như ở Ấn Độ. “Công nghệ này rất phù hợp do lượng mưa ở đây thấp và rất hiếm khi có sương mù”, Sridharan nói. “Ở những nơi mưa nhiều và hay có sương mù, việc duy trì sự ổn định của kết nối laser là rất khó khăn. Một khi chúng tôi xin được giấy phép, thời gian thiết lập thông thường có thể chỉ còn là vài tiếng so với thời gian vài tháng nếu đào đường đặt cáp. Tốc độ và thời gian luôn là những yếu tố quan trọng trong cạnh tranh mà”.