Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Dự án eLàngViệt: Thông tin cho bảy làng xã Việt Nam
Dự án mang tên "e-LàngViệt" sẽ đưa một hệ thống thông tin tổng hợp về kinh tế, thương mại, nông-lâm nghiệp, giáo dục, y tế,... tới nông dân Việt Nam, thông qua mạng Internet và những ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông.
Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu về hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các nước đang phát triển của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), giai đoạn đầu e-LàngViệt sẽ triển khai thử nghiệm với bảy làng xã Việt Nam: xã Phú Mỹ (tỉnh An Giang), Khang Ninh (Bắc Cạn), La Phù (Hà Tây), Minh Lãng (Thái Bình), Tứ Quận (Tuyên Quang), Diên Thành và Quỳnh Lương (Nghệ An).
Từ sáng kiến của một Việt kiều yêu nước...
TS Trần Văn Thình (Paul Trần), cựu Đại sứ của EU tại GATT (GATT là tiền thân của Tổ chức thương mại thế giới WTO - NV), hiện làm việc tại UNCTAD, là người khởi xướng đưa dự án này về Việt Nam. Ông đã nỗ lực làm việc với phía LHQ, các tổ chức tài chính nước ngoài, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan của Việt Nam để tạo ra một dự án tài trợ với nhiệm vụ phổ cập thông tin và kiến thức thực tế cho nông dân Việt Nam.
Trong các buổi đàm phán, ông Trần Văn Thình thường so sánh việc thực hiện dự án e-LàngViệt tại các làng xã vùng sâu, vùng xa Việt Nam với biểu tượng con trâu trên đồng ruộng Việt Nam: mặc dù di chuyển hơi chậm chạp nhưng lại có một sức mạnh âm thầm, sự ngoan cường và sức bền bỉ.
Mô hình chỉ chú trọng thông tin
Dự án sẽ chỉ tập trung vào thông tin (về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, về nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, sức khỏe..., thông tin thiết thực cho bà con nông dân, giúp họ có thể tự quyết định việc trồng cây gì, nuôi con gì, bán nông phẩm ở đâu được lợi nhất,...) chứ không phải là đầu tư nhiều cho hạ tầng thiết bị, máy móc.
Ông Phạm Tất Thắng - giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Thương mại, trưởng Ban quản lý Dự án phía Việt Nam cho biết: Số lượng cơ sở vật chất như máy tính, thiết bị nối mạng Internet chỉ đầu tư đủ để truyền tải các nội dung thông tin, còn mức đầu tư chính sẽ dành cho việc duy trì hệ thống thông tin, nguồn cung cấp thông tin, đội ngũ xử lý thông tin,... Bởi mục đích của Dự án không phải là đầu tư hạ tầng tài sản vật chất 'sờ được', như hy vọng của một số địa phương.
Giống như một số dự án phổ cập tin học cho các vùng nông thôn, miền núi, đưa công nghệ thông tin (CNTT) và Internet về làng xã, eLàngViệt cũng vậy. Mạng thông tin eLàngViệt sẽ được thiết lập và hoạt động trên mạng Internet. Ông Thắng nhấn mạnh tới hai vấn đề chú trọng của eLàng Việt: Nội dung thông tin sẽ bằng tiếng Việt, thậm chí có thể sẽ là tiếng địa phương, tiếng dân tộc, sao cho người dân của địa phương đó dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất; và đội ngũ cán bộ trẻ làm nhiệm vụ hướng dẫn nông dân cách thức sử dụng máy móc và tiếp nhận thông tin. Đội ngũ này sẽ được đào tạo một cách cẩn thận, đảm bảo phương pháp truyền đạt gần gũi, thực tế.
Một bước thực hiện quan trọng mà Dự án sẽ làm, theo ông Thắng, là tuyên truyền mạnh qua hệ thống phát thanh của làng xã, để cho toàn bộ nông dân có thể nghe, hiểu và thấm nhuần dần lợi ích của mạng thông tin eLàngViệt. Ngoài ra, đội ngũ huấn luyện sẽ có kế hoạch triển khai hướng dẫn trước tiên cho các thanh thiếu niên, học sinh của mỗi gia đình, nhằm tạo sự tin tưởng và sức hút dần dần cho các bà mẹ, ông bố và mọi người thân trong khắp làng xã, thôn bản.
Bên cạnh thông tin tra cứu trên mạng Internet, dự án eLàngViệt còn dự định sẽ đưa về làng xã cả các ấn phẩm, sách báo, tài liệu, tạp chí,... nhằm bổ sung thông tin cần thiết cho bà con nông dân.
Đến đâu rồi, triển khai ở thì hiện tại?
Dự án eLàngViệt được bắt đầu triển khai đàm phán từ tháng 5/2003. Đến tháng 3/2004, một bản thỏa thuận được ký kết giữa cựu đại sứ Paul Trần Văn Thình, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ và đại diện bảy thuộc sáu tỉnh được chọn.
Tháng 7/2004, Tổng thư ký UNCTAD và Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam cũng đã ký bản ghi nhớ chính thức triển khai Dự án. Các chuyên gia và nhiều đoàn khảo sát đã về thực địa tại các địa phương để thu thập số liệu về sản xuất đời sống, nắm bắt nhu cầu cuộc sống của các làng xã.
Trước mắt, Ban quản lý Dự án sẽ chọn các làng xã đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, đã có các điều kiện về: đường xá, địa điểm trung tâm, đường truyền tải điện, viễn thông, điểm Bưu điện Văn hóa xã,... Ông Phạm Tất Thắng cho biết: Dự án sẽ tiếp tục triển khai vào giai đoạn mới trong tháng 10/2004 và dự kiến sẽ hoàn thành để nông dân có thể sử dụng vào đầu năm 2005 tới.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Bắc Kạn | |||
Chúng tôi hiện chưa chuẩn bị được gì cả, vì cũng chưa biết người ta (Ban dự án) định triển khai cái gì? Nghe nói họ định làm với quy mô lớn lắm, còn nếu chỉ có dăm ba cái máy tính, nối mạng, tra cứu, rồi sau này để mình tự lo thì cũng chẳng có gì ghê gớm cả!... Họ cứ nói rằng giá trị của mỗi mô hình tại làng xã của chúng tôi là bao nhiêu bao nhiêu đấy,... nhưng thực chất giá trị mà chúng tôi được hưởng có được đúng như vậy không? |
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết: Điểm khác biệt của e-LàngViệt so với một số dự án khác nằm ở chỗ nguồn tiền thực hiện không phải từ ngân sách quốc gia, mà là tài trợ từ LHQ và sự huy động hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài của Ban dự án, mà đầu mối chính là cựu Đại sứ Paul Trần Văn Thình. Mặc dù vậy, tổng giá trị nguồn tài trợ huy động ấy không xác định được chính xác ngay từ ban đầu.
Do đó, ông Thắng cho rằng Dự án sẽ bắt đầu thực hiện ở phạm vi hẹp, nếu thành công và huy động được thêm nguồn tiền tài trợ thì sẽ mở rộng và kế hoạch là sẽ mở rộng tới tất cả làng xã, tỉnh thành của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Luận, giám đốc Sở Thương mại Hà Tây |
Chúng tôi chưa thấy triển khai thực tế gì, vì chưa có kinh phí mà! Hình như các anh ấy còn về nước huy động?... Tôi cũng không biết thông tin là tháng 10/2004 sẽ triển khai, nên chưa có bố trí lực lượng sẵn sàng. Chúng tôi chờ khi nào họ chính thức huy động thì sẽ bố trí ngay... |
Trả lời thắc mắc của PV VietNamNet về việc nếu... lỡ không huy động được thêm tài trợ, dự án sẽ dang dở, giám đốc Ban quản lý Dự án Phạm Tất Thắng giải thích: "Ban dự án phía nước ngoài đã huy động được một khoản "hòm hòm" rồi, và tất nhiên là họ cũng đã "nhắm" được các nguồn khả thi nên hiện giờ Dự án mới được triển khai như vậy. Bắt đầu có các chi phí: hội họp, khảo sát thực địa, chuyên gia,... Tôi cho rằng đây là một tham vọng lớn, muốn làm được thì phải phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp trong và ngoài nước, phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của cựu đại sứ Paul Trần Văn Thình".
Mức chi phí cho giai đoạn tiền khả thi được dự tính trong bản báo cáo bao gồm: chi phí cho các hoạt động triển khai trong nước là 151.110 USD (chi phí cho Ban quản lý Dự án, các chuyên gia CNTT-Viễn thông, giáo dục, y tế, nông nghiệp, sinh viên hướng dẫn, thiết bị máy móc. Chi phí cho các hoạt động triển khai ngoài nước là 88.890 USD, và 13% chi phí quản lý khác. Tổng chi phí cho giai đoạn tiền khả thi ước tính khoảng 271.200 USD.
Trong báo cáo tiền khả thi cũng có ghi: Dự án sẽ có phần nghiên cứu và tư vấn của trường Đại học An Giang; đội ngũ cán bộ hướng dẫn sử dụng cho nông dân của bảy làng xã sẽ do trường Đại học An Giang đảm nhiệm. Giám đốc Ban quản lý Dự án Phạm Tất Thắng giải thích: Điều đó có nghĩa là trường Đại học An Giang sẽ cử sinh viên của họ dưới dạng đi làm tình nguyện (nhưng vẫn được hưởng bồi dưỡng của Dự án) đến điều tra khảo sát thực địa, thu thập nhu cầu thông tin và đào tạo cho các làng xã.
Tuy nhiên, ngoại trừ tỉnh An Giang - nơi sinh viên tại đây có thể dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ, điều bất cập có thể nhìn thấy là khoảng cách gần 2.000km tới năm tỉnh còn lại ở phía Bắc sẽ là điều kiện không thuận lợi để đội ngũ hướng dẫn viên này có thể hoàn tất trách nhiệm được giao, và sẽ làm tăng thêm chi phí của dự án! Liệu Dự án sẽ có phương án thứ hai, chẳng hạn vận động và tập hợp sinh viên của các trường ĐH, CĐ, Trung học ở phía Bắc tham gia "xoá mù" tin học và phổ cập thông tin cho năm làng xã ngoài ấy?