Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
"Đội hình 112" tiêu biểu...
Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, đội hình tiêu biểu này gồm những địa phương, những đơn vị đã và đang triển khai chương trình Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Họ đã đạt được những kết quả nhất định...
Thực tiễn triển khai Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (theo Quyết định 112/2001/QĐ-Ttg ngày 25/7/2001 của Thủ Tướng Chính Phủ, gọi tắt là Đề án 112) ở tất cả các tỉnh, thành phố, Bộ ngành từ khi quyết định ban hành ra đến nay được coi là "quá chậm chạp". Bắt đầu từ đâu? Làm như thế nào? Làm với ai? Áp dụng chuẩn nào, cơ chế nào?... là những câu hỏi phổ biến nhất trong cái quá trình triển khai khó khăn ấy!
Có một số rất ít các đơn vị sau đây được đề cập tới như là những tấm gương trong hành trình đi tới kết thúc Đề án 112 vào năm 2005 tới.
"Đội hình" cấp tỉnh, thành phố
Lào Cai: Đây là một trong số ít địa phương xây dựng được một mạng thông tin cấp tỉnh, mang lại hiệu quả xã hội rõ nét nhất: mạng LaocaiNet. Đó là mạng Intranet của UBND tỉnh Lào Cai, nối Internet bằng một kênh thuê riêng với tốc độ ban đầu là 384Kbps cho tất cả các cán bộ, đảng viên và nhân dân truy cập, sử dụng. Một mạng thông tin dùng chung, miễn phí (kể cả truy cập Internet) đã tạo ra cơ hội thuận tiện cho đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh làm quen với môi trường thông tin điện tử mới lạ và hấp dẫn. Một cách tự nhiên, LaocaiNet trở thành "góc học tập", "sân chơi" và "trung tâm thông tin"... chung của cả tỉnh. Đây cũng là hạ tầng kỹ thuật giúp các ứng dụng quản lý hành chính nhà nước vượt ra khỏi phạm vi nội bộ một đơn vị để vươn tới phạm vi toàn tỉnh. Hiển nhiên, hệ thống "xử lý văn bản, hồ sơ công việc" được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh mới thật sự là đích đến của dự án tin học hóa này.
Việc sử dụng ngay LaocaiNet để tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng về tin học cho hàng trăm lượt người ở tất cả các huyện, thị trên vùng núi Tây Bắc còn nhiều khó khăn này mang nhiều ý nghĩa. UBND tỉnh Lào Cai khẳng định hai điểm nhấn trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh là "Cửa khẩu điện tử" và "Du lịch văn hóa". Thông tin nhiều hơn về tỉnh Lào Cai tại website www.laocai.gov.vn.
Đà Nẵng: Thành phố công nghiệp rất năng động ở miền Trung này là nơi bắt buộc tất cả các cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước phải được đào tạo về tin học (ở nhiều cấp độ). Điều này tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ từ phía các nhà quản lý - hiện tượng khá hiếm hoi trong cả nước. Nét riêng trong tin học hóa ở Đà Nẵng là tất cả các vị lãnh đạo hàng đầu thành phố đều trực tiếp vào cuộc chứ không chỉ ủng hộ.
Xem Đà Nẵng làm cầu, giải tỏa, phát triển hạ tầng, an dân,... người ta có thể hình dung Đà Nẵng sẽ phát triển CNTT như thế nào. Ông Hoàng Tuấn Anh, chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã khẳng định như đinh đóng cột: "Đà Nẵng quyết tâm xây dựng Thành phố điện tử với mục tiêu đến năm 2010, những hoạt động quan trọng nhất của xã hội (quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và giáo dục) về cơ bản sẽ hoàn thành tin học hóa và tích hợp trên mạng thông tin thành phố".
Là thành phố cấp 1 nằm giữa hành lang công nghệ cao tương lai của miền Trung, Đà Nẵng đang phấn đấu để xứng đáng với vai trò thành phố trung tâm của khu vực. Hướng chiến lược mà UBND thành phố lựa chọn trong phát triển CNTT là xây dựng những nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế tri thức tương lai, trong đó, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao được xem là trục phát triển chính. Có thể tìm thêm thông tin ở www.danang.gov.vn
Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai: Là đơn vị gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhất trong ứng dụng CNTT phục vụ điều hành công việc hàng ngày của mình ở cấp văn phòng. Đơn vị này được thừa hưởng một hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và khá mạnh trong tòa nhà trụ sở HĐND-UBND tỉnh mới xây dựng. Mạng LAN phân tầng trong tòa nhà này được kết nối với mạng diện rộng WAN sử dụng công nghệ vô tuyến để kết nối với các mạng LAN của Tỉnh ủy và các đầu mối thông tin quan trọng nhất trong tỉnh. Mạng LAN của UBND tỉnh kết nối ADSL với Internet và nối với các huyện, thành phố Biên Hòa trong tỉnh bằng kênh điện thoại.
Kết quả quan trọng nhất là văn phòng UBND tỉnh đã xây dựng được một hệ thống thông tin (HTTT) điều hành tác nghiệp hoạt động trên hạ tầng kỹ thuật đó. Công việc của tất cả các cán bộ trong VP được thể hiện rõ ràng trong HTTT. Các thông báo của UBND tỉnh gửi các sở ngành, huyện thị và báo cáo từ các đơn vị này gửi về VP UBND tỉnh đều thực hiện qua mạng. Theo báo cáo của VP UBND tỉnh thì chỉ sau một năm ứng dụng, VP đã tiết kiệm được 50 triệu đồng tiền mua giấy in và báo. Trong HTTT này, chúng ta còn thấy sự hiện diện của các phần mềm xử lý văn bản hồ sơ công việc (công văn đi - đến), phần mềm tích hợp thông tin, điểm báo, hướng dẫn kỹ thuật... Tất cả đều trên nền web. Trung tâm Tin học thuộc VP chính là tác giả của hệ thống này. Website: www.dongnai.gov.vn
"Đội hình" cấp Sở, ngành
Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM: Từ năm 1996, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) TP.HCM luôn giữ vững ngọn cờ đầu trong tin học hóa quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đây chính là nơi đã hình thành dịch vụ công đầu tiên trong cả nước: đăng ký kinh doanh qua mạng. Tính đến tháng 10/2004 đã có 40% trong tổng số hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Sau tám năm thực hiện tin học hóa, đến nay tất cả các chức năng quản lý nhà nước quan trọng nhất của Sở đã được nhúng trong môi trường thông tin điện tử, tất cả các chuyên viên đều sử dụng thành thạo các hệ thống ứng dụng được cài đặt đến từng vị trí công tác trong mạng LAN của Sở. Mạng này được nối với cổng hành chính điện tử của Thành phố (Cityweb) bằng kênh thuê riêng phục vụ đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp và người có nhu cầu. Kết quả tin học hóa ở Sở KHĐT TP.HCM đã được kiểm nghiệm, hiệu chỉnh, bổ sung, mở rộng theo thời gian nên có độ sâu ít nơi nào có được.
Với căn bản đó, có thể dự đoán trong thời gian không xa nữa, Sở KHĐT TP.HCM sẽ trở thành "Sở điện tử" (e-department) đầu tiên trong cả nước. Được biết Sở KHĐT TP.HCM đã chuyển giao công nghệ cho một số Sở KHĐT của tỉnh bạn và có kết quả khả quan. Rõ ràng kế thừa là cách tốt nhất, tiết kiệm nhất cả về thời gian lẫn tiền bạc thì tại sao cứ phải làm lại từ đầu? Để có thêm thông tin, bạn có thể truy cập website www.dpi.hochiminhcity.gov.vn
Sở KH-CN Đồng Nai: Người ta thường có ấn tượng các Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) có nhiều lợi thế nhất trong tin học hóa vì từ nhiều năm nay, Sở KHCN là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, cũng như về công nghệ. Thực tế cho thấy ở bình diện chung trong cả nước, các Sở KHCN đúng là có nhỉnh hơn các sở ngành khác trong lĩnh vực ứng dụng tin học. Trong số đó, Sở KHCN tỉnh Đồng Nai nổi lên như một điển hình gắn cải cách hành chính với tin học hóa. "Tổ chức đi trước, tin học đi sau" là nguyên tắc triển khai các Dự án 112 ở sở này.
Việc áp dụng ISO hóa các quy trình quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã tạo ra một con đường tương đối "bằng phẳng" để tiến hành tin học hóa. Mạng LAN trong sở phục vụ đến từng vị trí công tác và tất cả các chuyên viên trong sở đều bắt buộc phải sử dụng hệ thống mới giải quyết được công việc hàng ngày. Nhờ "môi trường thông tin làm việc chung" này mà mọi người có thể thấy toàn cảnh các hoạt động trong sở chứ không chỉ một phần của bức tranh ấy như trước đây. Sở KHCN Đồng Nai không xây dựng toàn bộ hệ thống phần mềm, từ thiết kế đến cài đặt mà dựa vào kết quả ISO hóa mà tìm kiếm hệ phần mềm có sẵn nào đáp ứng được nhiều nhất các yêu cầu đặt ra thì tiếp nhận (công nghệ), điều chỉnh cho phù hợp và mở rộng dần. Có thể tìm hiểu thêm thông tin qua địa chỉ www.dost-dongnai.gov.vn.
"Đội hình" cấp quận, huyện, thị xã
Phan Thiết: Năm 1998, Phan Thiết kỷ niệm 100 năm lịch sử hình thành và phát triển của mình và nhận quyết định của Chính phủ nâng từ thị xã lên thành phố cấp 3. UBND thành phố quyết định xây dựng một mạng thông tin hành chính phục vụ công tác thông tin trong điều hành quản lý hành chính nhà nước của UBND thành phố. Đó là mạng Intranet hành chính sớm nhất trong cả nước, nối giữa trụ sở UBND thành phố với các phường xã thuộc thành phố qua modem. Nội dung thông tin đầu tiên được đưa lên website là các văn bản UBND TP gửi các địa phương, sau đó là các nội dung hướng dẫn thủ tục hành chính. Từ năm trạm thử nghiệm ban đầu, chỉ sau ba năm, mạng thông tin hành chính Phan Thiết đã phủ đến tất cả 18 phường xã trong cả thành phố và hoạt động ổn định cho đến nay. Có thể trình độ công nghệ ở đây còn hạn chế nhưng ý nghĩa xã hội thì không nhỏ vì lúc đó (1998) Phan Thiết thiếu đủ thứ (nhân lực, kinh phí, kỹ thuật...) nhưng quyết tâm lại có thừa.
Nguyên tắc chọn "đội hình tiêu biểu"
Có hai cách tiếp cận vấn đề, hoặc theo kiến trúc hệ thống, hoặc theo chức năng quản lý.
Cách thứ nhất: Tìm hiểu kết quả tin học hóa bằng cách phân tích bốn yếu tố nền tảng kiến tạo nên hệ thống đã được xây dựng như thế nào (đó là cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT).
Cách thứ hai: Tìm hiểu đơn vị nào trong nước đạt kết quả tin học hóa khả quan nhất với cùng một chức năng quản lý, thành công toàn diện hay một phần, họ đã gặp khó khăn gì và vượt qua bằng cách nào?
Theo chúng tôi, nếu điều kiện cho phép thì nên phối hợp cả hai phương pháp này vì cách thứ nhất giúp chúng ta có cái nhìn hệ thống, tổng thể, còn cách thứ hai lại cho kết quả cụ thể, thực tế và đơn giản. Ở góc độ phục vụ các nhà quản lý, người viết chọn cách thứ hai, dựa trên một số tiêu chuẩn như sau:
- Đã đưa vào ứng dụng thực tế và thu được những kết quả đo được.
- Đã báo cáo tại hội nghị chính thức về ứng dụng CNTT (cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp tỉnh)
- Đã được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như một điển hình để tham khảo.
Dựa trên những tiêu chuẩn này, người viết đã nhận diện ra một đội hình tạm gọi là tiêu biểu, để có thể tham khảo và rút ra các bài học kinh nghiệm.
"Đội hình 112 tiêu biểu" được giới thiệu trên đây chỉ là kết quả của một cách chọn của tác giả. Có thể có nhiều cách chọn khác, với những tiêu chuẩn khác và cho những tổ hợp đội hình khác. Mục đích của tác giả là tìm hiểu những kết quả và kinh nghiệm tin học hóa trong thực tiễn để người đọc cá thể học tập và đẩy nhanh hơn quá trình tin học hóa trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chứ không vì mục đích xếp hạng!
Nguyễn Tuấn Hoa (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)