Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Doanh nghiệp viễn thông mới ra đời... buồn!
“Trước động thái giảm giá cước của các nhà khai thác chiếm thị phần khống chế (như VNPT), chúng tôi cho rằng những nhà khai thác mới, thị phần nhỏ sẽ khó khăn, tốc độ phát triển thuê bao mới sẽ bị ảnh hưởng”.
Đó là lời của đại diện của S-Fone nói với Tuổi Trẻ chiều hôm qua, 22-7...
S-Fone cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Bưu chính - viễn thông VN nên có một qui định rõ ràng về lộ trình giảm cước áp dụng cho từng doanh nghiệp một cách cụ thể, nhằm không ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà khai thác mới.
Như ở Hàn Quốc, mạng SKT chỉ được cho phép nắm giữ từ 50-55% thị phần, khi vượt quá mức này họ sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng gấp nhiều lần trên số thuê bao phát triển thêm. Theo S-Fone, điều này giúp hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh bằng “cuộc đua giảm giá cước”, có lợi trước mắt cho người tiêu dùng nhưng lại không đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của cả ngành viễn thông.
Theo phân tích của giới chuyên môn, đối với doanh nghiệp viễn thông có thị phần khống chế như VNPT thì việc giảm cước có thể ảnh hưởng rất ít đến hoạt động kinh doanh. Nhưng với các doanh nghiệp viễn thông mới thì khi mức cước các dịch vụ viễn thông liên tục biến động sẽ là một điều hết sức khó khăn, dù việc giảm cước đó trước mắt rất có lợi cho người tiêu dùng.
Đó là chưa kể đến việc do hiện nay VNPT hầu như độc quyền nắm giữ cơ sở hạ tầng viễn thông, cho thuê kênh truyền dẫn và các cơ sở hạ tầng khác... nên giá thuê đường truyền trong nước và quốc tế của VNPT cao hơn so với các nước khác, dẫn đến giá thành dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông mới vẫn ở mức cao.
Bất hợp lý hơn, hiện nay S-Fone mới chỉ phủ sóng chính thức 12 tỉnh, thành phố nhưng vẫn phải đóng lệ phí tần số cho tất cả 64 tỉnh, thành. Ngoài ra, S-Fone cho rằng cước kết nối chưa phản ánh được chênh lệch giá thành của nhà khai thác có thị phần khống chế và nhà khai thác mới.
S-Fone đề nghị cần tăng khoảng cách cước kết cuối cho mạng di động giữa doanh nghiệp mới và doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế lên 40% (so với 15% như hiện nay).