Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Doanh nghiệp điện tử: Đừng chờ... bảo hộ!
Mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính, thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho rằng hiện nay, đối với ngành sản xuất, lắp ráp điện-điện tử Việt Nam, chính sách thuế đúng đắn là đưa thuế suất CEPT/AFTA để giữ thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trong nước vốn từ trước tới nay vẫn phải tìm kiếm nguồn hàng từ ASEAN.
Cho đến thời điểm này, không được như mong muốn của đại diện các DN điện tử, Bộ Tài chính có thể vẫn duy trì chủ trương sẽ không giảm đồng loạt thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng điện tử xuống 0% để ngang bằng với lộ trình cắt giảm thuế quan trọng CEPT/AFTA (năm 2005 thuế suất của các sản phẩm điện tử sẽ giảm xuống 5% và vào năm 2006 là 0%). Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra chủ yếu là vấn đề dung hoà giữa lợi ích các DN đã có thể đầu tư, sản xuất một số linh kiện phụ tùng trong sản phẩm cũng như tránh gây sức ép trước thềm gia nhập WTO.
Sẽ giữ nguyên thuế suất và lộ trình giảm thuế
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên thuế suất và lộ trình giảm thuế như hiện hành với hầu hết các nhóm linh kiện và phụ tùng. Điều này dễ hiểu ở nhóm các sản phẩm hiện có mức thuế suất MFN từ 5% trở xuống. Tuy vậy, đến nhóm các sản phẩm đang có mức thuế suất MFN cao (15-30%) như đèn hình, loa, micro, dây dẫn,... thì Bộ cũng dự kiến giữ nguyên thuế suất với lý do bảo hộ, khuyến khách đầu tư mở rộng sản xuất trong nước.
Tương tự, các linh kiện phụ trợ đi kèm mà trong nước đã sản xuất được (hiện có mức thuế suất 10-30%) cũng khó thay đổi mức thuế như các linh kiện hiện Việt Nam chưa sản xuất được nhưng có thể phát triển trong tương lai là cuộn biến áp, diod, đinh tán, tụ sứ,... để thu hút đầu tư. Cuối cùng, chỉ có một số linh kiện mà trong nước khó có khả năng sản xuất hoặc nếu có cũng không có lợi thế cạnh tranh còn đang duy trì ở thuế suất cao 10-30% là được Bộ Tài chính có hướng giảm thuế với khả năng cao là cắt giảm một nửa mức thuế hiện hành.
Rõ ràng điều này không làm hài lòng kiến nghị của một bộ phận lớn DN. Cùng chung quan điểm, Bộ Thương mại cũng thấy rằng việc điều chỉnh thuế suất MFN đối với linh kiện, phụ tùng điện tử nói trên cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với Chương trình cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA, cũng như khả năng sản xuất và khả năng cạnh tranh của các nước ASEAN trong lĩnh vực điện tử.
Theo phân tích, nếu như các nước ASEAN cũng sản xuất được những sản phẩm điện tử như Việt Nam đang sản xuất mà lại có sức cạnh tranh không kém các sản phẩm của Việt Nam thì việc giữ thuế suất MFN ở mức cao trong khi thuế CEPT đang ở mức thấp như chủ trương của Bộ Tài chính sẽ không mang lại hiệu quả bảo hộ như mong muốn. Hệ quả duy nhất của việc giữ chênh lệch MFN/CEPT ở mức cao sẽ biến thị trường nước ta thành thị trường dành riêng cho các nước ASEAN.
Nhà nước nên bảo hộ ở mức... thấp!
Mặt khác, thị trường hàng điện tử Việt Nam có một thực tiễn đặc thù: Hiện có nhiều công ty điện và điện tử Hàn Quốc có ý định đầu tư nghiêm túc và có quy mô lớn vào Việt Nam nhưng, do hoàn cảnh lịch sử, sự có mặt trực tiếp của các công ty này ở các nước ASEAN chưa được như các công ty Nhật Bản.
ASEAN có thể cung cấp đủ đầu vào cho một sản phẩm điện tử mác Nhật nhưng với một sản phẩm mác Hàn Quốc thì khó hơn. Vì vậy, nếu các công ty Hàn Quốc có ý định chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất của họ trong ASEAN thì việc Việt Nam giữ chênh lệch MFN/CEPT ở mức cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của những công ty này vì họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài ASEAN.
Về lý do mà Bộ Tài chính đưa ra việc cắt giảm thuế không triệt để nhằm không gây sức ép cho việc đàm phán gia nhập WTO, một quan chức Bộ Thương mại cũng nhận định: Việc giảm thuế MFN cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tiến trình đàm phán gia nhập WTO của ta. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, trong số 148 thành viên của WTO, không phải thành viên nào cũng có thế mạnh về hàng điện tử nên vấn đề này không phải là lớn. Nếu quá lệch theo hướng không được gây sức ép cho đàm phán WTO thì có thể sẽ xảy ra tình trạng hy sinh quyền lợi thực chất để bảo vệ quyền lợi danh nghĩa.
Cuối cùng, xét một cách tổng thể, Việt Nam hiện có khoảng 65 DN sản xuất kinh doanh mặt hàng này với tổng số vốn thực hiện khoảng trên một tỷ USD. Tuy nhiên, hình thức đầu tư chủ yếu là gia công, lắp ráp trên cơ sở toàn bộ vật tư, thiết bị công nghệ từ nước ngoài, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt khoảng 30%. Vì vậy, một yêu cầu bắt buộc là các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng phải nâng cao khả năng cạnh tranh trên cơ sở giá thành, đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng và sự bảo hộ của Nhà nước chỉ nên ở mức độ thấp.