Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Điện thoại di động trở thành mục tiêu hấp dẫn của hacker
Theo các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới, vào năm 2006, virus ĐTDĐ sẽ có ảnh hưởng tương đương với virus máy tính năm 2004. Điều nguy hiểm là tới nay vẫn chưa có chương trình diệt virus hiệu quả nào được viết cho mobile phone.
Nhà phân tích John Pescatore của hãng Gartner nhận định: “Đầu tiên, chúng gây ra sự khó chịu, sau đó là tội phạm rồi tiếp đến chúng ta sẽ chứng kiến nhiều kiểu tấn công khác nhau gây sập mạng”.
Trong tháng qua đã xuất hiện một số website cung cấp các phần mềm tạo nhạc chuông và screen saver cho ĐTDĐ. Tuy nhiên, người sử dụng phát hiện, chương trình ở đây biến mọi biểu tượng trên màn hình điện thoại của họ thành hình đầu lâu xương chéo và khóa một số chức năng của máy. Các chuyên gia bảo mật đặt tên cho loại virus mới là Skulls và xem đây là tín hiệu cảnh báo sớm của các hacker về những tổn hại chúng có thể gây ra khi chuyển đích ngắm từ máy tính sang ĐTDĐ.
"Hackers muốn chứng tỏ rằng tấn công ĐTDĐ là điều nằm trong khả năng”, Vincent Weafer, Giám đốc phụ trách lực lượng phản ứng an ninh của hãng bảo mật Symantec, nhận xét. “Chúng muốn tuyên bố, ĐTDĐ không an toàn như bạn nghĩ”.
Thiết bị liên lạc cầm tay là mục tiêu hấp dẫn vì nó đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, lượng tiêu thụ “điện thoại thông minh” có chức năng kết nối Internet đang ngày một gia tăng khiến nguy cơ lây nhiễm virus càng trở nên cao hơn. Hầu hết người sử dụng ĐTDĐ không đề phòng trước sự tấn công của virus, và nếu có, họ cũng hầu như không có phương tiện gì để tự bảo vệ tại thời điểm này. Victor Kouznetsov, Phó chủ tịch phụ trách bảo mật thiết bị di động của hãng McAfee, thừa nhận: “Ảnh hưởng của virus tới điện thoại có khả năng lớn hơn nhiều so với máy tính vì chúng ta không am hiểu về nó. Hơn nữa, những người sử dụng ĐTDĐ thuộc nhiều thành phần trong xã hội và thường có ít kiến thức về kỹ thuật hơn so với người dùng máy tính”.
Skulls là 1 trong 5 virus ĐTDĐ được phát hiện trong năm nay. Quy mô tấn công của chúng rất khó xác định vì tổ chức theo dõi virus và sâu trên Internet CERT không cung cấp số liệu riêng biệt về virus ĐTDĐ. Tuy nhiên, chỉ với những báo cáo đơn lẻ cũng thấy được phần nào mức độ nguy hiểm của chúng. Ví dụ, tại Nhật Bản, ĐTDĐ thường xuyên bị spam với tin nhắn mang nội dung quảng cáo, một số trong đó "lái" thiết bị tới các website cài những đoạn mã có thể làm hỏng điện thoại.
Hầu hết ĐTDĐ thông thường đều có tính năng nhắn tin và điều này khiến chúng trở nên dễ bị tấn công, đặc biệt là khi đặc điểm này được áp dụng cho nhiều dịch vụ mới. Ví dụ, ĐTDĐ có thể truyền virus khi người dùng tham gia dịch vụ làm quen cho phép họ liên lạc với người lạ qua tin nhắn văn bản hoặc chơi game trực tuyến.
Giống như máy tính, các loại điện thoại đời mới có thể chạy các chương trình e-mail và tải slide của PowerPoint, game hoặc các ứng dụng có thể đính kèm virus. Các phần mềm chống virus viết cho máy tính hiện nay chưa được lập trình cho ĐTDĐ. Vì thế, tác hại do hacker gây ra sẽ càng khó lường hơn.