Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Điểm đến tiếp theo của Vint Cerf sẽ là sao Hỏa
32 năm sau khi cùng nhà khoa học máy tính Robert E. Kahn thảo ra mã phần mềm mở đường cho sự xuất hiện của Internet, Vinton G. Cerf lại tiếp tục hành trình nghiên cứu giao thức liên lạc giữa các hành tinh, trước tiên là sao Hỏa.
Cerf, vẫn rất hoạt bát ở tuổi 62, là Phó chủ tịch công nghệ cấp cao của hãng MCI (Mỹ), chủ tịch Tổ chức tên miền quốc tế ICANN, và đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng biên giới Internet ra ngoài trái đất.
7 năm qua, cùng với những kỹ sư tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion (JPL), Cerf đang chuẩn bị cho ra mắt giao thức InterPlaNet, có thể sẽ được sử dụng lần đầu tiên trên sao Hỏa vào năm 2009. Hiện nay, tàu vũ trụ của NASA được trang bị hệ thống viễn thông của riêng họ để liên lạc với trái đất. Nhưng phi thuyền này không thể giao tiếp với những thiết bị trên một tàu vũ trụ khác. Giống như Internet "buộc" máy tính lại với nhau trong một mạng chung, InterPlaNet có thể đem lại ngôn ngữ chung để hình thành kết nối, liên lạc giữa tàu thăm dò vũ trụ và trạm không gian.
Tuy vậy, việc tiếp cận khoảng không vũ trụ luôn nảy sinh nhiều thách thức. Một tín hiệu điện tử mất khoảng 2,5 giây để phóng đến được Mặt Trăng và quay về. Nhưng một hành trình tương tự đến sao Hỏa sẽ lên tới 40 phút, phụ thuộc vào khoảng cách với trái đất, chưa kể sự can thiệp của những cơn bão khắc nghiệt trên Hành tinh Đỏ. "Rất khó để có thể thực hiện một cuộc liên lạc", Cerf cho biết. "Không có cách nào để xóa bỏ những trở ngại về thời gian và không gian này. Nhưng hệ thống thông minh của JPL sẽ đảm bảo việc truyền tín hiệu đến đích an toàn dù bị gián đoạn giữa chừng".
Thế giới đang dần chia nhau sử dụng hết 4,3 tỷ địa chỉ mạng mà phiên bản giao thức Internet hiện tại có thể cung cấp. Giải pháp của Cerf mang tên IPv6 sẽ mở rộng không gian cho 380 nghìn triệu tỷ địa chỉ net. Vấn đề ở đây chỉ là nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng toàn cầu để phù hợp giao thức mới.
Hệ thống kết nối ngày nay được hiểu là TiVo, điện thoại di động, iPod, game. Nhưng Cerf cho biết danh sách còn kéo dài với những thiết bị nano và bộ vi xử lý siêu nhỏ tập hợp từ những phân tử riêng biệt. "Chúng tôi muốn mọi người trong một mạng cảm thấy họ như đang cùng trong một máy tính lớn duy nhất", ông nói.
Hàng nghìn tỷ địa chỉ nghe có vẻ không cần thiết trong thế giới nhỏ bé này. Nhưng hãy nghĩ đến các thiết bị điện tử ngày càng thu nhỏ chỉ bằng kích cỡ của tế bào sinh học. Những thiết bị cỡ tế bào với công nghệ nano sẽ được xây dựng từ silicon, carbon và một số vật liệu khác. Chúng sẽ đòi hỏi phải được kết nối với nhau, như là các nơ-ron trong não được liên kết qua khớp thần kinh.
Cho dù điện toán phân tử có là một ý tưởng điên khùng hay không, Cerf vẫn tự hào là cha đẻ của mạng nhân tạo lớn nhất thế giới. Và dù tuổi đã cao, ông vẫn chưa từ bỏ ý định mở rộng địa hạt cho Internet trong tương lai.