Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Điểm đến nào cho gia công thô?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng gia công phần mềm đã trở nên bão hoà: Bản thân những trung tâm "gia công" danh tiếng như Ấn Độ, Philippines và Mexico cũng... xuất khẩu việc làm sang Trung Quốc, Việt Nam và Brazil trong nỗ lực tìm kiếm tài năng và duy trì chi phí thấp.
Tuy nhiên, đây là một bước đi tất yếu của hành trình toàn cầu hoá không ngừng nghỉ - dù có khiến nhiều nhà chính trị gia của Mỹ giận dữ. Đó là một thực tế không thể phủ nhận của thế giới kinh doanh hiện đại.
Cho tới nay, Ấn Độ vẫn là điểm đến gia công thô hấp dẫn nhất của các công ty Mỹ, những người mải miết kiếm tìm biện pháp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất. Lực lượng lao động đông đảo, trình độ học vấn cao, nói tiếng Anh thành thạo là những ưu điểm nổi trội của quốc gia này. Ngày càng có nhiều các nhà cung cấp dịch vụ tại Ấn Độ đứng ra nhận thầu các dự án dịch vụ quản lý và tư vấn. Lấy thí dụ, Infosys Technologies, có lẽ là hãng đầu tiên thiết lập được hoạt động tư vấn, ngay tại trên đất Mỹ.
"Họ giành được khách hàng ngay từ giai đoạn trứng nước và có thể giành thêm được nhiều hợp đồng hơn nữa", Eugene Kublanov, Phó Chủ tịch phát triển tập đoàn của neoIT, một công ty tư vấn cho biết.
Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ khủng khiếp sóng thần hồi cuối tháng 12 vừa qua, mặc dù các trung tâm công nghệ quan trọng như Bangalore, New Delhi, Mumbai và Hyderabad đều không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thành phố ven biển Chennai lại nằm trong khu vực sóng thần tấn công, với hơn 200 người chết. Theo một danh sách thành viên đăng tải trên Website của Nasscom, tổ chức thương mại có ảnh hưởng nhất của Ấn Độ thì Verizon, Cognizant Technology Solutions, Ford Motor và Satyam Computer Services đều có trụ sở hoạt động tại đây. Trước đó, trong tháng 11, Satyam, một nhà cung cấp dịch vụ lớn, còn công bố kế hoạch mở một trung tâm phát triển quy mô thế giới tại Chennai với số nhân viên lên tới 15.000. Chắc chắn, những kế hoạch và hoạt động này sẽ bị tổn thất bởi thảm hoạ vừa qua.
Nhưng kể cả khi Ấn Độ có tái thiết lại nền kinh tế và môi trường đầu tư, các quốc gia khác cũng sẽ tích cực "ve vãn" các công ty Mỹ và châu Âu, với hy vọng lập lại được phép màu mang tên Ấn Độ của riêng mình. Những nước này sẽ chào mời những khoản miễn/giảm thuế hào phóng, cũng như các động cơ khác để lôi kéo đầu tư. Họ sẽ có những sáng kiến để nâng tầm vóc của mình trên thế giới, cũng như có chiến lược xây dựng một lực lượng lao động học vấn cao hơn, rành về công nghệ hơn.