Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Đề án 112: Năm mới nói chuyện cũ
Trung tân tích hợp dũ liệu: Còn dang dở!
Mục tiêu cụ thể của Đề Án 112 là phải xây dựng Trung Tâm Tích Hợp Dữ Liệu (TTTHDL) của cấp bộ và tỉnh (nhóm đề án 1 và 2) trong năm 2002-2003 để thông qua các Trung Tâm này, bộ chỉ đạo điều hành nghiệp vụ đến các sở, ban, ngành; UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo điều hành quận, huyện. Thế nhưng, thực tế hiện nay là một số TTTHDL vẫn nằm trên giấy, một số đang xây dựng trụ sở, số ít đã xây dựng hoàn thành thì chưa có gì để "tích hợp". Mục tiêu "tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết là những bộ, ngành trọng điểm: Kế Hoạch Đầu Tư, Ngân Hàng, Thương Mại, Hải Quan, Lao Động, Tư Pháp, Giáo Dục, Y Tế để sử dụng chung" xem ra khó thành hiện thực.
Phần mềm dùng chung giờ đã đến đâu?
Danh mục phần mềm dùng chung (PMDC) gồm 6 phân hệ điều hành tác nghiệp và 5 ứng dụng cung ứng dịch vụ công được giao cho khoảng 30 đơn vị xây dựng đến nay chỉ xong phần giải pháp khả thi của 3 phân hệ điều hành tác nghiệp. Còn các ứng dụng CNTT vào dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ tịch, nhân khẩu hộ khẩu, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... vẫn chưa thành hiện thực. Đã thế, đơn vị tiếp nhận còn phải tiếp tục thuê tư vấn khảo sát và phân tích thiết kế, xây dựng phần mềm thử nghiệm, sau đó mới triển khai. Kinh phí triển khai thực hiện theo công văn số 221/CV-BĐH112 "V/v thông báo dự toán kinh phí cho phần mềm thử nghiệm thuộc Đề Án 112", ban hành ngày 01/07/2004 của Ban Điều Hành (BĐH) 112 Chính Phủ. Theo đó, triển khai phần mềm thử nghiệm trên diện rộng có định mức 25 triệu đồng/ điểm. Như vậy tỉnh, thành phố có trên 30 điểm thì tổng kinh phí sẽ khoảng 1 tỷ đồng/tỉnh, thành phố, một con số không nhỏ.
Điều bất cập ở đây là số mạng cục bộ sở, ngành tham gia vận hành PMDC của địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi PMDC đòi hỏi phải vận hành trên hệ thống mạng mới mang lại hiệu quả. Một số địa phương (như Bình Dương) sau khi tiếp nhận 3 phân hệ PMDC chỉ dám đưa vào thí điểm 2 phân hệ, còn hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội thì "hãy đợi đấy"!
Hạ tầng viễn thông cho 112
Hạ tầng viễn thông cho 112
Hầu hết mạng của các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố từ khi ra đời đến nay đều kết nối với CPNet (mạng của Chính phủ) qua đường truyền dial-up (quay số) - tốc độ thấp. Duy chỉ có mạng của tỉnh Bắc Ninh và mạng Kế Hoạch Đầu Tư kết nối với CPNet bằng đường truyền cáp quang.
Theo một chuyên gia viễn thông thì ngành viễn thông đủ sức cung cấp đường truyền và các dịch vụ truyền dữ liệu băng rộng cho Đề Án 112. Thế nhưng, chuyên viên tin học tại các TTTHDL cho rằng thuê kênh riêng (leased line) làm gì khi... chưa có gì để truyền và xử lý?!
Chuyện TTTHDL, hạ tầng viễn thông và phần mềm xét ra đúng với lời nhận xét của ông Nguyễn Hữu Hiền, giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Phần Mềm TP.HCM nêu tại Hội Thảo Quốc Gia về CNTT và Truyền Thông lần 2: dẫu có đường rộng và xe tốt vận hành thông suốt với tốc độ cao thì vẫn chưa đủ bởi xe không thể chạy khi không có gì để chở !
Kết quả đã được dự báo
Kết quả đã được dự báo
Lý giải về sự chậm trễ của Đề án 112, ông Vũ Đình Thuần, trưởng BĐH Đề Án cho biết: Đề Án còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là hệ thống hạ tầng thông tin rất yếu kém. Hai là, trình độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn "sơ khai". Ba là, hệ thống văn bản trong lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT của các cơ quan hành chính nhà nước còn thiếu. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT áp dụng theo Nghị Định 52/1999/NĐ-CP của Chính Phủ về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản vẫn chưa phù hợp.
Theo ông Thuần, mặc dù BĐH Đề Án cũng đã rất cố gắng song không thể một mình giải quyết những khó khăn nói trên nếu không có sự đồng tâm, hiệp lực của các ngành, các cấp cũng như của các địa phương.
Thật ra những điều mà ông Thuần nêu ra đã được dự báo từ lâu! Từ 2 năm nay, nhiều chuyên gia phát biểu tại các cuộc Hội thảo đều đã cảnh báo rằng, Đề Án 112 có nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa. Chẳng hạn, không nên dàn trải trên phạm vi rộng, không nên giao cho một số ít người quản lý hệ thống tin học hóa QLNN v.v...
Kết quả 4 năm qua của Đề Án 112 là minh chứng sống động nhất cho việc ứng dụng CNTT để phục vụ cho cải cách hành chính khi mà nguồn lực CNTT chưa đủ mạnh, việc cải cách hành chính chưa xong. Với những tổng kết này, mong muốn Đề Án 112 tìm được cách làm thích hợp nhất trong giai đoạn cuối để công cuộc cải cách hoạt động hành chính thực sự diễn ra trên diện rộng.
Cuối cùng, nhắc lại điều này có lẽ sẽ không thừa: những nhà lãnh đạo cần thấy rõ CNTT và truyền thông chỉ là một phần - tuy rằng rất quan trọng - của mọi mong muốn tin học hoá vì CNTT và viễn thông chỉ phát huy tác dụng khi phối hợp nhịp nhàng với các nhân tố khác như quản lý, hoạch định, cải cách hành chính, đào tạo...