Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Cuối 2006 sẽ có thẻ thanh toán bằng công nghệ chip
Trong vòng 18 tháng tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ hoàn tất việc nâng cấp hệ thống để sẵn sàng tiến hành giao dịch thẻ thông minh. Riêng VCB dự kiến tung ra sản phẩm mới ngay cuối năm sau và từng bước thay thế Connect24 Card công nghệ từ hiện nay cho những khách hàng có nhu cầu.
*Ngân hàng lo tội phạm thẻ/ Báo động tình trạng ăn cắp tài khoản thẻ từ ATM
Tội phạm thẻ gia tăng, rủi ro gây ra cho hệ thống thanh toán cũng như toàn bộ nền kinh tế ngày một lớn, nếu không có sự phòng ngừa và xử lý kịp thời. Một trong những giải pháp hữu hiệu mà các tổ chức thẻ quốc tế và giới kinh doanh ngân hàng Việt Nam đưa ra chính là chuyển thanh toán bằng thẻ từ hiện nay sang công nghệ mới: thẻ chip thông minh. Đây là một loại thẻ nhựa có gắn chip điện tử, cho phép thực hiện nhiều lựa chọn thanh toán và dịch vụ với độ an toàn cao hơn, thuận tiện hơn. Gần đây, các tổ chức phát hành thẻ quốc tế, trong đó có Visa International, đã thiết lập ra tiêu chuẩn toàn cầu EMV (Europay, Mastercard, Visa) cho thẻ ghi nợ ứng dụng công nghệ chip và các giao dịch thẻ tín dụng khác.
Trong một năm tới, Visa International khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tập trung nâng cấp hệ thống máy tính cho các ngân hàng thành viên, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nhanh hơn với công nghệ thẻ chip. Các ngân hàng Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai máy chấp nhận thẻ đạt tiêu chuẩn EMV tại các điểm thanh toán. Theo đánh giá của Visa, trong 18 tháng tới, hầu hết các ngân hàng thành viên sẽ có hệ thống cần thiết để giao dịch thẻ chip. Riêng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), do lên kế hoạch từ trước, hầu hết máy thanh toán tự động (ATM) cũng như máy chấp nhận thẻ (POS) đều được cài đặt các tính năng để có thể thích ứng với tiêu chuẩn EMV. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thu Hà tiết lộ, Hội đồng quản trị VCB cũng vừa đặt bút duyệt kế hoạch nâng cấp hệ thống máy chủ, chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình mới. VCB đang trong quá trình lựa chọn công nghệ và dự kiến hoàn tất việc mua sắm thiết bị trong năm 2006 để có thể tung ra sản phẩm EMV đầu tiên vào nửa cuối năm sau.
Theo bà Hà, thẻ Connect24 áp dụng công nghệ thẻ từ hiện nay của VCB không nhất thiết phải đổi sang thẻ chip. Bởi tất cả các sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa này đều dùng mã số (PIN) để mã hoá dữ liệu khách hàng, đảm bảo triệt tiêu các rủi ro trong giao dịch. Các loại thẻ từ khác có nguy cơ rủi ro cao hơn bởi vẫn phải dùng chữ ký trong giao dịch. Nếu khách hàng có nhu cầu chuyển sang thẻ chip, chi phí sẽ không quá lớn và VCB cam kết giảm thiểu mọi phiền hà cho khách. |
"VCB dự kiến có trong tay 1,5 triệu thẻ Connect24 tính đến thời điểm giữa năm sau. Với nỗ lực hết sức, VCB sẽ tung ra sản phẩm thẻ chip đầu tiên vào cuối năm sau và sẽ hoàn tất việc chuyển đổi trong vòng hai năm sau đó. Trong quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cho những khách hàng có nhu cầu, chúng tôi sẽ giảm thiểu tối đa mọi phiền hà cho chủ thẻ", bà Hà tuyên bố. Bà cho biết thêm, hiện VCB vẫn chưa quyết định có nên thay toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip hay không. Bởi sản phẩm thẻ Connect24 hiện nay của VCB tuy áp dụng công nghệ từ nhưng đã dùng mã số (PIN) để mã hoá dữ liệu của khách hàng, vì vậy tỷ lệ rủi ro đối với loại thẻ này bằng 0.
Cùng với VCB, nhiều ngân hàng khác như Công thương, Nông nghiệp và một số ngân hàng cổ phần cũng đã tính chuyện đầu tư cho công nghệ thẻ chip. Bản thân Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB) được xem là đơn vị đầu tiên áp dụng công nghệ này, tuy nhiên mới dừng lại ở việc thử nghiệm loại thẻ CashCard và vẫn đang chờ đợi phản ứng từ thị trường. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng tốc mở rộng thị phần thẻ thanh toán và chưa quan tâm nhiều tới kế hoạch chuyển đổi, song cũng dự phòng bằng cách nhập máy móc có tính năng chấp nhận thẻ chip.
Điều băn khoăn lớn nhất với các ngân hàng chính là chi phí chuyển đổi sang thẻ thông minh. Phát hành một chiếc thẻ chip vào năm 1997-1998 tốn khoảng 4 USD, chi phí này đang giảm đi rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để tiến hành các giao dịch thẻ thông minh, không chỉ đơn giản là phát hành thẻ mà còn phải nâng cấp hệ thống máy tính, cổng thanh toán để thích ứng với công nghệ mới. Và chi phí để thực hiện khối công việc đồ sộ đó là một gánh nặng không nhỏ với các ngân hàng, nhất là những đơn vị mới tham gia thị trường, chưa thu nhiều lợi nhuận từ kinh doanh thẻ.
Chiều 28/7, trao đổi với VnExpress về băn khoăn của các ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro của Visa châu Á - Thái Bình Dương, ông Peter Maher, cho rằng sự tính toán, cân nhắc giữa lợi nhuận, chi phí và rủi ro là điều thường thấy trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông, tội phạm thẻ sẽ ngày càng tập trung vào những thị trường chưa thiết lập đầy đủ những ứng dụng và hệ thống quản lý rủi ro. Hơn nữa, thẻ từ, sau thời gian được sử dụng rộng rãi và hiệu quả ở nhiều nước, nay đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và cần thiết phải chuyển sang công nghệ khác có độ bảo mật cao hơn. "Ngành thanh toán thẻ ở Việt Nam vẫn còn rất trẻ. Nếu so sánh với những thị trường khác trên thế giới đã có hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng thanh toán lâu đời, Việt Nam có thể bỏ qua giai đoạn thẻ từ và tiến tới tương lai an toàn hơn với thẻ chip".
Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thu Hà cũng cho rằng chi phí chuyển đổi từ thẻ từ sang công nghệ thẻ chip sẽ không phải là một gánh nặng khủng khiếp đối với các ngân hàng Việt Nam, nơi mà thị trường thẻ thanh toán phát triển chưa lâu. Hơn nữa, theo quy định chung của các tổ chức phát hành thẻ quốc tế, kể từ 1/1/2006, nếu không áp dụng tiêu chuẩn EMV, chính các ngân hàng thanh toán phải gánh chịu rủi ro do gian lận thẻ mang lại. Các nước trong khu vực sẽ chuyển sang công nghệ này, trong trường hợp Việt Nam không áp dụng thì sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho tội phạm thẻ.
Tuy nhiên, bà Hà thừa nhận, để chuyển đổi sang thẻ chip, nỗ lực của một mình các ngân hàng sẽ là chưa đủ. Theo bà, Việt Nam nên có chỉ đạo tầm quốc gia để có thể thực hiện đồng bộ, tạo sự thống nhất và giảm thiểu chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện: "Các ngân hàng Việt Nam rất cần sự vào cuộc của cơ quan hữu trách để cùng xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả trong việc phát hiện sớm, phòng ngừa hiện tượng, hành vi gian lận và giả mạo thẻ. Bên cạnh đó, một hành lang pháp lý thích hợp cũng như quy định về dự phòng rủi ro cho các ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh thẻ nói chung và rủi ro về giả mạo thẻ nói riêng là vấn đề cấp bách và rất cần thiết với các ngân hàng đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường thẻ Việt Nam".
Cùng chung quan điểm này, ông Peter Maher cho rằng các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam cần đưa ra các quyết định quan trọng về việc áp dụng nền tảng công nghệ và tiêu chuẩn an toàn cần thiết để định hướng sự phát triển của hệ thống thanh toán hiện đại và an toàn. Theo ông, sự điều phối ở tầm quốc gia sẽ giúp quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip êm thấm hơn, nhanh chóng hơn, đảm bảo niềm tin của người tin dùng đối với thanh toán điện tử.
Thẻ thông minh, hay thẻ chip, là loại thẻ nhựa có gắn một chip điện tử. So với các loại thẻ từ hiện nay, khả năng kết nối với máy tính của loại chip này cho phép thẻ thông minh thực hiện được nhiều lựa chọn thanh toán và dịch vụ với độ an toàn cao hơn, thuận tiện và nhiều lựa chọn hơn. Thẻ thông minh có thể lưu trữ các thông tin quan trọng, được mã hoá với độ bảo mật cao hơn các loại thẻ từ. Trong thanh toán, thẻ thông minh có thể kết hợp đa chức năng và ứng dụng từ các ngành khách nhau như khả năng tính điểm ưu đãi cho khách hàng quen thuộc, nhận dạng, truyền dẫn hay thông tin sức khoẻ. Thẻ thông minh cũng cho phép ứng dụng các sản phẩm, tính năng và ứng dụng hiện tại vào các lĩnh vực mới về khách hàng và thanh toán. Loại thẻ này còn cho phép lưu trữ và trao đổi thông tin về chủ thẻ với độ bảo mật cao trong thương mại điện tử và di động. |
Song Linh