Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Công nghiệp phần mềm VN với giấc mơ 1 tỷ USD
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông (MPT) nhận định nếu nỗ lực lớn trong thị trường gia công phần mềm thì 1 tỷ USD doanh thu trong lĩnh vực này là con số có thể thực hiện được.
Theo số liệu mà MPT tổng hợp từ nhiều nguồn thì hiện tổng giá trị ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đang ở mức 160 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 35-40%/năm, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 40 triệu USD. Tuy nhiên, để cán đích 1 tỷ USD vào 5 năm tới, các doanh nghiệp phần mềm phải trải qua chặng đường tìm kiếm con số hơn 800 triệu USD mà cứ nhìn trên tốc độ tăng trưởng được đưa ra là 35-40% thì chưa đủ để căn cứ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có động thái phát triển tốt, nhưng công nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn đang ở mức "khởi động". Chưa kể, động thái này lại chỉ thuộc về số ít các "đại gia" như FPT, CMC, Lạc Việt, PSV.
Tại thị trường nội địa, mặc dù được đánh giá là một trong 25 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm và dịch vụ, nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền cao và cơ sở hạ tầng chưa tốt khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn nước ngoài. Con số hơn 600 doanh nghiệp làm trong lĩnh vực phần mềm cũng không nói lên điều gì khi mà phần lớn đều ở quy mô quá nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, yếu về vốn, kinh nghiệm, nhân lực, quản lý, tiếp thị... Vì thế, ngay ở các dự án trong nước, phần mềm Việt Nam cũng khó len chân, chủ yếu vẫn chỉ là triển khai các giải pháp cho nước ngoài và cung ứng các sản phẩm ở mức phổ cập trung bình.
Trong con số 1 tỷ USD của chiến lược cũng đề cập đến 50% là xuất khẩu, càng khiến người ta nghi ngại. Mặc dù đã có một số hợp đồng lớn, dài hơi, nhưng tại lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, đối tác của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chủ yếu vẫn là các đối tác nhỏ với các sản phẩm bó hẹp trong một vài lĩnh vực và chủ yếu là gia công.
Lạc quan hơn một chút, các doanh nghiệp phần mềm lớn của Việt Nam đã bắt đầu có được một số hợp đồng gia công phần mềm lớn, nhưng cũng không nhiều và chủ yếu vẫn chỉ ở mức tạo đà cho các doanh nghiệp phần mềm bước vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn phải đối diện với khó khăn là thiếu nguồn nhân lực trầm trọng mà trước mắt là hệ thống đào tạo truyền thống khó lòng đáp ứng cả về số lẫn chất lượng. Nguồn nhân lực từ các hình thức đào tạo khác như liên kết với các tập đoàn lớn Cisco, Aptech, Motorola... vẫn chỉ là muối bỏ bể, chưa kể lại vấp phải khó khăn khi mà chưa được công nhận tính pháp qui theo đúng hệ thống giáo dục Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nhìn vào thực tiễn của con số 1 tỷ USD là con số ứng dụng của toàn ngành phần mềm thì là con số chẳng thấm tháp gì. Nhưng nếu doanh thu 1 tỷ USD đó chỉ được tính từ lĩnh vực kinh doanh thì có vẻ quá xa vời.