Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Công nghệ truyền hình Việt Nam: Chia tay... Analog
Ba năm qua, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Truyền hình Việt Nam (VTC) đã thử nghiệm thành công truyền hình số mặt đất DVB-T trên diện rộng, chuyển dần từ công nghệ Analog sang công nghệ số (Digital).
Tiêu chuẩn DVB (Digital Video Broadcasting) được nước Anh tiên phong triển khai từ năm 1998, tiếp đó là các nước châu Âu, Nam Phi, Úc, Singapore. Đến nay, hầu như toàn bộ châu Âu, châu Đại dương, châu Phi và nhiều nước châu Á đã tuyên bố sử dụng tiêu chuẩn này. Trong đó, nhiều nước đã triển khai truyền hình số trên diện rộng.
Về phương thức truyền dẫn phát sóng số bằng máy phát mặt đất, hiện đang tồn tại ba tiêu chuẩn: ATSC (của Mỹ), DVB-T (của châu Âu) và ISDB-T (của Nhật). Mỹ là nước tuyên bố chấp nhận tiêu chuẩn ATSC sớm nhất (từ tháng 12/1996) và cũng là nước tiên phong triển khai truyền hình số mặt đất. Nhưng đến năm 2004, chỉ có bốn nước theo tiêu chuẩn này là Canada, Hàn Quốc, Argentina và Mexico. Nhật cũng là nước duy nhất theo tiêu chuẩn ISDB-T do họ đề xuất. Gần 40 quốc gia ở châu Âu đã chọn tiêu chuẩn DVB-T, châu Á đã có thêm Trung Quốc và Malaysia. Hiện, theo tin của tổ chức DVB quốc tế, khối ASEAN đã khảo sát để sản xuất loại set-top box theo tiêu chuẩn DVB-T sử dụng cho mười nước ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. |
Đặc biệt, tại Berlin (Đức) đã tuyên bố chấm dứt phát sóng truyền hình mặt đât bằng kỹ thuật số Analog từ năm 2003 (theo dự định, các nước trên thế giới sẽ chấm dứt công nghệ này trong khoảng thời gian từ năm 2006-2010 để chuyển sang công nghệ kỹ thuật số).
Chọn mặt gửi vàng
Ông Lưu Vũ Hải, phó giám đốc VTC, cho hay: Việc phát hình số đã thử nghiệm trên diện hẹp tại Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM từ năm 2000. Đến ngày 26/3/2001, Đài Truyền hình Việt Nam đã chọn tiêu chuẩn phát hình số mặt đất DVB-T cho Việt Nam.
VTC cũng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thiết bị truyền dẫn, tiết kiệm băng thông truyền từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của sự lựa chọn: Kiểm chứng những tính năng ưu việt của phát hình số mặt đất để phát các chương trình quảng bá trên diện rộng tại Việt Nam. Đồng thời, đánh giá khả năng tích hợp các dịch vụ đa phương tiện trên phát hình số mặt đất.
Khả năng ứng dụng phát hình số mặt đất này cho thấy nhiều ưu việt về mặt kỹ thuật. Dễ nhận thấy nhất là khả năng chống nhiễu vượt trội so với công nghệ Analog. Có thể thử nghiệm phát hai kênh số liền kề trên cùng một máy phát. Thử nghiệm phát với các nhóm thông số phát khác nhau và với số lượng các chương trình tăng dần trên cùng một máy phát. Thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của công nghệ nén ghép cố định và nén ghép thống kê với các chương trình truyền hình khác nhau.
Về kết quả thử nghiệm, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, số thuê bao sử dụng dịch vụ này đã lên tới 100.000 thuê bao/năm. Qua một năm triển khai, truyền hình số đã khắc phục được những nhược điểm cố hữu của truyền hình Analog, tăng cường hiệu quả truyền dẫn của làn sóng truyền hình, tiết kiệm phổ tần số quốc gia.
Hiện nay, trên một kênh tần số 8MHz, chỉ phát được một chương trình truyền hình nếu dùng công nghệ Analog, nhưng dùng công nghệ số thì có thể phát đến tám chương trình truyền hình mà không bị ảnh hưởng của nhiễu công nghiệp.
Đồng thời, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành khai thác hệ thống: Chỉ cần đầu tư một máy phát thay vì tám máy phát cùng hệ thống ăng-ten cồng kềnh để phát tám chương trình. Khả năng này tạo điều kiện cho Đài Truyền hình TP.HCM tăng số lượng cũng như thời lượng các chương trình phát sóng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của làn sóng truyền hình.
'Ống thông gió" loại trừ... gió độc
Trả lời về hiệu quả mô hình truyền hình số đang được triển khai tại Đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Bình Dương, ông Nguyễn Trung Hiếu - giám đốc Đài đã ví von công nghệ này như là chiếc 'ống thông gió'.
Theo ông Hiếu, trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, cùng với gió mát thì gió độc cũng có thể thổi vào, đặc biệt đúng với cả 'luồng gió truyền hình'. Kênh truyền hình nước ngoài, với thời lượng hàng trăm lần nhiều hơn truyền hình trong nước, trong đó có nhiều kênh thu hút khán giả. Đó là truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh... Trên thực tế, hiện tại, không cần sử dụng chảo đường kính 2-3m thu đài nước ngoài mà chỉ cần những chiếc ăng-ten nhỏ gọn như chiếc nón, thu cùng lúc 40-50 kênh. Khi Đài PTTH Bình Dương triển khai truyền hình số mặt đất, khán giả đã tự tháo dỡ chảo ăng-ten vệ tinh lắp lậu. Những cửa hàng cung cấp dịch vụ chảo lậu này cũng thay thế những nội dung quảng cáo lắp đặt chảo lậu bằng nội dung quảng cáp lắp đặt truyền hình số. Nhờ đó, đại đa số khán giả đã quay lưng lại với công nghệ truyền hình vệ tinh, đảm bảo được yêu cầu 'an ninh' đối với các chương trình truyền hình.
Như thế, từ lựa chọn của mình, dự kiến, đến đầu năm 2005, VTC sẽ phối hợp với các Đài PTTH địa phương trên cả nước triển khai công nghệ truyền hình số mặt đất trên diện rộng để phát các chương trình quảng bá. Từ đó, đem đến cho người dân tại các vùng, miền được hưởng những thành quả của công nghệ hiện đại. Qua đó, cũng nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số của nước ta với các nước trên thế giới.