Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Công nghệ thông tin - viễn thông TP.HCM: 5 năm phát triển và những bài học cho tương lai

Phát biểu của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ Tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM tại buổi gặp gỡ giới CNTT-VT TP.HCM đầu năm 2005.

Nhân dịp này, tôi xin phép được chia sẻ một số suy nghĩ về cơ hội và trách nhiệm của chúng ta, đây là nhận thức hạn hẹp của cá nhân, nếu có gì chưa đúng thực tiễn và chưa phù hợp với đánh giá chung của cả nước thì mong được các đồng nghiệp và các chuyên gia góp ý, điều chỉnh.

NĂM NĂM PHÁT TRIỂN

Thế và lực mới

Tổng kết năm 2004 cho thấy công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) VN đã có một bước tiến rõ rệt. Thành quả lớn nhất của 5 năm qua về CNTT-VT nói chung là chúng ta đã tạo ra được thế và lực mới, khác hẳn tình hình hồi năm 2000. Ví dụ ở TP.HCM, số lượng doanh nghiệp CNTT-VT so với năm 1999 tăng khoảng 9 lần, nhân lực thì chưa thống kê cụ thể nhưng ít nhất số người làm việc chuyên nghiệp về CNTT-VT cũng tăng gấp 3 đến 5 lần so với năm 1999. Hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp có thể nói là đầu đàn, có qui mô tương đối lớn. Hôm kỷ niệm 15 năm FPT HCM, tôi được biết doanh số/đầu người đạt 1,6 tỷ, mỗi một người của FPT một năm tạo doanh số 1,6 tỷ, và giá trị gia tăng là 200 triệu trong năm 2004, như vậy so với giá trị gia tăng bình quân một lao động công nghiệp tạo ra thì gấp từ 4 đến 6 lần. Xin nêu thêm một ví dụ, doanh nghiệp TMA Solutions (chỗ anh Nguyễn Hữu Lệ) cách đây hơn 3 năm có khoảng 35 người, hiện nay là 480 người và triển vọng đến tháng 4 là 500 người, dự kiến 3 năm nữa là 1000 người. Còn nhiều doanh nghiệp khác cũng có tiềm năng như vậy, tức là hình thành đội ngũ doanh nghiệp lớn trên 300 người và doanh số 1000 tỷ, tuy hiện nay còn ít, có thể điểm danh được.

Cơ sở hạ tầng

Kết quả thứ hai là điều kiện hạ tầng cho phát triển CNTT-VT so với 2000 có bước tiến rất tốt, dịch vụ viễn thông có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất thì chúng ta có Quang Trung, eTown và nhiều cơ sở nữa. Công viên phần mềm Quang Trung sau 4 năm đi vào hoạt động đã thu hút 68 doanh nghiệp, trong đó có 32 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 nước, với tổng số người làm việc và học thường xuyên về CNTT là hơn 3.300 người. Tổng vốn đầu tư nhà nước đã bỏ ra gần 150 tỉ đồng, tổng số vốn các chủ đầu tư đã cam kết và đang triển khai là 1.100 tỉ đồng. Vừa qua công ty phát triển công viên phần mềm Quang Trung đã được nhận giải thưởng Sao Khuê 2005 cho đóng góp về hoạch định và thi hành chính sách phát triển công nghiệp phần mềm và CNTT.

Thị trường, thương hiệu Việt Nam

Một việc nữa tôi cho là thành quả lớn nhất của 5 năm qua là khái niệm Việt Nam là một quốc gia có khả năng cung ứng phần mềm và dịch vụ được thế giới chấp nhận. Đây là thương hiệu, là tài sản có được qua kết quả của việc tham gia vào cạnh tranh toàn cầu. Suốt 4 năm vừa qua, chúng tôi gặp ai cũng tuyên truyền như vậy, gặp doanh nghiệp hay quan chức nước ngoài cũng nói, góp phần làm công tác tiếp thị và đến nay, chẳng hạn khi nói đến công viên phần mềm Quang Trung thì nhiều công ty, người nước ngoài đã biết là cái gì. Theo tôi cái quan trọng góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam là chúng ta đã cung cấp các giải pháp, phần mềm có tính cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường CNTT trong nước và nước ngoài.

Ví dụ như IDG vừa rồi đã thành lập IDG Ventures Vietnam, quyết tâm đầu tư ở đây với tầm nhìn trên 10 năm. Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá thị trường Việt Nam là điểm hẹn đầu tư của họ và xác định làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Một số hợp đồng lớn của các công ty Mỹ cũng tập trung ở Việt Nam. Sản phẩm phần mềm của chúng ta cung cấp cho thị trường nước ngoài khá phong phú: từ số hóa tài liệu cho các thư viện và bưu điện Đức, đến thiết kế trang web cho các doanh nghiệp ở Mỹ, thiết kế nhà cho thị trường Nhật Bản, viết các phần mềm cho điện thoại di động, dịch vụ viễn thông, rồi phát triển phần mềm để gia công chi tiết máy bay…

Đào tạo

Cách đây 5 năm, chúng ta lo là Việt Nam làm phần mềm có bán được hay không. Còn vấn đề hiện nay ở rất nhiều doanh nghiệp trong Quang Trung và ngoài Quang Trung là không đủ khả năng nhận hợp đồng, họ mang đến nhiều hợp đồng mà ta không có đủ người đủ năng lực làm hợp đồng, chứ không phải làm ra rồi mà không ai lấy hàng của mình. Chúng ta thấy có nhiều bất cập về nhân lực. Nhân lực là vấn đề bức bách nhất hiện nay.

Vừa qua Thành Phố đã đầu tư tạo nên một số tiền đề cho tương lai rất tốt. Ví dụ như Trung Tâm Thiết Kế Điện Tử Vi Mạch Bằng Phần Mềm của Cadence. Thành Phố chi ra nửa triệu đô la để mua phần mềm thiết kế và sắp tới Trung Tâm sẽ đi vào hoạt động; chúng ta sẽ có khả năng đào tạo về thiết kế vi mạch ngay tại Việt Nam bằng phần mềm hiện đại bậc nhất thế giới. Chúng tôi đã phối hợp với EU chuẩn bị để ký một chương trình thành lập trung tâm nuôi dưỡng doanh nghiệp Incubation Program do EU tài trợ, họ thuê chuyên gia hàng đầu của châu Âu là người Thụy Điển sang ở đây 3 năm, cùng với 2 chuyên gia nữa chỉ để giúp điều hành Trung Tâm đào tạo nuôi dưỡng doanh nghiệp về CNTT; Trung Tâm này làm việc phi lợi nhuận, cứ lỗ bao nhiêu họ bù bấy nhiêu. Chúng tôi cũng phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới đang sắp triển khai Trung Tâm Đào Tạo Từ Xa đặt tại Sở Văn Hóa Thông Tin, phấn đấu đến tháng 7 là khai trương; tại đây có thể thực hiện các cuộc hội nghị quốc tế với các nước trên thế giới. Trung tâm đào tạo quản trị mạng Cisco tại Quang Trung đã hoạt động từ 2 năm nay. Đấy là các cơ sở vật chất mà chúng ta đã tạo ra trong 5 năm qua. Trong chương trình 300 tiến sĩ thạc sĩ, Thành Phố đã dành 20 suất cho CNTT, một số đã tốt nghiệp về đang làm cho Sở Bưu Chính - Viễn Thông. Các cơ sở đào tạo quốc tế đang phối hợp với chúng ta như Aptech, trung tâm đào tạo Singapore, RMIT, cao đẳng cộng đồng Austin (Mỹ), v.v...

Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử tuy mới mẻ nhưng bước đầu tạo nền tảng cho hoạt động của Thành Phố. Ví dụ Trang Web TP.HCM hiện nay một tháng bình quân có 7 đến 9 triệu lượt người truy cập, có thể nói nếu không có nó, công tác đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn bởi không thực hiện được việc đăng ký kinh doanh và lấy thông tin qua mạng. Chúng ta cũng đã có hệ thống đối thoại chính quyền – doanh nghiệp qua mạng. Năm nay Thành Phố phấn đấu đạt mục tiêu tất cả các quận huyện đều phải tham gia chương trình chính phủ điện tử và có sử dụng từ 3 đến 5 phần mềm dùng chung, các thông tin như báo cáo định kỳ, văn bản pháp quy, lịch công tác sẽ thực hiện giao dịch qua mạng.

Thị trường điện tử

Còn vấn đề nữa là thị trường điện tử nội địa. 5 năm qua chúng ta làm chậm quá, không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hiện nay nhu cầu phát triển nhanh nhiều loại thị trường trong nước đang ngày càng tăng. Chẳng hạn như Thành Phố đang xây dựng thị trường địa ốc trên mạng, năm nay đưa vào hoạt động. Sắp tới xây dựng thị trường lao động trên mạng. Thị trường khoa học công nghệ trên mạng thì thành phố đã làm được 4 năm nay.

NHỮNG BÀI HỌC CHO TƯƠNG LAI

Nhìn lại quá trình đó, tôi xin phép rút ra một số bài học, có thể phiến diện, chưa sâu, để chúng ta cùng suy nghĩ.
Bài học thứ nhất là lợi thế cạnh tranh về lao động. Chúng ta phải kiên trì khẳng định và tạo ra lợi thế lao động của người Việt, nếu không khẳng định Việt Nam có lợi thế này chúng ta không thể cạnh tranh và phát triển được: Lợi thế hàng đầu là người Việt Nam chúng ta có khả năng tư duy và học hỏi tiếp thu, nhưng kèm theo là chi phí lao động thấp. Tất nhiên duy trì tiền lương thấp mãi là không có lợi, phải nâng dần lên, nhưng so với mức chi phí tiền lương ở các nước phát triển thì dù sao đây vẫn là ưu thế rất quan trọng. Chất lượng lao động là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, không có chất lượng thì không xài được, nhưng có chất lượng rồi thì các nhà đầu tư sẽ tìm chỗ lao động rẻ mà xài. Cho nên hiện nay rõ ràng làn sóng các nước phát triển, các nước công nghệ cao đang tràn sang đầu tư vào nước có thu nhập thấp nếu ở đó có lao động trình độ cao, có thể tiếp thu công nghệ cao được. Vấn đề là lợi ích mà thôi. Như công ty của ông người Đức ở đây, khi Chủ Tịch Nước đến thăm, hỏi tại sao ông vào Việt Nam, ông nói cái mà ông đang làm ở Việt Nam rẻ hơn 8 lần so với làm ở Đức. Cũng như tại sao nhiều công ty nổi tiếng của Mỹ phải sang Bangalore để đầu tư nghiên cứu khoa học. Ở đâu có nhân lực trình độ cao, chi phí thấp thì ở đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến. Đây là một đặc điểm của kinh tế thời toàn cầu hóa. Nếu trình độ lao động giống nhau, cùng làm được công việc như nhau, anh có chi phí lao động thấp là anh thắng và không có cách nào chống lại được. Vấn đề là chúng ta phải chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực cho tốt, chuẩn bị môi trường đầu tư tốt.

Bài học quan trọng thứ hai là vị thế của Việt Nam là một nước châu Á. Tại sao Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản trong khi người Việt Nam nói tiếng Anh thua người Ấn Độ, trình độ thua người Ấn Độ; nhưng rất nhiều công ty Nhật Bản lại muốn hợp tác với Việt Nam chính là vì người Việt Nam dễ hiểu hơn, văn hóa gần gũi họ hơn. Đây là lợi thế văn hóa, con người Việt Nam có văn hóa châu Á và gần gũi với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 thị trường lớn. Chúng ta phải tập trung khai thác lợi thế này. Vốn đã gần gũi văn hóa thì phải đào tạo tiếng. Gần đây chúng tôi thấy FPT cũng như Quang Trung đã hình thành những trung tâm đào tạo tiếng Nhật để làm ăn với Nhật.

Bài học thứ 3 là phải kiên trì công tác tiếp thị. Đây là nhiệm vụ không phải chỉ riêng của doanh nghiệp, mà Nhà Nước phải cùng doanh nghiệp làm tiếp thị. Sắp tới cần hình thành các chương trình tiếp thị vào từng quốc gia, thị trường quốc tế.

Bài học thứ 4 là duy trì đối thoại định kỳ giữa Nhà Nước và các doanh nghiệp CNTT-VT. Nhu cầu của CNTT phát triển rất nhanh, chỉ có thông qua đối thoại giữa Nhà Nước và doanh nghiệp, nhà Nước mới nhận ra nhu cầu và điều chỉnh chính sách kịp thời. Những khó khăn mà doanh nghiệp bức xúc, Nhà Nước phải nghe và sửa ngay. Tạo một phương thức đối thoại thường xuyên giữa Nhà Nước và doanh nghiệp phải là một nguyên tắc làm việc để phát triển lĩnh vực CNTT-VT. Sở Bưu Chính Viễn Thông phải làm được cầu nối này.

Bài học thứ 5 là phải có trình độ quản lý quốc tế. Để CNTT hay phần mềm thâm nhập được thị trường quốc tế thì phải có yếu tố quốc tế trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Nếu tất cả hoạt động doanh nghiệp đều theo chuẩn mực Việt Nam thì không thể giao lưu được, mà yếu tố hàng đầu là trình độ quản lý. Phải có trình độ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, đơn giản nhất là ISO 9000 hay CMM. Phương pháp quản lý của mình phải đạt trình độ quốc tế thì người ta mới giao lưu với mình, công nghệ mình thấp hơn một chút cũng không sao, điều này sẽ được khắc phục qua hợp tác liên kết quốc tế. Nếu trình độ quản lý không ngang quốc tế thì không giao lưu được, càng khó hợp tác. Sắp tới chắc Nhà Nước phải có một chương trình đặc biệt giúp các doanh nghiệp có chứng chỉ quản lý đạt trình độ quốc tế.

Bài học thứ 6 là phải giải quyết mâu thuẫn giữa tính lặp lại của giải pháp và sự sẵn sàng khác nhau ở các quận huyện, sở ngành cho việc tin học hóa quản lý nhà nước. Chẳng hạn nhiệm vụ quản lý nhà nước của mỗi quận huyện là giống nhau, do đó nếu có giải pháp tin học hóa quản lý tốt cho một quận, thì có thể áp dụng giải pháp đó cho tất cả các quận huyện mà không cần mỗi nơi lại tự tìm giải pháp cho riêng mình. Do hoàn cảnh thực tế thì mỗi quận huyện lại nhìn nhận nhu cầu tin học hóa hoạt động quản lý của mình là khác nhau. Một số quận có thể vì bức xúc trước nhu cầu người dân mà tự triển khai các giải pháp tin học hóa cho riêng mình, cốt làm sao tốt hơn trước, nhưng không chắc đó là giải pháp tối ưu, do đó không thể phổ biến cho các đơn vị khác. Xét trên toàn cục, đó có thể là một sự đầu tư kém hiệu quả. Như vậy, ở cấp thành phố cần đầu tư, xây dựng các giải pháp mẫu tối ưu cho quận huyện, nhưng phải làm thế nào để quận huyện khi dùng có khả năng thích nghi cho nhu cầu của mình. Sắp đến chúng tôi triển khai theo 2 hướng: những nội dung tin học hóa cấp quận huyện do Thành Phố phối hợp với quận huyện xác định thống nhất, ví dụ 15 công việc phải tin học hóa, với giải pháp phần mềm chuẩn do Thành Phố cung cấp, còn tiến độ triển khai cụ thể do các quận huyện tự quyết định với tư cách là chủ đầu tư.

Bài học cuối cùng là xác định thị trường mục tiêu. Phải làm cách nào để tìm đúng thị trường mục tiêu, tôi cho đây là vấn đề then chốt. Hiệu quả kinh tế là tín hiệu tốt nhất để thu hút đầu tư, nhưng ở Thành Phố không có cơ quan nào cung cấp số liệu về hiệu quả đầu tư của ngành CNTT. Thành Phố và Sở Bưu Chính Viễn Thông nên thành lập “Trung tâm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp CNTT và BCVT”, xây dựng chương trình xúc tiến cho từng thị trường nước ngoài cụ thể, ví dụ 3 thị trường mục tiêu: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Về thị trường nội địa, chọn lĩnh vực chống vi phạm bản quyền, ví dụ như là các phần mềm phục vụ doanh nghiệp, phần mềm phục vụ đào tạo, hay phần mềm phục vụ quản lý nhà nước. Phải có một chương trình xúc tiến nội địa và hàng đầu là chống ăn cắp bản quyền.

Thành Phố đang triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó dự kiến Robot sẽ là một loại sản phẩm chủ lực của công nghiệp thành phố 5 năm tới. Sẽ có một chương trình phát triển Robot phục vụ cho công nghiệp và đời sống. Các doanh nghiệp CNTT cần coi việc tham gia vào chương trình này là một cơ hội lớn để phát triển chính mình.

2006-2010: GIAI ĐOẠN CẤT CÁNH VỚI PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ CỦA CNTT--VT TP.HCM

Với những thành quả của giai đoạn 2001-2005, với sự trưởng thành về nhận thức tổ chức, thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng và công nghiệp CNTT - viễn thông, với các thời cơ của toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở mức cao hơn, với lợi thế Việt Nam nằm tại châu Á là vùng phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong vài thập kỷ tới, với ưu thế cạnh tranh của Việt Nam về lao động và văn hóa, chúng ta tin rằng sau giai đoạn khởi động 2001-2005, CNTT-VT của Thành Phố HCM sẽ bước sang giai đoạn cất cánh, với sự phát triển có tính đột phá trong giai đoạn 2006-2010.

Sáng kiến và ý chí của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ và sẵn sàng học hỏi của chính quyền và lợi thế về lao động trình độ cao, chi phí thấp là 3 yếu tố nền tảng bên trong cho sự cất cánh lịch sử này.

Các tin tức khác:

UNICEF khai trương website về trẻ em VN

Máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod shuffle có mặt tại Việt Nam

Tính năng bảo mật của Windows XP SP2 không được coi trọng

Nokia cung cấp mạng lõi GSM cho nhà điều hành mạng VinaPhone tại Việt Nam

Các chương trình hỗ trợ tăng tốc download - Phần I

Coi chừng những kẻ "gián điệp" thân thiện

Làm thế nào để dẫn khách vào website của bạn

Giảm trên 50% cước dịch vụ truyền số liệu

Hòm thư Gmail đã được nâng lên 2 GB

Phần mềm điều chỉnh giọng nói khi nghe hội thoại

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone