Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Công nghệ thông tin Hà Nội “lột xác”?
Lãnh đạo thành phố đang tỏ rõ quyết tâm từ năm nay sẽ đưa CNTT trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội.
Lợi thế chưa được tận dụng
Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Tân GĐ Sở BC&VT Hà Nội cho biết hiện trên toàn thành phố có khoảng 400 doanh nghiệp kinh doanh liên quan trực tiếp đến CNTT như phần mềm, đào tạo nhân lực CNTT, lắp ráp máy tính.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Bưu điện (Tổng Cty BC&VT), hiện có khoảng hơn 200 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phần mềm tại Hà Nội, trong đó có khoảng 50% số doanh nghiệp làm phần mềm mới được thành lập trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây.
So với TP.HCM, số lượng doanh nghiệp CNTT của Hà Nội chỉ bằng khoảng 1/3, nhưng lại có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn. Trung tâm Thông tin Bưu điện cho biết ước tính tổng doanh số của 206 trong tổng số hơn 400 đơn vị CNTT trên địa bàn thành phố đạt khoảng trên 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng lại cho rằng hiện nay chưa thể thống kê được doanh thu của ngành CNTT đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu. Tân Giám đốc Sở BC&VT Hà Nội cũng thừa nhận rằng ngành CNTT Hà Nội chưa tận dụng được tối đa lợi thế để phát triển.
Theo thống kê, khách hàng phần mềm chủ yếu vẫn là các tổ chức và các doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 70% trên thị trường, các nhóm khách hàng khác mới chỉ bắt đầu gia nhập thị trường. Phần lớn các Cty phần mềm đang hoạt động trong các cơ sở chật hẹp, thiếu phương tiện máy móc chuyên dùng, dây chuyền sản xuất tương đối rời rạc, chắp vá, không đồng bộ, thường tận dụng và cải tiến các công nghệ cũ.
Theo đánh giá, công nghiệp CNTT của Hà Nội là một ngành mới nên năng lực thực tế hiện tại còn tương đối nhỏ, không cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài trên thị trường nội địa.
Đưa CNTT “lột xác”
Tân GĐ Sở BC&VT Hà Nội khẳng định lãnh đạo thành phố đang tỏ rõ quyết tâm từ năm nay sẽ đưa CNTT trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội; đưa Thủ đô thành địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng Chính phủ điện tử. “Hà Nội quyết tâm sẽ chuyển quản lý hoạt động CNTT từ mô hình chương trình sang quản lý như một ngành kinh tế mũi nhọn” - Ông Dũng nói.
Theo ông, trong 3 yếu tố: thị trường, tiếp cận nguồn vốn và nguồn nhân lực, lãnh đạo thành phố xác định phát triển nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ quan trọng số 1 trong năm nay. Theo đó, một trung tâm đào tạo nguồn lực CNTT có diện tích 13.000 m2 sẽ được hoàn thành vào khoảng tháng 6 – 7 năm nay với đầy đủ các loại hình đào tạo, từ e-learning, e-conference… Đây sẽ là cơ sở đào tạo giá rẻ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tốt nhất cho các doanh nghiệp CNTT.
Mục tiêu cao nhất của Sở BC&VT trong năm nay là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Ngay trong tháng 2 này, một đoàn doanh nghiệp CNTT do lãnh đạo thành phố Hà Nội dẫn đầu sẽ sang Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) để tìm kiếm đối tác.
Ngoài ra, thành phố dự kiến sẽ đầu tư ngay khoảng 37 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và khoảng 115 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản cho các dự án của ngành CNTT. Một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng trăm tỷ đồng sẽ ra đời ngay trong năm 2005 để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn đạt cho được các mục tiêu: đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử; hình thành ngành công nghiệp CNTT trong năm 2005 – 2006; hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT&TT giai đoạn 2006 – 2008, đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô” – GĐ Sở BC&VT Hà Nội nói.
Ông Dũng cho biết trong năm nay 19 dịch vụ được trực tuyến để người dân làm thủ tục hành chính thông qua cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (www.hanoi.gov.vn); trong đó phải kể đến cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, nộp thuế, thậm chí cấp thị thực nhập cảnh.
Để thực hiện mục tiêu hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT&TT, những nhiệm vụ phải làm là đường truyền tốc độ cao, hệ thống thông tin tài chính, quản lý đô thị, hệ thống quản lý dân cư… Trong khi đó, một lãnh đạo thành phố cho rằng nhiệm vụ trước mắt Hà Nội cần làm để “lột xác” ngành CNTT là nhanh chóng thành lập một Trung tâm phát triển công nghiệp điện tử, CNTT tại khu vực Nam Thăng Long và khu Công nghệ phần mềm tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.