Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Công nghệ thông tin góp gì cho sự phát triển ĐBSCL?

Tại Hội thảo Kiên Giang, GS Nguyễn Ngọc Trân, phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại thuộc Quốc hội, phân tích bốn lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

CNTT tại khu vực ĐBSCL phát triển có phần chậm hơn so với các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm, mặc dù đây là một địa bàn nhiều tiềm năng đối với CNTT bởi những vấn đề cần giải quyết và mức độ sẵn sàng của người dân nơi đây đối với tiến bộ khoa học và công nghệ.

Trong những khả năng ứng dụng CNTT để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở ĐBSCL, có bốn lĩnh vực cần chú ý: Ứng dụng CNTT vào nghiên cứu thủy lực, thủy văn và lũ; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám vào quản lý lãnh thổ; ứng dụng CNTT trong các mô hình kinh tế lượng phục vụ quy hoạch và kế hoạch hóa phát triển kinh tế-xã hội; và các ứng dụng khác trong lĩnh vực thương mại.

Ứng dụng trong các mô hình thủy văn-thủy lực và khai thác số liệu đo đạc thủy văn

Xuất phát từ những đặc điểm sông nước phong phú của vùng ĐBSCL và từ vị thế cuối nguồn của vùng đất này đối với sông Mê-kông, việc mô hình hóa dòng chảy, ngập lũ, xâm nhập mặn và xói lỡ bồi lắng là lĩnh vực ứng dụng CNTT sớm nhất.

Nhiều mô hình đã được xây dựng từ những năm 1970 (mô hình SOGREAH, VRSAP, TLUC, KOD, HYDROGIS...). Tuy vậy, những ứng dụng ban đầu tập trung vào khâu tính toán, nhập xuất dữ liệu, chỉ thích hợp với các chuyên gia trong ngành. Với sự phát triển của CNTT, gần đây đã ra đời nhiều phần mềm có giao diện thân thiện và phong phú hơn, có khả năng giải được cùng lúc nhiều bài toán. Nhờ đó, phạm vi các đối tượng tham gia ứng dụng đã được mở rộng.

Các phần mềm MIKE, đi vào hướng giải nhiều bài toán dòng chảy tích hợp, đã có mặt trên thị trường. Theo giới thiệu, MIKE 2.1c cho phép mô phỏng dòng chảy hai chiều có tính toán bồi lắng phù sa và sạt lở, hòa loãng các chất hòa tan. MIKE FLOOD cho phép tính toán bài toán lũ. Một số viện, trường, trung tâm nghiên cứu và công ty chuyên về quy hoạch thiết kế thủy lợi ở ĐBSCL đã bắt đầu sử dụng các phần mềm này. Tuy nhiên, phần mềm ISIS lại là phần mềm đã được Uỷ ban Quốc tế sông Mê-kông quyết định dùng để tính toán các bài toán dòng chảy, lũ cho vùng châu thổ sông Mêkông. Các phần mềm MIKE và ISIS có giá bán khá cao nên số đơn vị có khả năng mua và sử dụng, trong điều kiện kinh tế hiện nay bị giới hạn nhiều.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (NCPT) ĐBSCL đã mô phỏng các phương án ngọt hoá bán đảo Cà Mau; mô phỏng các tình huống xâm nhập mặn vào mùa kiệt trên sông Tiền và sông Hậu tương ứng với các phương án lấy nước thêm trong mùa này vào Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau - 1989; những đặc điểm thuỷ văn-thuỷ lực vùng hạ lưu sông Mê-kông, mô hình hoá dòng chảy sông Mê-kông (từ Chiang Saen đến Tân Châu và Châu Đốc) - 1992-1995; phân vùng thuỷ văn-thuỷ lực huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) - 1996; mô hình tính toán lũ và điều khiển ngập lụt trên cơ sở cải tiến mô hình của SOGREAH - 1997-2001.

Từ năm 2000, Đoàn Thủy văn ĐBSCL được trang bị thiết bị đo kỹ thuật số ADCP (Acoustic Doppler Current Profilers), đo đạc cắt lớp dòng chảy bằng sóng hồi âm theo hiệu ứng Doppler, và đã sử dụng vào công tác đo đạc thủy văn. Kết hợp các thiết bị hiện đại này với công cụ tin học phần mềm hỗ trợ ADCP, việc quan trắc thủy văn với thiết bị này sẽ nhanh hơn, làm giảm chi phí quan trắc nhiều lần; có thể đo đạc cắt lớp dòng chảy ở mức độ 50cm/lớp với nhiều chỉ tiêu phong phú (lưu lượng, lưu tốc dòng chảy theo nhiều phương); dữ liệu phong phú, được hệ thống hóa dưới nhiều dạng biểu diễn và có thể truy xuất để phục vụ các tính toán và các mô hình toán. Trung tâm NCPT ĐBSCL nhận thấy các số liệu đo đạc do thiết bị đo ADCP cung cấp có thể giúp nghiên cứu và dự báo quá trình sạt lở các đoạn sông theo lý thuyết “cân bằng năng lượng” trong nghiên cứu ổn định lòng dẫn.

Theo hướng này, trong các năm 2000-2002, TTNCPT ĐBSCL đã khảo sát và nghiên cứu tình trạng xói lở, bồi lắng bờ sông Hậu tại Cần Thơ. Cụ thể, đã xác định được cấu trúc dòng chảy trên toàn mặt cắt ướt ngang sông và giúp xác định các khuynh hướng phát triển tổng thể hình thái mặt cắt (ngang, đứng), cũng như xác định các đoạn xung yếu bị tác động tập trung của dòng chảy, các đặc trưng dòng chảy áp mái tại các điểm xung yếu để đánh giá sức kháng xói của vật liệu mái bờ (kết hợp với kết quả phân tích thành phần vật liệu, cấu trúc, đặc tính cơ lý…) và nguy cơ biến dạng mái bờ.

Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong khai thác và quản lý lãnh thổ

Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL đã sớm sử dụng ảnh viễn thám vào công tác điều tra cơ bản. Khai thác các ảnh vệ tinh LANDSAT, SOYOUZ và SPOT vào các thời điểm khác nhau, kết hợp với bản đồ và ảnh hàng không tỷ lệ lớn, vào giữa thập niên 1980, Chương trình đã khảo sát diễn biến của đường bờ sông Tiền tại thị xã Sa Đéc, nơi có xói lở khá mạnh, vùng các cửa sông Tiền và sông Hậu, vùng bị xói lở ở cửa Bồ Đề, vùng bãi bồi ở Mũi Cà Mau trong 100 năm (1885-1985) nhằm chỉ ra những vùng địa mạo không ổn định và mức độ không ổn định.

Việc xây dựng những bản đồ tổng hợp nhiều yếu tố (bản đồ địa mạo-thổ nhưỡng, bản đồ các đơn vị đất đai,...) từ những bản đồ địa chất, thổ nhưỡng, tài nguyên nước, thảm thực vật, v.v... để đi đến một bản đồ có mục tiêu (như bản đồ thích nghi đối với các loại cây trồng, hoặc bản đồ quy hoạch sử dụng đất chẳng hạn) đều phải đi qua động tác đầu tiên là chồng lắp các bản đồ mà trước đây được thực hiện bằng tay.

Với các tiến bộ của CNTT và khoa học-công nghệ trong lĩnh vực viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS) bắt đầu phát triển đáng kể tại Việt Nam từ giữa thập niên 1990 và đã được nhanh chóng ứng dụng vào công tác quản lý lãnh thổ thông qua việc xây dựng các bản đồ số hóa, liên kết thông tin với các đơn vị đồ bản và chồng lắp, tích hợp các thông tin để tạo thành các đơn vị đồ bản mới.

Việc ứng dụng GIS có nhiều ưu điểm, từ những công tác đơn giản (như xây dựng các lớp bản đồ số hóa) đến các công đoạn phức tạp (như xây dựng các đơn vị đất đai, đơn vị đồ bản có thông tin kèm theo), nhờ khả năng thống nhất hoá và sử dụng đa dạng các thông tin đồ bản, tốc độ xử lý nhanh và chính xác. Do đó, các ứng dụng GIS đã phục vụ đắc lực công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý lãnh thổ, đặc biệt đối với ngành địa chính.

Việc phát triển các phần mềm tin học liên kết với các thiết bị quan trắc (đo đạc thủy văn, quan trắc các chỉ tiêu lý-hóa của nước và không khí...) cũng đã cho phép tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào kết quả quan trắc với độ chính xác ngày càng cao, góp phần liên kết dữ liệu quan trắc với quản lý lảnh thổ một cách hiệu quả và tiện lợi.

Tuy nhiên, một số hạn chế trước mắt của việc ứng dụng GIS và viển thám cũng cần được nghiên cứu khắc phục:

- Việc sử dụng nhiều phần mềm GIS khác nhau (MapInfo, WinGis, Arc, Intergraph, MicroStation, Idrisi...) mà độ tương thích có giới hạn, dẫn đến việc khó chuyển đổi trực tiếp dữ liệu và thông tin kèm theo.

- Các phần mềm GIS, GPS có giá khá cao và hiện phần lớn đều được sử dụng dưới dạng sao chép không bản quyền.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT vào giải ảnh viễn thám, có độ phân giải ngày càng cao, đã cho phép tự động hóa phương pháp diễn dịch ảnh (photo-interprétation) truyền thống bằng các phần mềm phân hạng (classification) ảnh vệ tinh theo nhiều thuật toán. Việc ứng dụng các phần mềm này cho phép giải đoán nhanh ảnh viễn thám với độ phân giải cao và có thể chuyển đổi một cách không khó khăn các kết quả giải đoán sang dữ liệu GIS.

Trong các năm 1993-94, trên cơ sở ảnh SPOT, bằng các giải thuật có giám sát xử lý bằng phần mềm Planète (của ORSTOM) trên hệ điều hành Unix, Trung tâm NCPT ĐBSCL đã giải đoán sáu-tám kiểu rừng và các vuông tôm theo ba mức độ ngập tại rừng ngập mặn Cà Mau.

Trong các năm 1999-2000, Phân Viện Địa lý tại TP.HCM đã kết hợp với Trung tâm NCPT ĐBSCL dùng ảnh LANDSAT có đối chiếu với ảnh RADARSAT, sử dụng phần mềm ENVI để giải đoán các loại sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Hạn chế trước mắt của việc ứng dụng công cụ viễn thám là giá bán khá cao của ảnh cũng như của phần mềm giải đoán. Hạn chế ấy chưa cho phép ứng dụng rộng rãi kỹ thuật này trong việc quản lý và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước,... và so với những chi phí hiện nay, việc nhanh chóng ứng dụng công cụ viễn thám và thông tin địa lý được số hóa vẫn kinh tế hơn và kết quả thu được đáng tin cậy hơn nhiều.

Ứng dụng trong các mô hình kinh tế lượng phục vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Mô phỏng sự phát triển kinh tế-xã hội là tính toán nhiều kịch bản phát triển dựa trên các số liệu về hiện trạng kinh tế-xã hội và trên sự hiểu biết về mối quan hệ giữa các ngành kinh tế thuộc ba khu vực, cũng như về các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thu nhập, tiêu dùng, tích lủy và đầu tư, để từ đó lựa chọn phương án "tốt nhất". Việc mô phỏng sự phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, cho dù các phương án chỉ có độ chính xác tương đối. Các mô hình kinh tế lượng được xây dựng chính là nhằm đáp ứng yêu cầu mô phỏng này.

Trước đây, do giới hạn về điều kiện tính toán, các mô hình kinh tế lượng thường chỉ tính toán "hiệu suất theo quy mô không đổi" hoặc các mô hình đơn giản (như mô hình Harrod-Domar). Các biến nội sinh (thể hiện cấu trúc quan hệ liên ngành giữa các chỉ tiêu kinh tế) và các biến ngoại sinh (thể hiện các tác động ngoại vi lên các chỉ tiêu kinh tế), vốn khá nhiều và lại tác động lên nhau, bị đơn giản hoá rất nhiều. Các mô hình do vậy không thể hiện được đầy đủ cấu trúc kinh tế trong các quy hoạch và dự án phát triển kinh tế-xã hội; các chỉ tiêu quy hoạch tính toán bị hạn chế về mối quan hệ liên ngành. Các kịch bản phát triển, cần thiết để lựa chọn phương án tối ưu, phản ánh thực tế rất có mức độ. Việc cập nhật, từ quy hoạch đến xây dựng kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế xã hội với các kết quả thực tế, cũng vậy.

Sự phát triển của CNTT mở ra khả năng tính toán nhanh, với số lượng lớn dữ liệu, cho phép xây dựng các mô hình kinh tế lượng có cấu trúc và có nhiều biến. Một ví dụ là mô hình kinh tế lượng CGE (Computable General Equilibrium, tạm dịch mô hình cân bằng tổng thể tính toán được). Mô hình này kết hợp nguyên tắc cân đối xuất nhập lượng (Input/Output) với các hàm kinh tế khác, tính toán mối quan hệ giữa các ngành kinh tế thuộc ba khu vực (khu vực I nông lâm ngư nghiệp, khu vực II công nghiệp-xây dựng, khu vực III thương mại dịch vụ); xử lý và lồng ghép một hay nhiều hàm kinh tế vào bảng cân đối liên ngành để định lượng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong cấu trúc quan hệ giữa các ngành kinh tế. Mô hình CGE còn cho phép xây dựng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thu nhập, tiêu dùng, tích luỹ, đầu tư thông qua việc tổng hợp các ma trận tài khoản xã hội SAM (Social Accounting Matrix).

Kể từ năm 1989, Trung tâm NCPT ĐBSCL đã áp dụng mô hình CGE để xây dựng quy hoạch kinh tế-xã hội vùng bán đảo Cà Mau, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Tiền Giang.

Việc ứng dụng các phần mềm bảng tính có tính năng đa tác vụ và liên kết mạnh dữ liệu như Excel, Wingz đã cho phép phát triển các mô hình có thể liên kết trên 25 chuyên đề thuộc ba khu vực kinh tế và phát triển các bài toán con (nếu cần) cho các chuyên đề. Kể từ năm 1994, Trung tâm NCPT ĐBSCL đã ngày càng cải thiện và ứng dụng mô hình CGE vào công tác quy hoạch kinh tế-xã hội các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và các huyện thuộc hai tỉnh này (1997-2004); đồng thời mô hình cũng được sử dụng để phân tích các kịch bản phát triển kinh tế xã hội đối với các phương án kiểm soát lũ tại vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Cần Thơ, quy hoạch dân cư tỉnh Tiền Giang và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Hiện mô hình này đang được ứng dụng để xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Quá trình ứng dụng mô hình CGE vào công tác quy hoạch tổng thể các địa phương trên đã giúp các tỉnh có thể tự xây dựng các kịch bản, phương án phát triển kinh tế-xã hội; trên cơ sở quy hoạch kinh tế-xã hội, các dữ liệu tính toán trong mô hình có thể chuyển sang quy hoạch ngành và xây dựng, cập nhật kế hoạch hàng năm.

Các ứng dụng khác trong thương mại

Như vậy, những khả năng ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL là khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến một lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với phát triển, trong đó CNTT có vai trò không gì có thể thay thế được: lĩnh vực thương mại.

Chúng tôi muốn đề cập trước tiên đến việc tìm hiểu thông tin về giá cả, về các sản phẩm, mẫu mã mới,... về thương mại nói chung, của thị trường thế giới trên mạng; đến việc các doanh nghiệp tự giới thiệu và giới thiệu thương hiệu và các sản phẩm của mình thông qua website của doanh nghiệp trên mạng,... như một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu làm.

Chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển nhanh của thương mại điện tử (cho dù còn có vấn đề an toàn cần giải quyết tốt hơn), của việc chào mời thầu trên mạng, đấu thầu trên mạng, những hoạt động mà nếu chúng ta chậm chân hay vắng mặt thì phần thiệt sẽ thuộc về chúng ta.

Hàng hóa của mình, thị trường của mình, luật lệ của mình, hoạt động trên lãnh thổ của mình nhưng tại sao các mạng lưới dịch vụ phân phối có vốn đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế hầu như tuyệt đối hiện nay? CNTT có thể giúp gì để hoạt động thương mại này của chúng ta sớm có chỗ đứng tại Việt Nam là một câu hỏi cần được đặt ra.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, giống như "hố ngăn cách số" (digital divide) góp phần đào sâu thêm, làm rộng thêm hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia, cơ hội thăng tiến cũng như thu nhập của một người có một sự chênh lệch lớn giữa những người "nối mạng" và những người "không nối mạng" tại tất cả các nước bất luận đã phát triển hay đang phát triển.

Chính vì vậy, mọi nỗ lực "xoá mù tin học", phổ biến nối mạng đều đáng được trân trọng và khuyến khích. Cách đây đã nhiều năm, và từ đó chúng tôi luôn gợi ý với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nên sử dụng nhà bưu điện-văn hoá xã làm điểm để các thầy cô giáo, các y bác sĩ trong xã có thể truy cập Internet hàng tháng một số giờ miễn phí nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để các đối tượng này có được thông tin về nghiệp vụ, giảm bớt nỗi băn khoăn day dứt "đi về vùng sâu, vùng xa là bị cắt đứt với thông tin và kiến thức".

Rất may là Việt Nam chúng ta đã nhìn thấy vấn đề và đã có Chương trình CNTT quốc gia. Mỗi chúng ta hãy góp phần làm cho chương trình này có hiệu quả, thực sự là động lực, là chất men cho sự phát triển của đất nước.

GS Nguyễn Ngọc Trân
 

Các tin tức khác:

Camera đầu tiên tích hợp ổ cứng

Các website cung cấp game miễn phí

Phát hiện điểm yếu trong trình duyệt Internet Explorer

Harry Potter chinh phục không gian điều khiển

Cảnh báo virus: PWSteal.Tarno.K

Firefox: lợi thì có lợi nhưng … phải cẩn thận

Mất mật khẩu hệ thống và phương pháp phục hồi - Phần Cuối

Sử dụng e-mail miễn phí 1 GB

Điện thoại di động có bàn phím như máy tính

Oracle sẽ ban hành miếng vá bảo mật hàng tháng

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone