Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Công nghệ bào mòn trí tưởng tượng
Điện thoại di động, máy tính hay những công nghệ liên lạc hiện đại như IM... được làm ra nhằm tạo thuận tiện cho cuộc sống. Nhưng nếu lạm dụng chúng, người ta sẽ tự hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo của chính mình.
Công nghệ thông tin và viễn thông cho con người khả năng liên lạc nhanh chóng và tiện lợi ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, mặt trái của sự kết nối quá độ cũng đã bắt đầu hiện hữu.
Một kỹ sư thiết kế đồ hoạ tâm sự: "Tôi bỏ IM (Instant Messenger) rồi. Mất thời gian quá! Cả ngày chẳng tập trung vào việc gì được mà nghề của tôi thì rất cần sáng tạo".
Hoạ sĩ máy tính này vốn du học nước ngoài về và là một người nghiện công nghệ. Anh luôn bật hai máy điện thoại di động 24/24 giờ, laptop xách kè kè cả ngày. Anh từng online (lên mạng) thường trực, luôn dùng IM để giữ liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp suốt mấy năm du học và cả thời gian về nước đi làm. Có thời gian, anh chàng ghiền đến nỗi có thiết bị hay phần mềm gì hay mới ra là lùng bằng được để dùng thử và khám phá các tính năng.
Nhưng rồi sự phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật dần khiến anh cảm thấy mình như một con robot, mất dần sức sáng tạo. Có lần đọc một tài liệu khoa học anh biết được não người trung bình mất khoảng 8 phút để tập trung đi vào trạng thái sáng tạo. Thế nhưng, một người làm việc trong văn phòng như anh, cứ 2-3 phút lại bị e-mail, IM, điện thoại... làm gián đoạn. Những phương tiện liên lạc hiện đại vốn là niềm đam mê của anh giờ đây lại ngăn cản anh (và không ít người khác) làm những công việc quan trọng hơn. Anh quyết định bỏ IM vì nhận thấy phần lớn những chuyện trao đổi bằng phương tiện này là tào lao. Nếu có việc cần, điện thoại sẽ là phương tiện duy nhất, nhưng anh cũng bỏ bớt một trong hai chiếc di động và chỉ bật số còn lại từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối. Trên máy tính, anh bỏ bớt chức năng báo e-mail ngay khi gửi tới, chỉ dùng 15 phút đầu buổi sáng và 15 phút cuối giờ chiều để đọc thư và trả lời. Sau một tháng thực hiện, anh cảm thấy thoải mái hơn hẳn, đầu óc trở nên bay bổng, trí tưởng tượng phong phú và công việc hiệu quả hơn.
Nhu cầu kết nối của con người liên tục tăng cao trong khoảng 10 năm qua, kéo theo làn sóng phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và viễn thông. Nhưng một nghiên cứu của hãng HP thực hiện trong năm 2005 cho thấy, 62% số người trưởng thành ở Anh bị nghiện e-mail. Họ liên tục kiểm tra thư mới ngay trong các cuộc họp, sau giờ làm việc và cả khi đi nghỉ mát.
Dan Russell, Quản lý cao cấp của rmột trung tâm nghiên cứu thuộc IBM (Mỹ), khẳng định: "Nếu bạn không có thời gian để tự do mơ mộng và suy tưởng thì về định nghĩa, bạn không sáng tạo".
Việc người ta cố ép trí óc hoạt động đa nhiệm (Multitasking) về bản chất không thể mang lại hiệu quả cao. Khác với máy tính, con người chỉ có thể kết hợp những việc đơn giản như vừa nấu ăn vừa nghe điện thoại, vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su... Ngay đến vừa lái xe vừa nghe điện thoại đã đủ mang lại những nguy hiểm chết người, chưa nói đến những việc phức tạp hơn như vừa lập trình vừa chat và cả nghe điện thoại.
Bởi vậy, một số công ty đã có chính sách tập trung cách ly những nhóm thực hiện dự án ở giai đoạn hoàn thiện quan trọng, nhằm giảm thiểu những tác động bên ngoài và đảm bảo chất lượng tiến độ dự án.
Ngoài những tác động đến cá nhân, việc lạm dụng công nghệ còn dẫn tới nhiều phiền toái cho những người xung quanh. Tiêu biểu là điện thoại di động. Nếu như 10 năm trước, hình ảnh một người cầm "cục gạch" nói oang oang giữa chỗ đông người được nhìn với những ánh mắt ngưỡng mộ và được coi là sành điệu thì giờ đây bị coi là một trong những hành động bất lịch sự. Văn hoá ứng xử và phép xã giao luôn thay đổi, do đó mỗi người cần điều tiết những hành động của mình, trong đó có việc ứng dụng công nghệ. Chính vì những tác động nói trên mà hiện nay một số nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thờ... ở một vài nước đã bắt đầu sử dụng thiết bị chặn sóng điện thoại cục bộ nhằm bảo vệ mọi người khỏi số ít những kẻ bất nhã có khả năng phá hỏng bầu không khí tôn nghiêm, nơi những giá trị tinh thần là quan trọng hơn cả.