Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Cơn lốc giảm giá điện thoại di động
Trong 10 ngày qua, hầu hết các loại điện thoại di động (ĐTDĐ) đều giảm giá mạnh, trung bình khoảng 400.000đ, có loại giảm đến 1 triệu đồng.
Thống kê của Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Thương mại) cũng cho thấy số lượng ĐTDĐ nhập khẩu trong những ngày này đã tăng đến 20% so với cùng thời gian của tháng trước.
Đây chính là kết quả của quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống còn 5% có hiệu lực từ 9-11 vừa qua...
3%, 5% và 10%
Ngay sau khi quyết định giảm thuế có hiệu lực hai ngày, Sony Ericsson đã phát pháo cho cuộc đua giảm giá bằng một chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Có loại máy mới ra mắt cách đó ít ngày với giá 4,99 triệu đồng đã giảm xuống chỉ còn 4,6 triệu như K500i. Có loại giảm hơn 700.000đ (10%) như K700i, hiện còn 6,18 triệu. T630 cũng giảm gần 500.000đ (hơn 10%) để còn 3,88 triệu.
Cách đây không lâu Samsung cũng đồng loạt giảm giá đối với 15 loại máy, từ 300.000 -500.000đ. Trong đó có loại giảm đến 14% như S200 từ 4,3 triệu xuống 3,7 triệu, giảm 10% có các loại E700 xanh từ 6,1 triệu xuống 5,5 triệu, S500 từ 3,9 triệu xuống 3,5 triệu, X430 từ 3,3 triệu xuống 2,99 triệu.
Trong khi đó đại gia Nokia không công bố một cách rầm rộ nhưng cũng âm thầm bật đèn xanh cho các đại lý giảm giá bằng việc bán sỉ với chiết khấu cao hơn trong suốt một thời gian dài để có thời gian chuẩn bị kỹ cho kế hoạch giảm giá.
Sáng nay 25-11, Nokia cũng chính thức công bố đợt giảm giá mạnh. Trong đó loại máy đang hút hàng nhất là 7260 đã tụt giá 400.000đ, còn 5,6 triệu so với khi ra mắt cách đây ba tuần. Các loại máy khác mới xuất hiện cách đây vài tuần với bảng giá khác nay cũng tụt giảm vài trăm ngàn đồng như 6260 còn 6,1 triệu, 6670 còn 7,9 triệu, 2650 còn 2,27 triệu.
Theo nhận định của các chuyên gia chuyên nghiên cứu thị trường ĐTDĐ, trong đợt giảm giá này có loại máy đã giảm rất mạnh, tới hơn 10% vì có thể nhân dịp giảm thuế, các hãng đã kết hợp các chương trình khuyến mãi khác để đưa giá máy xuống thấp.
Tuy nhiên, có một số loại máy chỉ có thể giảm xuống 3% vì hiện thuế giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chịu một số khoản phí khác. Và cũng có loại máy không thể giảm đồng nào vì nhiều lô hàng nhập về trước khi giảm thuế nên phải chịu cảnh ở mức giá cao. Tất nhiên cũng có doanh nghiệp đã cắn răng chịu đựng thất thu để giảm giá máy xuống đúng mức giá sau giảm thuế.
Theo ông Ngô Nguyên Kha, trưởng đại diện Sony Ericsson tại VN, tuy đã nhận thông tin từ trước nhưng không ai biết chính xác ngày quyết định được thực thi, đùng một cái sáng 9-11 thức dậy thì đã thấy các cơ quan thuế áp dụng mức thuế suất mới khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay với các lô hàng mới nhập.
Máy “xách tay” bị đẩy lui?
Để có được mức thuế suất 5%, các hãng ĐTDĐ và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này suốt nhiều năm qua đã phải đấu tranh, than thở với Nhà nước liên tục. Vì với mức thuế nhập khẩu 10% cùng thuế giá trị gia tăng 10% và hàng lô hàng lốc những khoản phí “nhập nhằng” khác khiến giá ĐTDĐ được nhập chính thức luôn đắt hơn giá hàng “xách tay” ít nhất 20%. Đó là lý do chính để hàng “xách tay” làm mưa làm gió thị trường trong khi Nhà nước thất thu thuế.
Nhưng qua khảo sát thị trường những ngày sau giảm thuế, giới kinh doanh ĐTDĐ đã bắt đầu thấy “màu hồng”. Thay vì cán cân 55% nghiêng về máy “xách tay” và 45% nghiêng về hàng nhập khẩu chính thức thì nay vị trí này đã bắt đầu thay đổi.
Nếu như giá máy của hầu hết các loại dưới 5 triệu đồng trước đây có cách biệt giữa hai loại hàng trong khoảng 500.000đ thì nay chỉ còn 300.000đ hoặc ít hơn. Trong khi đó mua máy xách tay sẽ gặp một loạt bất lợi như máy không rõ xuất xứ, không có bảo hành nghiêm túc, nhất là phần mềm thường hay bị lỗi nên người tiêu dùng lãnh đủ.
Ông Huỳnh Việt Thương, giám đốc hệ thống bán lẻ điện thoại Fonemart, phân tích: “Hiện chỉ có hai loại hàng “xách tay”. Một là loại hàng đã có quảng bá nhưng chưa được nhập vào VN, nên khi được xách tay vào đã đẩy giá lên rất cao (có khi gấp đôi như máy Nokia 7260 lúc đầu được bán đến 10 triệu đồng). Loại hàng “xách tay” thứ hai thường là máy cũ được “mông má” lại và bán với giá rẻ”.
Khảo sát từ hệ thống bán lẻ ĐTDĐ hàng đầu VN Fonemart cho thấy mức tăng trưởng doanh số trong những ngày qua đạt đến 20% và dự kiến trong tháng mười một sẽ đạt đến 15 tỉ đồng. Những hệ thống bán lẻ khác cũng cho biết họ đang tăng trưởng 10-15% so với tháng trước.
ĐTDĐ đang vào mùa mua sắm cuối năm và cùng với đợt giảm giá lớn đang diễn ra, dự đoán từ nay đến tết thị trường này sẽ còn nhiều sôi động và thay đổi. Trong đó hàng “xách tay” dường như đã bắt đầu rút lui có trật tự.