Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Comhop.com: "mầm non" thương mại điện tử?
Quán cơm đặt tại "ngõ nhỏ, phố nhỏ" số 8/165 Thái Hà. Điều đáng nói hơn, gắn với quán là một website xinh xắn, thiết kế đơn giản Comhop.com. Chủ quán sinh năm 1977, anh Vũ Thành Tuyên, có vóc dáng nhỏ nhắn, lại có dự định không "bé" chút nào: từ Comhop.com, muốn xây dựng chuỗi cửa hàng ăn nhanh theo mô hình của Mc Donald.
"Bài toán kinh tế" của Comhop.com
"Www.CơmHộp.com - Hãy để chúng tôi chăm sóc bữa ăn của bạn" đó là tên cùng "slogan" của quán ăn được nhắc đến ở trên. Diện tích quán khoảng 60m2, hơn 10 người làm, trong đó có 4 người đi đưa cơm, biển hiệu cũng chỉ là dòng chữ trắng trên nền xanh của mái hiên cửa cuốn.
Dù gọi một suất cơm 10.000 đ, Comhop.com cũng giao hàng. Ảnh: B.D
Xem trên website mới thấy, giá cơm hộp cũng "nhỏ nhỏ, xinh xinh" trong điều kiện "thóc cao gạo kém", nhiều thứ lên giá như hiện nay (từ 10.000 - 16.000 đồng/suất). Cũng trên website có hai số điện thoại, số cố định và số City Phone, thực đơn có cơm thịt, cơm cá, cơm gà, cơm bò, cơm chả giò các loại.
Hỏi anh Tuyên, tổng cộng cho hoạt động kinh doanh theo hình thức này, anh đã đầu tư bao nhiêu? Anh nói: "Chí phí vào quán thì cũng như người ta thôi. Riêng với website, may có anh bạn trong nghề thiết kế giúp nên tới đây thêm việc nâng cấp web cũng mất độ 6,7 triệu đồng".
Quán Cơm hộp ra đời tháng 4/2005, sau đó ít lâu, website comhop.com được post lên mạng, đến nay có gần 5.000 lượt truy cập. Tương ứng theo đó, phía cửa hàng cho biết, đối tượng khách hàng chủ yếu của Comhop.com là nhân viên văn phòng. Sau khi có web, số suất cơm phục vụ tăng lên so với trước khoảng 200 suất mỗi ngày.
Với khoảng 500 suất cơm phục vụ trong một ngày (trưa, tối) hiện nay, nếu tính trung bình 12.000 đồng/ suất thì tổng thu về mỗi ngày là 6 triệu đồng. Một tháng là 180 triệu. Đây cũng chưa phải là "con số trong mơ" đối với những người có ý định mở cửa hàng ăn uống ở Hà Nội bây giờ, nhưng đã thể hiện sự "tăng trưởng" và tác động của của Comhop.com so với bước khởi đầu. Điều này có được là nhờ sự trợ giúp tích cực của các phương tiện công nghệ cao: điện thoại, Internet . Anh Tuyên cho biết : Đây là những bước khởi đầu, và anh cũng không muốn dừng Comhop.com ở quy mô nhỏ...
Để Comhop thành... Mc Donald?
Website Comhop.com khá đơn giản |
Ý tưởng về đưa cơm hộp lên mạng đến với anh Tuyên chính từ hình thức thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới. Anh muốn mua một chiếc ôtô phục vụ việc đi lại, kinh doanh. Một chiếc xe thể thao được rao bán trên mạng khiến anh hài lòng. Sau khi điền đầy đủ thông tin về bản thân để đăng ký mua xe, một người bạn làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu đã giúp anh thanh toán tiền trực tiếp (vì yếu tố thanh toán qua mạng, chuyển khoản vẫn vẫn là một vướng mắc đối với không ít cơ sở, DN kinh doanh qua mạng ở VN).
Mua được chiếc xe đúng ý, giá cả hợp lý và thấy được tiện ích của TMĐT, anh Tuyên - là cựu học viên trường Y học dân tộc - nghĩ ngay đến việc: Tại sao không đưa cơm hộp lên mạng khi mình đang hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, đồng thời đang cung cấp dịch vụ chữa bệnh cho bệnh nhân bằng những bài thuốc tần.
"Tôi muốn từ Comhop.com sẽ thành lập một công xưởng sản xuất đồ ăn nhanh, khai thác theo mô hình của Mc Donald!", anh Tuyên bày tỏ như vậy khi trao đổi với phóng viên VietNamNet. Điều này có vẻ như xa vời khi mà như chính chủ Comhop.com nói, cơ sở của anh còn có một số khó khăn như: chỉ có môt địa điểm bán hàng, trong khi mạng lưới cung cấp khá rộng trên địa bàn Hà Nội. Chưa có nhiều người biết đến hình thức này. Phục vụ tại chỗ không sao, đây phải dùng phương tiện vận chuyển trong điều kiện giá xăng leo thang...
Tuy vậy, anh Tuyên cũng bày tỏ nỗ lực của mình, đó là việc trong thời gian tới mở rộng thêm địa điểm, tăng tính năng, hoàn thiện hơn website - cho đến nay vẫn là website duy nhất tại Việt Nam chuyên về... cơm hộp. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, đa dạng món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để khách có nhiều sự lựa chọn hơn.
Hai buổi trưa, để tìm hiểu thông tin viết bài, tôi gọi điện đăng ký bữa trưa với Comhop. Cả hai lần gọi đều rất muộn (so với quy định trên đăng ký trước 10 giờ trưa) nhưng đều được phục vụ. Lần đầu, chị Trần Thu Hà nhận điện thoại với chiếc City Phone, trả lời niềm nở, hòa nhã. Tôi nghe rõ một anh, có lẽ là người cùng trực điện thoại, nhắc chị Hà: "sao nói chuyện lâu thế!". Như vậy, đúng như anh Tuyên nói: việc đổ dồn điện thoại vào một thời điểm, việc nghẽn mạch thì chưa xảy ra, nhưng tình trạng phục vụ không kịp thì có.
"Khi có nhiều hàng cơm được đưa lên mạng, Comhop.com sẽ bị cạnh tranh, biết đâu website có nguy cơ bị thay đổi thông tin hoặc bị tê liệt vào giờ cao điểm, anh có lường đến điều này?", trước câu hỏi này, anh Tuyên nói: "Đúng là đây cũng là điều chúng tôi cần nghĩ đến để làm sao cho mạng hoạt động thông suốt đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh khi có nhiều người có hình thức kinh doanh tương tự".
Lần thứ hai, tôi gọi cơm lúc gần 2 giờ chiều, Comhop.com vẫn phục vụ một cách nhiệt tình, cởi mở và nhanh chóng. Tuy nhiên, cơm gọi có hai món chính thì khi đem đến bị thiếu hẳn một món. Cửa hàng cho biết đây là trường hợp hiếm hoi xảy ra ngoài ý muốn. Khách hàng có thể thông cảm điều này, nhưng khi đã mang "ước mơ vươn tới... Mc Donald" thì yếu tố dịch vụ hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ - điều mà nhiều DN, cơ sở kinh doanh, cửa hàng của VN còn thiếu - không thể không được tính đến và thực hiện tốt.
-
Bùi Dũng