Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Có điên không, Internet cho cư dân nghèo?

Một chiếc ăng-ten thu tín hiệu Internet tốc độ cao, hình thù kỳ dị được đặt ngay ngắn chính giữa cửa sổ của gia đình nhà Cox. Nó "trao đổi' và giao tiếp với một chiếc ăng-ten khác chễm chệ trên đỉnh toà nhà gần đó. Đến lượt mình, chiếc ăng-ten này lại kết nối với một hệ thống cáp quang trườn dọc theo đường điện thoại bên dưới lòng đất...

Nhưng hãy khoan nghĩ rằng đây là quang cảnh của một thành phố sung túc  với những thiết bị đầu cuối hiện đại bậc nhất. Ngược lại, bạn đang đến thăm một trong những khu ngoại ô nghèo nhất của Philadelphia, và hệ thống mạng Internet nói trên chính là một phần trong chiến dịch hành động xoá bỏ cách biệt về thông tin và sử dụng Internet giữa người giàu và người nghèo tại Mỹ. 

Cũng giống như một kết nối Internet chung được chia đều cho các nhân viên của cùng một doanh nghiệp, mạng Internet đang được san sẻ từ các toà nhà trung tâm trong khu vực sang những khu nhà tồi tàn hơn và những vùng ven. Thay vì phải chờ đến lúc dành dụm, tích cóp đủ tiền để lập tài khoản truy cập băng thông rộng riêng, các cư dân tại đây chỉ cần "xài ké' với những đường mạng chia sẻ nói trên với mức cước chưa đến 15 USD/tháng.

Cả nước Mỹ đang rùng rùng chuyển động trên con đường trở thành một xã hội "kết nối hữu tuyến'. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách không thể không lo đến vực thẳm ngăn cách giữa những người có Internet trong tay và những người không có. Muốn xoá bỏ hay chí ít cũng là thu hẹp vực thẳm ấy, các tầng lớp xã hội, dù ở mức thu nhập nào, cũng cần phải có kết nối Internet. Một chương trình chính phủ có tên E-rate đã được xúc tiến, với mục tiêu trợ cấp đường truyền cho các trường học và thư viện công cộng. Giờ đến lượt các khu vực nông thôn được "phủ sóng' băng thông rộng trong một sáng kiến của tổ chức phi lợi nhuận One Economy.

Định hướng đúng

Chi phí luôn là một vấn đề đau đầu của những người có thu nhập thấp. Trong năm 2002, hơn 75% số hộ gia đình tại Mỹ, thu nhập hơn 50.000 USD một năm, có truy cập Internet. Trong khi đó, tại khu vực những hộ gia đình thu nhập ít hơn 30.000 USD, tỷ lệ này sụt hẳn xuống mức 38%. Đó là chưa kể đến mức cước phí phải đóng nếu muốn dùng Internet tốc độ cao, tối thiểu cũng là 30-50 USD/tháng. Với mức giá như vậy, những người dân nghèo thật khó lòng mà bắt kịp những khu vực phát triển hơn về thông tin.

Internet gia đình có thể giúp trẻ học chữ, giúp phụ huynh làm việc và kinh doanh hiệu quả hơn. Thế nhưng khác với các công nghệ khác như truyền hình hay phát thanh, để sử dụng Internet, người dùng cần có kỹ năng máy tính và kinh nghiệm thực hành mới có thể phát huy được hết sức mạnh của nó. Nghĩa là phổ cập Internet không chỉ đơn giản là lắp một cài máy và cho một đường truyền đến nhà mà còn phải đi kèm với đào tạo và giáo dục.

"Đa số quan chức chính phủ chỉ nghĩ kết nối, kết nối và kết nối cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, cái họ phải tập trung xoá mù kỹ năng thì lại bị lãng quên.' - Eszter Hargittai, giáo sư nghiên cứu thông tin của Đại học Northwestern cho biết.

Trong mắt giới kinh tế, về lâu dài, băng thông rộng có thể cách mạng hoá các dịch vụ xã hội và giáo dục, giúp người lớn tìm việc, giúp trẻ làm bài tập về nhà, chăm sóc y tế và bảo hiểm. Với mục tiêu mang truy cập Internet tốc độ cao và đào tạo sử dụng đến hơn mười triệu người sinh sống ở các khu ngoại ô tồi tàn, trên cơ sở huy động nguồn lực của các khu vực tư nhân, chương trình nói trên của One Economy đã nhận được sự hậu thuẫn của cả hai đảng Dân chủ, Cộng hoà ở Mỹ. 

Các chủ thầu xây dựng, chủ đất, các hãng viễn thông, hãng máy tính và văn phòng dịch vụ xã hội đã được tập hợp vào bàn thảo luận. Chicago, Miami, San Jose và Portland là những bang thí điểm đầu tiên, với mục tiêu cụ thể là thêm 200.000 gia đình thu nhập thấp sử dụng Internet mỗi năm. 

Người vui mừng nhất với chương trình này có lẽ chính là các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), vì họ sẽ thu được một khoản phí, dẫu khiêm tốn, từ những người mà chưa bao giờ họ nghĩ tới. Chủ các toà nhà cũng hoan hỉ vì băng thông rộng đang làm tăng giá trị cho tài sản của họ mà còn đỡ đần được phần nào tiền thuê đường truyền nữa. Ngành công nghiệp mạng và máy tính vui mừng vì bán được sản phẩm. Nói chung là cả làng đều được lợi, và đó là cơ sở để thiết lập một mối hợp tác lâu dài giữa tất cả các bên.

"Nó đã thay đổi cả thế giới của chúng tôi"

Theo chương trình của bang Philadelphia, gia đình nhà Cox - với ba thế hệ phụ nữ đang chung sống - sẽ được truy cập Internet tốc độ cao chỉ với 10 USD/tháng. Và điều đó đã làm thay đổi cả thế giới của họ. Taah là một cô bé học lớp 3 với học lực trung bình kém ở lớp. Cha Taah đang ở tù, còn mẹ cô bé - cô Maya thì đang cần phải ghép thận. Bà của cô, Theodora Cox, 64 tuổi đã đến tuổi nghỉ hưu. 

Tám tháng trước, bà Theodora đọc được một tờ bướm quảng cáo về chương trình One Economy: tham gia khoá đào tạo tin học tám tuần, sẽ có cơ hội mua máy tính với giá chỉ có 120 USD và kết nối băng thông rộng 10 USD/tháng. Bất chấp sự e dè và sợ sệt vốn có trước máy tính, bà đã đăng ký tham gia. Giờ thì Taah đã trở thành "giám đốc công nghệ" trong lớp của nó.' - bà Theodora nói, giọng tràn đầy tự hào. Suốt ngày, hai bà cháu tranh nhau xem ai dạy ai nhiều hơn về máy tính. "Nó ngồi máy tính suốt ngày và giờ còn đi dạy lại cho bọn trẻ trong khu nữa." - bà Theodora kể. 

Ngồi trước màn hình, Maya và bà Theodore cùng nghiên cứu về căn bệnh mà cô đang mắc. Họ trò chuyện với bệnh nhân và các chuyên gia y học tại nước ngoài, với trình độ tất nhiên là đáng nể hơn các bác sĩ địa phương. Bà Theodora thậm chí còn dùng Internet để bán những cây nến bà tự làm cho những người sinh sống tại các vùng lân cận.

Lời đáp cho câu hỏi: "Có điên không đấy?" 

Các tác giả của chương trình One Economy đã bị không ít hãng nhìn với ánh mắt nghi hoặc và chất vấn "Có điên không đấy?" khi tìm kiếm sự giúp đỡ buổi đầu từ các hãng. Sau cuộc khủng hoảng công nghệ cuối năm 2001, các hãng sa thải hàng loạt nhân viên trước khi chính họ rơi vào phá sản, nên còn đâu vốn cũng như nhiệt tình dành cho những ý tưởng kiểu này.

Thế nhưng Cisco đã nhìn xa hơn cuộc suy thoái, khi thiết kế một chương trình dành cho những nhân viên bị tạm nghỉ việc trong thời kỳ khó khăn, để rồi hãng sẽ thuê lại họ khi sóng yên biển lặng. Những nhân viên này sẽ được phân công vào làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận trong thời gian chờ đợi. 13 người trong số họ đã tham gia vào One Economy. Và họ bắt đầu nghiên cứu phương án xây dựng mạng gia đình tại khắp các thành phố trên nước Mỹ. Một người trong số họ thậm chí còn từ chối cơ hội quay trở về làm cho Cisco. 

One Economy đã thành công trong việc vận động 14 bang đưa phổ cập mạng băng thông rộng vào các yêu cầu bỏ thầu xây dựng trong bang. Tổ chức này hiện có 32 nhân viên làm trọn thời gian và 12 cộng tác viên, cùng ngân sách cho cả năm 2004 là 5,2 triệu USD.

Một trong những bí quyết làm nên thành công của họ là chỉ đưa ra phương hướng và cung cấp công cụ, thay vì xắn tay nhảy vào từng công việc chi li của từng địa phương. Chính quyền mỗi nơi sẽ có phương án triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện riêng, từ đó hiệu quả đạt được vừa cao hơn mà quy mô lại rộng hơn. 

Các tin tức khác:

Google mở rộng hoạt động ở Ấn Độ

Lừa qua chat

Một banner đẹp là tập hợp của những điều giản dị

Kiến thức SEO tổng quát dành cho doanh nghiệp

Wi-Fi đang trở thành "điểm nóng"

Trùng lặp nội dung trong Quảng bá web

Tăng tốc cho Từ điển mtd2002

Cảnh sát mạng chống tội phạm mạng: Chạy đua với thời gian

Những phần mềm ra đời từ... bức xúc

Những cái nhất của thư rác trong năm 2003

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone