Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
CNTT-TT Việt Nam đột phá từ đâu?
Chương trình trọng điểm quốc gia về CNTT-TT giai đoạn 2006-2010 có thể gây ảnh hưởng đến diện mạo nền CNTT Việt Nam, nên được nhiều người quan tâm. Để bạn đọc tiện theo dõi, tạp chí TGVT tóm tắt một số điểm đáng chú ý trong dự thảo chương trình.
Do điều kiện, chúng tôi phải bỏ qua rất nhiều phần, nhiều ý và không theo cấu trúc của chương trình. Vì vậy bạn đọc không nên căn cứ vào bản tóm tắt này để đánh giá toàn bộ chương trình.
1.Cơ hội
Điểm cần đột phá chính là việc phát triển đồng thời thị trường và sản phẩm cho CNTT-TT quốc gia. Đây là hai mặt của năng lực quốc gia về CNTT-TT, cần được phối hợp phát triển đồng thời: mặt ứng dụng cần được nâng cao tạo thị trường kích cầu công nghiệp; mặt phát triển cần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cho ứng dụng.
Trong giai đoạn 2006-2010, dịch vụ sẽ là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất, sử dụng CNTT-TT nhiều nhất. Đầu tư có trọng tâm vào dịch vụ sẽ tạo ra hiệu quả lớn nhất. Sử dụng mũi nhọn dịch vụ, tạo ra sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mở rộng thị trường để từng bước tiến tới công nghiệp hóa sẽ giảm được áp lực từ hai phía: chất lượng sản phẩm, công nghệ từ các quốc gia tiên tiến và giá cả cạnh tranh từ các quốc gia có thị trường lớn. Trong lĩnh vực ứng dụng, mũi nhọn sẽ là các dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng trong các ngành dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, thương mại, giao thông vận tải... Trong nông nghiệp, công nghiệp, ứng dụng CNTT-TT sẽ tập trung chủ yếu ở các dịch vụ phục vụ hiện đại hóa, như dịch vụ cung cấp thông tin, tự động hóa sản xuất... Trong lĩnh vực phát triển, bước đầu công nghiệp CNTT sẽ tập trung vào các dịch vụ gia công phần mềm, lắp ráp điện tử, dịch vụ viễn thông, dịch vụ nội dung thông tin...Thế và lực của khu vực dịch vụ và thị trường tiềm năng sẽ là cơ hội lớn nhất để tạo ra sản phẩm và thị trường thực sự cho CNTT-TT.
2. Thách thức
Phát triển sản phẩm và thị trường với các mũi nhọn dịch vụ sẽ gặp những thách thức trong việc xây dựng đồng thời các năng lực sau đây:
Năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là cải thiện môi trường chính sách để giải phóng các năng lực về CNTT-TT
Môi trường chính sách về CNTT-TT tuy có cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất hợp lý. Quy chế tài chính cho đầu tư về CNTT-TT chưa phù hợp với đặc thù của ngành. Chưa có các luật xác thực điện tử hỗ trợ cho chính phủ và thương mại điện tử. Môi trường cạnh tranh chưa thực sự lành mạnh và bình đẳng theo hướng khuyến khích chất lượng. Chưa có cơ chế đánh giá sở hữu trí tuệ.
Năng lực sử dụng các cơ hội, nhất là việc phát triển thị trường bên ngoài
Nhiều cơ hội để phát triển CNTT-TT trong các giai đoạn trước đã bị bỏ lỡ. Phát triển thị trường ở nước ngoài là con đường tất yếu để tránh mức bão hòa tăng trưởng CNTT-TT trong thời kỳ tới.
Năng lực quốc gia về ứng dụng CNTT-TT
Cạnh tranh trong quá trình hội nhập ngày nay là cạnh tranh về năng lực giữa các hệ thống thông tin và ra quyết định, dẫn đến tồn vong, hưng suy của dân tộc. Ứng dụng CNTT-TT là để nâng cao năng lực quốc gia đối phó với những thử thách mới này.
Năng lực sử dụng CNTT-TT và các kỹ năng cao cấp:nhằm tạo ra thị trường và nguồn nhân lực tiềm năng cho CNTT-TT.
Năng lực công nghệ tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ
Năng lực huy động vốn để ứng dụng và phát triển CNTT-TT
Đầu tư của toàn Việt Nam vào CNTT đang ở mức dưới 0,5%, khó có thể tạo ra sự phát triển mạnh. Cần có một thị trường giao dịch sở hữu trí tuệ tốt để các đơn vị CNTT-TT huy động đủ mức vốn cần thiết
3. Quan điểm xây dựng chương trình
Nhấn mạnh việc tập trung các nguồn lực và phối hợp giữa các hoạt động để tạo thành sức mạnh trong thực hiện. Ứng dụng và phát triển CNTT-TT là hai mặt không thể tách rời, vì thế cần phối hợp với nhau tạo thành một sức mạnh tổng thể.
Sử dụng mũi nhọn dịch vụ, đầu tư có hiệu quả, tạo chuyển biến lôi kéo toàn bộ ngành CNTT-TT, giải phóng mọi năng lực xã hội tham gia chương trình và tích lũy các giá trị sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho việc phát triển công nghiệp CNTT.
Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng là giải pháp quan trọng.
4. Một số chỉ tiêu
Đến năm 2010, phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau đây:
CNTT-TT sẽ đóng góp 9% vào mức tăng trưởng của nền kinh tế, 14% vào mức tăng năng suất lao động. Đóng góp của công nghiệp CNTT-TT vào kinh tế đạt 6% GDP. Doanh số xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT đạt 4% GDP.
Có ít nhất 10 dịch vụ công được cung cấp trên phạm vi cả nước. 50% công ty lớn và vừa sử dụng hệ thống tin học quản lý doanh nghiệp. 70% công ty lớn có giao dịch thương mại điện tử; 10% hộ gia đình có thói quen mua sắm trên mạng.
Công nghiệp phần mềm đạt mức tăng trưởng hàng năm 35% và đạt tổng giá trị 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 40%. Công nghiệp phần cứng đạt mức tăng trưởng hàng năm 20%, tổng giá trị sản xuất máy tính, linh kiện và dịch vụ gia công điện tử đạt 1,5 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trong CNTT-TT tăng 50%.
Có quy trình hướng dẫn xây dựng, triển khai, thẩm định và đánh giá hiệu quả đầu tư vào các dự án CNTT-TT. 80% các dự án áp dụng quy trình. Xây dựng chuẩn và kiến trúc thông tin quốc gia. 70% dự án ứng dụng CNTT-TT trong cơ quan nhà nước, 50% các dự án trong doanh nghiệp được xây dựng phù hợp tiêu chuẩn. Xây dựng quy chế tài chính và đầu tư cho CNTT-TT cho phép đánh giá giá trị vô hình của sở hữu trí tuệ.
Mức độ sử dụng Internet và máy tính tăng gấp 3 lần năm 2004. 80% máy tính của DN và cơ quan nhà nước nối mạng, trong đó 50% máy tính có kết nối Internet.
Đào tạo kỹ năng CIO cho trên 1000 người, trưởng dự án và kiến trúc sư hệ thống cho 2000 người và phát triển kinh doanh CNTT-TT cho 2000 người