Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
CNTT Việt Nam: vẫn còn cưỡi ngựa xem hoa
Ngày nay, mức độ phát triển của CNTT là một yêu cầu thiết yếu đối với mỗi nền kinh tế. Tuy nhiên, độ "cao" của công nghệ trong nhiều mặt không quan trọng bằng khả năng ứng dụng công nghệ, cách sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Cần bắt đầu từ đào tạo
Tại VN, mức độ ứng dụng CNTT của chúng ta còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là khả năng ứng dụng CNTT của các bộ phận người dân và cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Nhà nước cũng như tư nhân. Sâu xa hơn là từ mức độ chú trọng tới tính ứng dụng trong giáo dục và đào tạo (GDĐT) CNTT. Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GDĐT, hiện nay chỉ có một phần nhỏ số sinh viên CNTT (chủ yếu thuộc các trường lớn như ĐH Quốc gia, Bách Khoa...) là có khả năng thích ứng với công việc thực tế sau khi ra trường, nhờ việc chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực ứng dụng CNTT ngoài chương trình giảng dạy chính. Một chủ doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT tâm sự, từ vài năm nay, doanh nghiệp của anh liên tục có nhu cầu tuyển thêm người, và đã nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc của các sinh viên CNTT tốt nghiệp từ nhiều trường. Khi phỏng vấn và hỏi về kỹ năng của họ trong các ngôn ngữ lập trình và công nghệ hiện đại như Java, C++, .Net..., phần rất lớn trong số này trả lời một cách mơ hồ là mới chỉ "đọc qua", "đang bắt đầu tự tìm hiểu", hoặc "có nghe nói đến" (!!).
Việc tự học là cực kỳ quan trọng. Nhưng nếu chúng ta không đổi mới và bắt kịp thế giới (chứ chưa nói đến đón đầu) từ gốc rễ chương trình giảng dạy của việc GDĐT CNTT, và xa hơn nữa là tạo một môi trường khuyến khích, thuận lợi cho sinh viên tự trau dồi kiến thức, thì số lượng và chất lượng của những sinh viên có ý thức và khả năng tự học sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của một nền CNTT đang phát triển. ở những nước có nền CNTT tiên tiến, chương trình đào tạo CNTT luôn có sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, giữa giáo trình chính thức và kiến thức tự học. Việc tự học sẽ trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều nếu được dựa vào một khung giáo trình cập nhật, thực tế. Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết thêm, hiện nay Bộ GDĐT đang có kế hoạch và đang chuẩn bị cho một dự án thí điểm đưa chương trình giảng dạy CNTT hiện đại của nước ngoài vào giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh ở một số khoa CNTT của các trường đại học trên cả nước. Hy vọng rằng việc này sẽ sớm được thực hiện một cách hiệu quả, tạo tiền đề cho việc đổi mới rộng khắp trong ngành GDĐT CNTT.
Giải quyết các vấn đề xã hội
Theo thống kê của Cơ quan Phát triển Công nghệ Trung gian của Anh, hiện nay thế giới còn đến 1,6 tỉ người sống hoàn toàn không có điện. 1/3 dân số thế giới (tương đương với 2,4 tỉ người) sử dụng gỗ hoặc các loại chất thải khác để đun nấu và sưởi ấm. Khói từ những lò đun như thế này giết chết 1,6 tỉ người mỗi năm (tức 3 người/phút). Việc nêu lên những con số này cho thấy rằng, đối với một tỉ lệ lớn dân cư trên trái đất, công nghệ cao hay thấp không thực sự quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của họ.
Nhận thức được điều này, hiện nay ở các nước ngày càng xuất hiện nhiều những tổ chức và công ty CNTT đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội lên hàng đầu, nhất là các vấn đề như xoá đói giảm nghèo, giải quyết dịch bệnh, bảo vệ môi trường, hiện đại hoá nông nghiệp... Tiêu chí của CNTT trong các lĩnh vực này là phải hiệu quả nhưng dễ sử dụng, bởi kỹ năng sử dụng CNTT của những người làm việc trong các lĩnh vực này còn rất hạn chế. Có thể kể ra Tổ chức Y tế phi lợi nhuận One World Health (OWH - Mỹ) với mục tiêu tìm các phương thuốc chữa các bệnh truyền nhiễm ở những nước kém phát triển; hay tổ chức Benetech với thư viện trực tuyến gồm hơn 14.000 đầu sách cho người mù, và kế hoạch sản xuất thiết bị cầm tay giúp người mù sử dụng thuận tiện hơn các công cụ phổ biến như máy in, máy photocopy, máy rút tiền tự động... Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ tìm kiếm và thống kê thông tin hiện đại, công nghệ định vị vệ tinh..., nhiều tổ chức toàn cầu hiện nay có được những bản đồ chính xác về tình trạng đói nghèo, bệnh dịch, lạc hậu, mất mùa... ở từng khu vực trên thế giới, từ đó có kế hoạch cứu trợ, giúp đỡ hiệu quả hơn.
Qua trao đổi với một số chuyên gia và lãnh đạo ngành của VN, có thể thấy các ngành môi trường, nông nghiệp, y tế nông thôn... của nước ta hiện nay hầu như chưa hề có dấu ấn của việc ứng dụng hiệu quả CNTT. Số lượng các sản phẩm CNTT "thương hiệu VN" có ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc trong xã hội còn quá ít, và hầu như mới chỉ tạm gọi là thành tựu trong lĩnh vực "tin học văn phòng" (ví dụ như sự phổ biến của bộ hỗ trợ gõ tiếng Việt Vietkey, bộ từ điển Lạc Việt, một vài phần mềm kế toán - tài chính...). Trong khi chúng ta còn đang bận tâm với ngay cả việc chuẩn hoá phông chữ tiếng Việt trên máy tính, thì có lẽ cuộc sống và công việc của rất nhiều người có thể trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu có những ứng dụng đơn giản mà phù hợp cho họ?