Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Chuyển nhượng tên miền .vn: Nên hay không?

Do tên miền cũng là một loại tài sản, nên tiếp tục cấm chuyển nhượng với tất cả các tên miền .vn, hay nên có chế độ riêng cho từng trường hợp và gắn với quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Hạn chế đầu cơ, tranh chấp tên miền

Hệ thống tên miền của Việt Nam cũng như của một số nước khác có những giới hạn nhất định nhằm tránh sự tranh chấp tên miền. Thí dụ, ở Úc, muốn đăng ký tên miền phải có công ty ở quốc gia. Trước đây, Việt Nam quy định công ty nước ngoài không có mặt ở Việt Nam không được đăng ký tên miền .vn. Một số nước thì quy định không có mặt nhưng có nhãn hiệu được bảo hộ tại quốc gia đó thì cũng được đăng ký tên miền. Thậm chí có nước không yêu cầu gì, đăng ký tự do, ai đăng ký trước thì được trước...

Với mong muốn phát triển tên miền .vn, Bộ BCVT đã giảm bớt thủ tục phải có mặt tại Việt Nam và đã cho phép chủ thể nước ngoài đăng ký. Tất nhiên, chủ thể phải giải trình mối quan hệ giữa tên miền xin đăng ký với hoạt động, nhãn hiệu đăng ký, tên công ty và có ý định phát triển ở Việt Nam. Cam kết đăng ký tên miền xong, phải đưa vào sử dụng sau thời hạn tối đa là 60 ngày.

Trên thế giới, có nhiều nước quy định không được chuyển nhượng, đặc biệt nước mới phát triển không cho chuyển nhượng cũng chỉ vì lý do để chống đầu cơ nhằm mục đích kiếm lời. Nguyên tắc cấm đăng ký hoặc sử dụng với mục đích xấu (kể cả kinh doanh kiếm lời, để đầu cơ bán lại cho người hợp pháp đáng được sử dụng) cũng là một cơ sở quan trọng của chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP) của Tổ chức Quản lý Tên miền và Số hiệu Mạng thế giới (ICANN), để giải quyết tranh chấp tên miền dùng chung.

Lợi và bất cập khi cấm chuyển nhượng?

Điều 2, Quyết định 92/2003/QĐ-BBCVT của
Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) ban hành ngày 26/5/2003 về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet ghi rõ: 'Nghiêm cấm việc chuyển nhượng, cho thuê, bán lại tài nguyên Internet dưới bất kỳ hình thức nào'.

Tuy nhiên, tại hội thảo bàn tròn 'Tên miền Internet và tranh chấp tên miền' do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, một số đại biểu đã nêu ra vấn đề tại sao không cho chuyển nhượng tên miền .vn, cùng những bất cập xung quanh việc không cho phép chuyển nhượng tên miền .vn.

Có đại biểu cho rằng tên miền .vn là một tài nguyên tương tự như... đất đai. Chủ thể được quyền sử dụng và chuyển nhượng đất, trong khi tên miền .vn lại không được chuyển nhượng. Hay như lý giải của ông Đào Việt Cường, phó giám đốc Công ty Sở hữu Trí tuệ D&N, việc cấm chuyển nhượng tên miền .vn cũng là vấn đề gây khó khăn, thiệt thòi cho các doanh nghiệp nếu khi giải thể, sáp nhập với doanh nghiệp khác mà tên miền không được chuyển giao.

Theo luật sư (LS) Lê Đăng Thọ, giám đốc điều hành Công ty Sở hữu Trí tuệ Invenco, việc cấm chuyển nhượng tên miền .vn tất nhiên ngăn chặn được nạn đầu cơ tên miền. Trước đây, những người đầu cơ tên miền cứ việc nộp tiền duy trì hàng năm và vĩnh viễn không được chuyển nhượng. Nếu xét thấy lượng tên miền hiện nay đang bị đầu cơ nhiều, VNNIC có thể cho khoảng thời gian để chính bản thân người đầu cơ thấy không có tương lai về chuyện này và rồi cũng phải từ bỏ, hoặc cho phép người đến sau được quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực các tên miền này.

Tuy nhiên, có một thực trạng là rất nhiều công ty hoạt động ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài khi có những thay đổi pháp lý (như đổi tên, sáp nhập, chuyển nhượng) thì phải được kế thừa, kế tục tất cả những đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó có cả tên miền. Bởi vì tên miền gắn liền với thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nổi tiếng. Nếu chỉ chuyển nhượng tên thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu của công ty mà không chuyển nhượng tên miền, sẽ tạo nên hiện tượng hai chủ thể cùng sử dụng song song một cái tên, và điều này sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Khi tên miền là tài sản

Theo bà Nguyễn Thu Trang - chuyên viên Ban Pháp lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có thể xem tên miền như một loại tài sản. Khi đó, việc chuyển nhượng tên miền cũng cần được xem xét từ góc độ chuyển nhượng tài sản. Có ba hình thức: tài sản được chuyển nhượng tự do, hoặc tài sản có thể chuyển nhượng nhưng phải đáp ứng các điều kiện nhất định, hoặc loại tài sản không thể chuyển nhượng.

Đối với tên miền, tuỳ thuộc vào tính chất của tên miền (mà điều kiện khi đăng ký tên miền là một trong các yếu tố tạo nên tính chất của loại tên miền đó), sẽ có ba quy chế khác nhau liên quan đến việc chuyển nhượng: tên miền không thể chuyển nhượng (ví dụ: gov.vn), tên miền có thể chuyển nhượng có điều kiện (ví dụ: edu.vn hay int.vn), và tên miền chuyển nhượng tự do (ví dụ: com.vn).

Việc xác định tên miền thuộc loại nào cần căn cứ vào các điều kiện khi đăng ký tên miền. Do đó, không nên quy định một chế độ chuyển nhượng chung cho tất cả các tên miền mà cần có chế độ riêng cho từng trường hợp.

Chuyển nhượng có điều kiện

LS Lê Đăng Thọ đề xuất: Nên cho phép chuyển nhượng tên miền .vn nhưng phải có điều kiện và cần xiết chặt quy định về việc đăng ký tên miền .vn. Để làm sao cấp tên miền đúng, chính xác cho người sở hữu và người tiêu dùng không bị nhầm lẫn khi hoạt động tên miền đó diễn ra.

Đầu tiên, khi đăng ký tên miền .vn, chủ thể phải xác định tên miền đó không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang được bảo hộ tại Việt Nam. Có thể xuất trình bản đăng ký SHTT ở Việt Nam hoặc ở nước sở tại. Nếu không có bản đăng ký SHTT, người đăng ký phải xuất trình văn ban tra cứu về tình trạng pháp lý đối với tên riêng của tên miền đó. Ví dụ: tên miền sony.com.vn, tra cứu từ riêng Sony có vi phạm quyền SHTT của ai đang được bảo hộ ở Việt Nam hay không? Điều này sẽ giúp đảm bảo gần như tuyệt đối tình trạng các tên miền cấp ra đúng chủ sở hữu thực sự.

Khi đã cấp chính xác được như thế rồi, vấn đề chuyển nhượng tên miền .vn sẽ rất đơn giản. Quá trình chuyển nhượng tên miền .vn cần phải xác định các đối tượng trùng lặp, tương tự các tên miền đang được bảo hộ. Giống như trong lĩnh vực nhãn hiệu hàng hoá, khi chuyển nhượng nhãn hiệu hàng hoá cho một công ty khác, phải tra cứu toàn bộ những nhãn hiệu khác của công ty muốn chuyển nhượng xem có tương tự, trùng lắp với những nhãn hiệu còn lại nhưng không chuyển nhượng. Chỉ khi chuyển nhượng đồng loạt các nhãn hiệu tương tự và trùng lắp này thì việc chuyển nhượng mới được hoàn tất.

Trong tình hình hiện nay, VNNIC cũng phải có quy định rõ ràng: Nếu tổ chức, cá nhân nào đăng ký tên miền nhưng tên miền đó copy của người khác (và lợi dụng nguyên tắc đăng ký trước được trước, nhằm mục đích đầu cơ để sau kiếm lời) thì người đến sau có quyền kiện và đòi lại tên miền đó, nếu như người đến sau chứng minh là họ đã sử dụng cái tên này từ trước.

Cấm chuyển nhượng tự do

Trong khi đó, LS Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng LS Phạm & Liên Danh, lưu ý: Nên hiểu cấm chuyển nhượng ở đây là cấm chuyển nhượng tự do như một thứ hàng hoá trên thị trường mà VNNIC không quản lý được trong quá trình chuyển nhượng. Vì chuyển nhượng tự do dẫn đến nhiều rắc rối phức tạp. Ngoài việc vi phạm quy định đăng ký tên miền, không kiểm soát được thông tin về chủ thể, hoạt động đầu cơ tên miền còn có thể đẩy giá tên miền lên tới hàng triệu USD. 

LS Thành cho hay: Những bất tiện như mọi người nêu ra hoàn toàn có thể giải quyết được với điều kiện là chuyển giao cho người sử dụng hợp pháp, có lợi ích chính đáng, không vì mục đích lợi nhuận. Trường hợp một công ty phá sản, phải bán công ty, nhãn hiệu kèm theo tên miền thì việc chuyển nhượng tên miền này không vi phạm quy định, và VNNIC sẽ hỗ trợ dưới hình thức thu hồi và cấp lại.

Trên thực tế, những vụ chuyển giao tên miền không có mục đích xấu, động cơ kiếm lời hoàn toàn có thể thực hiện ở Việt Nam. Về mặt hình thức pháp lý là thu hồi và cấp mới, nhưng thực chất đó là chuyển giao từ người A sang người B. Khi chủ thể A trả lại, VNNIC sẽ phải thu hồi và khi đó chủ thể B có nhu cầu đến xin cấp mới. VNNIC sẽ xét hoạt động và quyền lợi hợp pháp của họ đối với tên miền, nếu hợp lý, thì cấp mới.

Và LS Thành dẫn chứng chuyện đăng ký tên miền .vn của Visa, như một thí dụ minh chứng: Cách đây khoảng chín tháng, Văn phòng LS Phạm & Liên Danh đại diện cho Visa đăng ký tên miền visa.com.vn, khi làm thủ tục mới biết Công ty TNHH Thương mại Thông tin Việt Nam đã đăng ký tên miền này rồi. Liên hệ với công ty này nhưng họ không trả lời, Visa đã làm đơn khiếu nại lên Bộ BCVT. Theo quy chế hiện hành, VNNIC hoàn toàn có quyền giải quyết. Nhưng vì chưa có cơ chế cụ thể nên Visa phải trình lên cấp Bộ. Sau khi Bộ BCVT có ý kiến chỉ đạo VNNIC là trung gian đứng ra giải quyết, Công ty TNHH Thương mại Thông tin Việt Nam chấp nhận trả lại, VNNIC làm động tác thu hồi. Ngày 14/7 vừa qua, VNNIC đã cấp phát tên miền ấy cho Visa International Service Association. 

Gắn đăng ký tên miền với sở hữu trí tuệ

LS Lê Đăng Thọ nhận định: Tên miền, thương hiệu và nhãn hiệu có quan hệ mật thiết, người tiêu dùng nhìn thương hiệu có thể biết ngay giá trị của sản phẩm là như thế nào. Chính vì vậy, nếu tách riêng hai lĩnh vực đăng ký tên miền với quyền SHTT, sẽ làm phát sinh nhiều chuyện lủng củng, mâu thuẫn và sau này có thể dẫn đến hậu quả rất khó xử lý.

Một số tên miền liên quan đến tên chung của các  ngành được các cá nhân đăng ký

- tintuc.com.vn
- car.com.vn
- edu.com.vn
- oto.com.vn
- finance.com.vn
- medicine.com.vn
- thuonghieu.com.vn
- bank.com.vn
- chungkhoan.com.vn

Cách đây bảy năm, việc cấp visa thuốc là một lĩnh vực độc lập, tồn tại song song và không có mối quan hệ với đăng ký quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN). Cục Quản lý Dược cứ cấp visa thuốc, còn phía Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH-CN) cứ cấp văn bằng bảo hộ về SHCN, dẫn đến tình trạng cấp visa thuốc vi phạm quyền SHCN. Sau đó, Bộ Y tế và Bộ KH-CN đã làm việc với nhau và thống nhất: Khi đăng ký cấp visa thuốc, phải xuất trình thông tin thuốc đó không vi phạm quyền SHCN.

Từ kinh nghiệm đó, theo LS Thọ, Bộ BCVT nên làm việc với Bộ KH-CN và có cơ chế cộng tác cụ thể giữa VNNIC với Cục SHCN (thuộc Bộ KH-CN). Khi ấy, việc cấp tên miền có tham vấn về quyền SHTT hiện đang bảo hộ ở Việt Nam thì độ chính xác, tin cậy cao hơn rất nhiều và những người có tư tưởng đầu cơ tên miền sẽ không còn đất hoạt động.

Thắt chặt quản lý tên miền chung

Trước tình trạng có nhiều tên miền chung của các ngành bị một số cá nhân đăng ký, LS Thọ nhận xét: Do quy định hiện nay còn sơ hở, chưa chặt chẽ nên nhiều người đã lợi dụng chiếm tên miền chung thành cái riêng của họ. Rõ ràng, thuốc (medicine) do ngành dược quản lý và car (oto) có ngành công nghiệp nặng quản lý. Một cá nhân không thể lấy luôn một cái chung được.

Điều 9, Quyết định 92/2003/QĐ-BBCVT quy định: Tránh đăng ký các tên miền liên quan tới tên các địa danh, danh nhân, lãnh tụ hay liên quan tới các tên chung của một ngành kinh tế, chủng loại hàng hoá, sản phẩm, tên các loại dược phẩm, tổ chức liên chính phủ, tổ chức chính trị, xã hội. Trong trường hợp có nhu cầu đăng ký, cần có sở cứ rõ ràng.

Chính vì vậy, cơ quan chủ quản từng ngành nên đăng ký tên miền chung và sau đó có quy chế để sử dụng tên miền chung này cho các đối tượng khác, nhằm đảm bảo tính thống nhất. LS Thọ giải thích: Tên miền chung đó có thể là của một ngành nhưng sẽ kèm theo cái riêng của từng tổ chức, cá nhân. Những người muốn sử dụng tên miền chung đó phải kèm theo điều kiện nào đó và phải thêm phần tên riêng của họ, để tất cả mọi người đều được sử dụng tên miền chung.

Ví dụ: có nhiều loại thuốc và có nhiều công ty cung cấp thuốc, tất nhiên sẽ phải có cái chung và cái riêng. Cá nhân phải dùng tên riêng kết hợp với tên miền chung. Khi tìm kiếm tên miền chung, sẽ ra tất cả các tên riêng, từ đó có thể phân biệt loại thuốc và công ty cung cấp...

Đẩy mạnh quảng bá tên miền

Thời gian qua, VNNIC đã có nhiều cố gắng tích cực để đảm bảo việc cấp tên miền cho đúng người, đúng quy định. Bên cạnh việc thông báo tên miền có khả năng tranh chấp qua mạng, VNNIC còn gửi thư thông báo cho những chủ thể có tên miền đang bị đăng ký. Sau thời hạn ba ngày nếu không có tranh chấp, VNNIC mới xét cấp chính thức tên miền đó.

- Mặc dù vậy, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng tên miền không phải của họ mà lại là của một người khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này? - chúng tôi hỏi.

Vài tên miền của các công ty nổi tiếng được đăng ký bởi ông L.G.K. và Công ty TNHH G.H. (do ông K. làm giám đốc)

- bmw.com.vn
- ibm.com.vn
- 3com.com.vn
- isuzu.com.vn
- niit.com.vn
- tcl.com.vn

- LS Lê Đăng Thọ: Ở đây, có ba tồn tại. Thứ nhất, việc quảng bá tuyên truyền vấn đề tên miền còn hạn chế. Thứ hai, do website của VNNIC chưa phổ biến rộng rãi nên thời hạn ba ngày là không thể đủ để cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước biết được thông tin đó. Thứ ba, việc gửi thư chưa chắc đến tay người chủ doanh nghiệp, người có quyền quyết định. Từ đó, đã dẫn tới việc cấp nhiều tên miền... sai địa chỉ!

Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn chưa đăng ký tên miền .vn chẳng qua là do chưa biết thông tin. Vì vậy, vấn đề tổ chức hội thảo khu vực, quốc tế, tập huấn, nâng cao nhận thức, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... cần phải làm ráo riết, làm nhiều góc cạnh hơn.

Các tin tức khác:

Internet ADSL tại Pháp: Cuộc chiến khốc liệt về giá cả

Google thử nghiệm dịch vụ tìm kiếm doanh nghiệp tại Trung Quốc

FPT đền bù thiệt hại 3,5 tỉ đồng cho khách hàng

Windows 2000 Server: Những thuộc tính - Bài 5

Bầu cử điện tử êm thấm trong ngày thứ ba

Telmin 5 sẽ diễn ra vào tháng 9/2005 tại Việt Nam

Opera, Firefox tranh nhau giải trình duyệt tốt nhất

Cáp truyền hình: sẽ có thêm Internet

Thách thức dành cho Web linh hoạt

Kiến thức cơ bản về Virtual LANs

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone