Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Chuyển đổi sang mã nguồn mở cần có chiến lược cụ thể
"Phải xác định phạm vi ưu tiên, khảo sát hạ tầng thông tin, dự đoán và kiểm soát phát sinh...", chuyên gia CNTT người Đức Peter Flath chia sẻ những kinh nghiệm tại hội thảo "Kinh nghiệm chuyển đổi sang phần mềm nguồn mở" tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội.
Là một quốc gia phát triển, Đức có đầy đủ lý do và điều kiện để theo đuổi những dự án mã nguồn mở và đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công trong lĩnh vực này. Từ năm 2004, 14.000 máy tính của các cơ quan hành chính, 11.000 máy tính của lực lượng cảnh sát ở nước này đã bắt đầu chuyển sang sử dụng hệ điều hành cũng như các ứng dụng mã nguồn mở.
Chỉ ra những mắt xích quan trọng dẫn đến thành công của quá trình nói trên, ông Flath (hiện là chuyên gia cao cấp của hãng Mummert Consulting AG, đơn vị tư vấn cho dự án chuyển đổi hệ thống phần mềm của lực lượng cảnh sát Đức) nói: "Phải có chiến lược cụ thể, xác định rõ ràng phạm vi ưu tiên, khảo sát hạ tầng thông tin hiện có, dự đoán chính xác những phát sinh liên quan trước khi tiến hành chuyển đổi. Quá trình này cần bắt đầu từ ý tưởng rồi đến việc xây dựng kế hoạch tổng thể, bao gồm phát triển, thử nghiệm, thí điểm và tiến hành khai thác sau khi đã triển khai thành công".
Chuyên gia này cũng khẳng định những nỗ lực phát triển và chuyển đổi sang phần mềm mã mở ở Việt Nam là việc làm hết sức cần thiết. Ông cũng nhấn mạnh đến lợi ích sâu xa của việc đầu tư phát triển phần mềm mã mở: "Ngân sách đầu tư vẫn nằm lại trong nước. Tiền sẽ không bị chảy vào túi của các công ty phần mềm nước ngoài".
Tại Việt Nam, nhiều chương trình phát triển và chuyển đổi sang mã nguồn mở cũng đã được triển khai, một số đã cho kết quả thành công bước đầu. Dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý của Trung tâm CNTT trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng CSVN, phát triển trên cơ sở các ứng dụng mã nguồn mở, là một ví dụ. Hiện tại, đã có gần 70% số cơ quan Đảng cấp quận, huyện được trang bị mạng LAN với ít nhất 1 máy chủ và từ 3 đến 5 máy trạm. Số máy tính này được kết nối tạo thành mạng diện rộng trên cả nước, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Kinh nghiệm triển khai cho thấy việc chuyển đổi sang phần mềm mã mở cần tiến hành theo từng bước cụ thể để không làm gián đoạn công việc và phải song song với công tác đào tạo sử dụng cho các bộ quản lý và chuyên viên kỹ thuật. Việc phối hợp với đơn vị khác, trong đó có các cơ quan, doanh nghiệp chuyên trách về CNTT, là điều hết sức cần thiết. PSG-TS. Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm CNTT Văn phòng Trung ương Đảng, cho rằng: "Phát triển và chuyển đổi sang phần mềm mã nguồn mở không chỉ gói gọn trong việc giải quyết vấn đề chi phí bản quyền của phần mềm đóng gói hợp pháp mà còn là giải pháp cho tương lai, khẳng định năng lực cũng như tính độc lập tự chủ của chúng ta”.
Hệ thống thông tin y tế theo khu vực (DHIS), với sự hợp tác của Đại học Oslo (Na Uy), cũng đã triển khai thí điểm thành công tại 2 khu vực là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm vừa qua.
Tập trung nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia kỹ thuật và người sử dụng cũng là một việc làm quan trọng trong quá trình phát triển và chuyển đổi, theo nhận định của ông Nguyễn Trung Quỳnh, Giám đốc Ban quản lý dự án phần mềm nguồn mở (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ông Quỳnh cho biết, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới, 1 trung tâm nhân lực mã nguồn mở sẽ ra đời, làm đầu mối cho các chương trình phát triển và chuyển đổi phần mềm tại Việt Nam.