Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Chúng tôi muốn mua PC giá rẻ
Khởi động sức trẻ Thánh Gióng là dự án phổ cập tin học cho người dân vùng xa do Trung ương Đoàn phát động. Việc thực hiện thí điểm tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Tây... cho thấy nhu cầu của người dân không chỉ dừng lại ở việc biết sử dụng PC hay truy cập Internet.
Với những chỉ bảo hướng dẫn của các sinh viên tình nguyện, sau một tháng học tập, Nguyễn Khánh Hòa cùng nhiều học viên khác ở Đông Hưng (Thái Bình) đã biết soạn thảo văn bản, tạo thư mục, tìm kiếm thông tin trên mạng... Tuy nhiên, dù đạt số điểm 9,75, cao nhất kỳ thi sát hạch cuối khóa, Hòa vẫn băn khoăn rằng nếu chương trình kết thúc, không có máy tính để luyện tập thường xuyên thì những kiến thức học được sẽ rơi rụng dần.
Nhiều người cũng có chung tâm trạng với Hòa, đặc biệt là lãnh đạo địa phương. Chiếm 1 phần không nhỏ trong số lượng học viên là các cán bộ của thị trấn. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không có máy tính tại nhà, thậm chí toàn bộ cơ sở của Ủy ban nhân dân của thị trấn cũng không có lấy 1 bộ PC.
Ông Bùi Lê Tá, Chủ tịch Hội khuyến học thị trấn, bày tỏ: "Chương trình này cần được đầu tư sâu hơn nữa. Bản thân chúng tôi rất lúng túng khi tiếp cận công nghệ mới, thậm chí chưa rõ là sẽ phải đưa những kiến thức này vào sử dụng cho cái gì trong khi điều kiện tiếp xúc với công nghệ lại không có".
Thiếu máy tính cũng là một trong những khó khăn của những người chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân. Bùi Trần Hiếu, đội trưởng đội sinh viên tình nguyện tại Đông Hưng, cho biết: "Lúc đầu chỉ có 5 PC của Công ty CMS cho mượn, chúng em đề nghị tăng cường thêm 2 chiếc nữa. Vậy mà 3, 4 người vẫn phải chung nhau 1 máy nên việc dạy và học khá vất vả".
"Còn nhiều người chưa được học như chúng tôi nên chương trình hấp dẫn này cần được nhân rộng hơn nữa", cụ Hoàng Trấn, học viên 71 tuổi, nêu ý kiến. "Và quan trọng hơn là chúng tôi rất cần có máy tính nhưng không biết phải mua ở đâu, mua của ai đáng tin cậy".
Ông Trương Gia Bình, Phó Ban chỉ đạo xây dựng dự án phổ cập tin học, gợi ý địa phương nhận số máy tính này rồi giao cho Đoàn thanh niên quản lý, mục đích vừa phục vụ các tổ chức hành chính của địa phương, vừa để làm dịch vụ. Tiền thu được sẽ thanh toán cho máy và làm vốn quay vòng.
Thầy giáo Thắng của địa phương góp ý kiến: "Chúng tôi muốn được mua những chiếc máy tính giá rẻ. Nếu những cơ quan công sở trên thành phố có nhu cầu nâng cấp, sử dụng những công nghệ hiện đại thì hãy chuyển giao những máy tính cũ, lỗi thời cho những người dân vùng xa. Như vậy tránh lãng phí cho cả hai bên".
Ông Bình cho đây là một sáng kiến rất hay và hứa sẽ có đề nghị với chính phủ và các cơ quan, công sở để có thể biến ý tưởng này thành hiện thực.
Cũng theo ông Bình, yếu tố "hạt nhân" trong mô hình phổ cập tin học đặc biệt quan trọng. Vì đây chính là lực lượng nòng cốt để duy trì và phát triển dự án. Với mỗi người nắm chắc kiến thức tin học thì sẽ có 3 người khác được đào tạo tiếp theo. Chính vì lẽ đó, việc thành công hay thất bại của dự án phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng tình nguyện. Từ kinh nghiệm triển khai thử của Hà Tây, Sóc Sơn, Thái Bình, Bắc Ninh, Ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm để sang năm sẽ tiến hành thử nghiệm tại 15 tỉnh và năm 2006 sẽ đưa dự án vào thực hiện trên toàn quốc.