Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Chỉ số cạnh tranh công nghệ của VN: 68/102
Việt Nam đạt 3,13 điểm và đứng thứ 68 về Chỉ số sẵn sàng nối mạng (NRI) trong tổng số 102 nước được xếp hạng, theo Báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu 2003-2004 được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 9-12. Trong khi đó, theo báo cáo tương tự năm 2002-2003, Việt Nam xếp thứ 71 trên tổng số 82 nước, với 2,96 điểm. Theo định nghĩa của WEF, NRI là "mức độ chuẩn bị của một nước hay cộng đồng để tham gia và hưởng lợi từ các phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)". Chỉ số này được dùng không chỉ để đánh giá sự phát triển và sử dụng ICT của một nước, mà còn giúp hiểu thêm khả năng vận dụng những thành tựu công nghệ để tạo sức mạnh cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Năm nước đứng đầu bảng năm 2003-2004 là Mỹ (5,50 điểm), Singapore (5,40), Phần Lan (5,23), Thuỵ điển (5,20) và Đan Mạch (5,19). Hàn Quốc đứng thứ 20, Malaysia: 26, Thái Lan: 38, Trung Quốc: 51, Philippines: 69, Indonesia: 73... NRI được hợp thành căn cứ vào ba yếu tố: môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho ICT, sự sẵn sàng của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ cho việc sử dụng và thụ hưởng ICT, và mức sử dụng ICT của nước đó hiện nay. Trong đó với Việt Nam đáng lưu ý là chỉ số sử dụng: trong khi chỉ số sử dụng cá nhân ở VN hạng 79/102, thì chỉ số sử dụng của doanh nghiệp được hạng 53/102 và chỉ số sử dụng của chính phủ là 50/102. Thế nhưng thứ hạng của môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho ICT của Việt Nam lại cách biệt khá xa giữa hạng 92 (2,06 điểm) của môi trường hạ tầng trong khi môi trường thị trường lên được hạng khá 38 (2,91 điểm) và môi trường điều phối và chính trị hạng 78 (3,43 điểm). Trong phần bình luận về châu Á, một báo cáo khác mang tên Sự phổ biến ICT toàn cầu của WEF cho biết, gia tăng mạnh nhất người sử dụng Internet ở châu Á là Hàn Quốc, với 15 triệu người dùng mới trong ba năm. Việt Nam và Thái Lan được nhắc tới nhờ sự gia tăng đường điện thoại: Việt Nam tăng 1,6 triệu tuyến trong khi Thái Lan là 1,2 triệu. Các báo cáo này đã được đưa ra ngay trước ngày khai mạc giai đoạn đầu của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về xã hội thông tin (WSIS) tại Geneva, với sự tham dự của 16.000 đại biểu thuộc 150 quốc gia. Nhiệm vụ của Hội nghị: lập ra một khung hành động toàn cầu để tất cả các quốc gia đều có thể thụ hưởng lợi ích của kỷ nguyên thông tin. Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề được đặt ra cho nhân loại trong xã hội thông tin này, như công nghệ mới làm tăng khoảng cách giàu nghèo (như số người sự dụng Internet tại Nhật nhiều gấp sáu lần toàn Phi châu, lục địa vớn có dân số nhiều hơn sáu lần); vấn đề bảo vệ quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời một xã hội được nối mạng tốt hơn sẽ làm tăng nguy cơ virus tấn công vào hệ thống chính phủ điện tử, hay các công ty sẽ mất lợi thế khi kỹ năng của họ bị sao chép và lan truyền. Vì những vấn đề đồ sộ này nên hội nghị Geneva sẽ là giai đoạn đầu của hội nghị thượng đỉnh hai giai đoạn, với phần thứ hai sẽ tiếp nối tại Tunisia 11- 2005. Mục tiêu chính của chúng là đưa ra một kế hoạch hành động và một tuyên bố các nguyên tắc của xã hội thông tin. Một trong những vướng mắc của hội nghị Geneva là vấn đề phân phối tên miền trên Internet. Hiện nay một tổ chức Mỹ là ICANN (gần như trực thuộc Bộ thương mại Mỹ) đang điều phối lĩnh vực này. Nhiều nước đã chống lại vai trò toàn cầu này của ICANN và đề nghị chuyển việc kiểm soát lĩnh vực này cho LHQ, qua Liên đoàn viễn thông quốc tế (ITU). Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu không đồng ý phương án này vì cho rằng nó tăng cường ảnh hưởng quốc gia lên Internet. Các đại biểu đã đạt được mộ giải pháp thoả hiệp trước khi bước vào hội nghị: một công thức điều phối không hạ thấp vai trò của ICANN nhưng sẽ tác động vào hoạt động ICANN qua một cơ chế của LHQ.