Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
CAN-SPAM không chặn nổi "trận hồng thuỷ" thư rác
Bộ luật đầu tiên ở Mỹ nhằm trực tiếp vào thư rác (spam) và những kẻ phát tán (spammmer) đã tỏ ra... bất lực khi chỉ có vài spammer bị lôi ra toà trong suốt năm 2004. Chưa hết, tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy thư rác vẫn liên tục phát triển và... đè bẹp cả số lượng thư hợp pháp!
Được ký duyệt chính thức vào ngày 16/12/2003, Luật CAN-SPAM cho phép các nhà chức trách quy kết mọi hành vi giả mạo "địa chỉ gửi FROM" và dòng "chủ đề Subject" trong mail để lừa gạt người dùng click vào là phạm pháp. Luật này cũng yêu cầu người gửi thư rác phải tạo lập một đường link "Ngừng gửi thư" (tất nhiên là không phải link chết) bên trong email, đồng thời phải tôn trọng và chấp hành yêu cầu này từ phía người tiêu dùng. CAN-SPAM không cho phép cá nhân sử dụng email khởi kiện các spammer - một sự bỏ sót mà theo giới chuyên gia là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nó đã mở ra cánh cửa để các vị thẩm phán liên bang cũng như các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngăn chặn những kẻ vi phạm pháp luật.
Bốn nhà cung cấp dịch vụ email lớn nhất nước Mỹ - AOL, Microsoft, Yahoo! và Earthlink thuộc vào số những cái tên ủng hộ tích cực nhất cho CAN-SPAM. Họ không tiêu phí bất cứ khoảng thời gian chờ đợi nào mà ngay lập tức nổ súng tấn công. Tháng 3/2004, với công cụ mới trong tay, bốn hãng này đã khởi động một loạt vụ kiện nhắm đến một số spammer "mắn gửi" trên hệ thống mạng của mình. Đợt kiện rầm rộ thứ hai được mở lại sau đó bảy tháng, vào tháng 10/2004.
Trên mặt trận toà án, một thẩm phán tại Virgina trong tháng 11 đã đề nghị bản án chín năm tù giam cho nguyên đơn - một người đàn ông sống tại Bắc Carolina. Ông này đã trở thành người đầu tiên trên thế giới bị kết án trọng tội vì phát tán thư rác, dựa theo luật chống thư rác của bang Virginia. (Về cơ bản là tương đồng với luật Liên bang song án phạt nghiêm khắc và mạnh tay hơn.)
Những người ủng hộ nói rằng đây là một sự khởi đầu tuyệt vời, và chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai. Tuy nhiên, ngoại trừ các ông nghị, dường như không ai khác nghĩ như thế.
Thực tế phũ phàng
Thông qua tất cả các hoạt động nơi phòng xử án, cũng như mức độ chú ý mà dư luận dành cho nó, có thể nói thư rác chưa bao giờ tỏ ra chững lại vì CAN-SPAM, nếu không muốn nói là còn tăng trưởng trên gần như tất cả các khía cạnh. Vào thời điểm đầu năm 2003, thư rác mới chỉ chiếm khoảng 50% tổng lượng email - theo Postini, một công ty chống thư rác quét tới 400 triệu email mỗi ngày cho các khách hàng của mình. Đến khi Luật CAN-SPAM được thông qua vào cuối năm đó, tỷ lệ nói trên đã tăng xấp xỉ tới... 75%. Trong cả năm 2004, thư rác luôn đứng vững ở mức này, đôi khi còn leo lên tới 80% tổng lượng email lưu chuyển trên web.
Nếu ai đó còn nghi ngờ thì xin cung cấp thêm số liệu từ một hãng khác: Theo MX Logic, một hãng chống thư rác chuyên nghiệp có trụ sở tại Denver, vào thời điểm tháng 12/2003, khi Luật CAN-SPAM chưa có hiệu lực, thư rác chỉ chiếm khoảng 67% tổng số email. Nhưng giờ đây, con số đó đã là 77%. Cũng theo theo dõi của MX Logic, số lượng thư rác tuân theo các quy định về "đánh dấu mở rộng" của CAN-SPAM chỉ chiếm có... 3% mà thôi.
Lỗi do luật?
John Levine, người điều hành một ISP nhỏ tại New York tỏ ra rất bức xúc: "Nó (Can-Spam) hoàn toàn vô tác dụng. Tôi chẳng thấy thư rác giảm xuống. Tôi cũng chẳng thấy bọn spammer bỏ ra bất cứ nỗ lực nào, dù nhỏ, để tuân theo những điều Can-Spam quy định. Rõ ràng là họ nghĩ họ chẳng thể bị bắt".
Tuy nhiên, Michael Osterman, chủ tịch của Osterman Research Inc - một hãng nghiên cứu tại Washington chuyên về ngành công nghiệp email và instant messaging, lại cho rằng thất bại trước thư rác không phải là lỗi của những người làm luật. "Vấn đề nằm ở chỗ: thư rác cũng gần như ma tuý - một bộ luật dù được viết kín kẽ đến đâu - cũng không thể phát huy được tác dụng. Ngành công nghiệp thư rác thực chất là một ngành... đen tối". Công nghệ nền của email cho phép các spammer che giấu danh tính cực kỳ dễ dàng, chỉ cần sử dụng vài tá xảo thuật, bao gồm cả gửi tin nhắn từ máy tính nhiễm virus của những người sử dụng Internet "ngây thơ".