Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Cần tiến hành vụ kiện điển hình để hạn chế lậu phần mềm

Đó là giải pháp khả thi nhất, có thể mang lại hiệu quả tích cực trong việc hạn chế tình trạng phần mềm bị sao chép trái phép tràn lan, được nhiều nhà sản xuất phần mềm TP HCM bàn thảo và thống nhất vào sáng 15/10.

Theo ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty phần mềm quản lý doanh nghiệp FAST, phần mềm trong nước hiện bị copy lậu một cách dễ dàng và ngang nhiên. Phần lớn đối tượng vi phạm là nhân viên trong doanh nghiệp, là thành viên đồng sáng tạo sản phẩm. Những người này chỉ cần lắp thêm phần cứng vào máy và mất 1-2 giờ làm thêm là có thể chiếm lĩnh hoàn toàn phần mềm. FAST đã có khoảng 7 sản phẩm bị sao chép như vậy.

"Chúng tôi vô cùng bức xúc vì quyền lợi bị xâm hại, nhưng không biết đường đi nước bước thế nào để đòi lại công bằng cho mình", ông Khánh nói. Việc chứng minh được doanh nghiệp là chủ quyền đích thực của sản phẩm không đơn giản. Vì phần mềm khác với tác phẩm văn học hay nhạc phẩm. Người viết văn, viết nhạc có thể nhận dạng rõ "đứa con" của mình, do đó là sáng tạo cá nhân. Còn phần mềm thường là sáng tạo của nhiều người và dễ có phiên bản.

Công ty Cổ phần tư vấn và dịch vụ khoa học kỹ thuật (Scitec) cũng là nạn nhân thường xuyên của nạn ăn cắp bản quyền phần mềm. Ông Trần Hà Nam, Giám đốc công ty cho biết, trước đây, ông đã dự một hội thảo về việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và thấy rằng cách tốt nhất để bảo vệ tác quyền phần mềm là phải kiện. "Suy cho cùng, xử lý vi phạm bằng pháp luật là biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Phải xem hành vi vi phạm bản quyền phần mềm là gian lận thương mại và áp dụng hình thức xử phạt tương đương", ông Nam nói.

Về những vướng mắc trong xử lý vi phạm, ông Phí Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty AZ phân tích thêm, những sản phẩm thông thường như xe Honda chẳng hạn, có thể bị mất trộm nhưng tình trạng bị trộm không dễ tràn lan vì có khung pháp lý bảo đảm. Còn phần mềm vi tính vừa dễ copy lậu, vừa "rộng đường" phổ biến vì khung pháp lý chưa chặt. Vấn đề đặt ra là phải phải có hành lang pháp lý đủ sức răn đe và tạo được dư luận, giúp người sử dụng không muốn mua sản phẩm vi phạm.

Đại diện cho một đơn vị quản lý nhà nước, ông Võ Hưng Sơn, chuyên viên Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM, cho rằng, biện pháp xử lý hành chính còn chưa rõ ràng. Vì trước đây, Bộ Văn hóa Thông tin có Cục Bản quyền phần mềm nhưng nay, Cục này chuyển thành Cục Bản quyền văn hóa nghệ thuật. Các vấn đề về tác quyền phần mềm thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng hiện Bộ vẫn chưa có hướng dẫn và động thái cụ thể về vấn đề này. Về biện pháp xử lý theo Luật Dân sự, những vụ kiện về bản quyền có thể đưa ra tòa, nhưng các tòa án chưa có bộ phận chuyên trách xử lý về vi phạm sở hữu trí tuệ.

"Chính sách xử lý vi phạm bản quyền phần mềm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế là do người xây dựng hiểu biết về lĩnh vực này còn hạn chế. Ngược lại, nhà sản xuất phần mềm cũng ít hiểu luật. Để tháo gỡ nhanh những vướng mắc trên, cần phải có bộ phận chuyên gia về phần mềm tìm hiểu và cố vấn cho những người làm luật", ông Sơn nhận định.

Bà Trần Thị Ngọc Thoa, phụ trách Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp Song Ngọc cũng bày tỏ sự cảm thông với những bức xúc của các nhà sản xuất phần mềm. Theo bà Thoa, hành lang pháp lý có nhiều khiếm khuyết, đặc biệt trong phần bản quyền tác giả. Vi phạm về bản quyền tác giả thì nhất thiết phải thông qua cơ quan quản lý văn hóa thông tin, nhưng cơ quan này xử lý các vấn đề liên quan chưa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, bà Thoa đánh giá một cách toàn diện hơn, khung pháp lý cho vấn đề bản quyền nói chung khá rõ và hình phạt các vi phạm không phải thấp. Mức cao nhất có thể phạt tiền 200 triệu đồng, phạt tù tới 3 năm. Vấn đề đặt ra là làm sao để có một vụ xử lý điển hình đủ sức giáo dục, răn đe. Ví dụ phần mềm FAST bị ăn cắp, phải khởi kiện. Nếu doanh nghiệp bị vi phạm phần mềm không đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng thì không thể hạn chế được tình trạng ăn cắp bản quyền. Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau tổ chức một vụ kiện mẫu, cảnh báo tập thể, cá nhân vi phạm và tạo dư luận phản đối những hành vi vi phạm.

Bà Thoa cho biết thêm, bản quyền phần mềm đã có quy định bảo vệ trong quyền tác giả. Sản phẩm này được nhìn nhận là tác phẩm viết. Vì vậy, bản quyền phần mềm sẽ đăng ký ở Sở Văn hóa Thông tin. Thủ tục đăng ký không khó khăn và kinh phí đăng ký không quá tốn kém. Nhưng thực tế, nhiều nhà sản xuất chưa coi trọng việc tiến hành thủ tục đăng ký. Vì vậy, khi khởi kiện ra tòa, nguyên đơn bất lợi vì không có văn bằng hợp pháp.

Thống nhất với ý kiến bà Thảo, nhiều nhà sản xuất phần mềm thành phố cho rằng, việc cần làm trước mắt là tiến hành khởi kiện một vụ vi phạm bản quyền làm mẫu. Giám đốc Công ty TNHH Tin học Định Gia (Diginet) Trần Đào Anh tiết lộ, công ty này sẽ tiên phong với việc đốc thúc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ vi phạm phần mềm LEMON 3.

Theo ông Trần Đào Anh, công nghiệp phần mềm Việt Nam bắt đầu được nhìn nhận thực chất và sản phẩm sáng tạo này đang có giá trị cao. Tuy nhiên, nếu tình trạng sao chép phần mềm trái phép còn tràn lan như hiện nay sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu tới sự phát triển chung. Vụ kiện mẫu sẽ là một động thái giúp nhà sản xuất phần mềm từ bỏ thế thụ động, mạnh dạn khẳng định quyền lợi chính đáng của mình.

"Tôi rất vui vì thấy nhiều doanh nghiệp phần mềm và các nhà tư vấn luật ủng hộ việc khởi kiện. Kết quả dù thế nào đi nữa thì vụ kiện chắc chắn sẽ là sự cảnh cáo nghiêm khắc tới những đối tượng có ý định sử dụng bản quyền bất hợp pháp, đặc biệt là những nhân viên trong chính các công ty sản xuất phần mềm và ảnh hưởng tích cực tới dư luận về việc bảo vệ bản quyền", ông Khánh nói.

Các tin tức khác:

Làm đẹp cho “dế”

Chạy đua giảm giá dịch vụ ADSL

“MyDoom”: Bước ngoặt trong công nghệ chế tạo virus

Sự Phát Triển Của Facebook Tại Việt Nam

Dịch vụ tìm kiếm cho mobile

Toshiba giới thiệu máy photocopy màu

Mở rộng cá nhân hóa MSN

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc phát triển mạng Internet mới

Những sản phẩm CNTT ấn tượng năm 2004 (Phần I)

Những công cụ bổ sung cho trình duyệt Firefox

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone